Co giật, liệt thần kinh... vì hóa chất giặt khô, là hơi

Google News

(Kiến Thức) - Hóa chất dùng để giặt khô gây những tác hại nhất định đến môi trường, trong đó có thể khiến tôm, cua, cá nhiễm chất metyl thủy ngân.

Nước máy cũng nhiễm chất cơ clo 
Một nghiên cứu của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trong vài năm lại đây cho thấy, có hiện tượng nước máy cũng nhiễm chất cơ clo, trong đó có chất cơ clo mạch ngắn. Cụ thể, các nhà khoa học của trường đã lấy 64 mẫu nước sinh hoạt tại vòi của các gia đình tại 4 quận nội thành. Nước được lấy là thẳng từ nhà máy, qua đường ống nhưng không qua bể chứa. Sau khi phân tích, kết quả cho thấy các mẫu nước máy này đều có mặt các chất cơ clo mạch ngắn nhưng thấp hơn tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. 
Hai công ty cung cấp nước sạch cho khu vực nội thành cũng có sự khác biệt về chất cơ clo mạch ngắn do có sự khác biệt về nguồn nước dùng để khai thác là nước ngầm và nước mặt. Trong đó, nguồn nước mặt có chứa chất hữu cơ cao hơn nước ngầm nên khi dùng clo để diệt khuẩn thường có chứa các chất cơ clo, trong các chất cơ clo mạch ngắn đó tồn tại ở nồng độ cao. 
Theo ThS Ngô Thị Minh Tâm, trường Đại học Y Hà Nội, người thực hiện đề tài này tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các chất cơ clo mạch ngắn dễ bay hơi là một nhóm thuộc các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs). Do độc tính và tác hại của môi trường mà chất này được chú ý. Có nhiều nguồn khác nhau tạo ra chất này như chất giặt khô, pha sơn, sản xuất chất tẩy rửa... 
"Đây là các chất dễ bay hơi, chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, sau đó qua da và đường tiêu hóa. Sự lưu chuyển các chất cơ clo mạch ngắn tạo ra các tác hại cho sinh thái và con người. Chất VOCs được xem có tác hại đến sức khoẻ con người như gây đau mắt, viêm họng, đau đầu, gây ung thư, ảnh hưởng gan thận...", ThS Ngô Thị Minh Tâm cho hay.     
 Phụ nữ trong thời kỳ mang thai nhạy cảm hơn với những ảnh hưởng độc hại của metyl thủy ngân.
Tác hại của giặt khô
Theo PGS.TS Đỗ Quang Huy, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chất cơ clo mạch ngắn dễ bay hơi như CH2CL2, C2H2CL4... được sử dụng trong quá trình giặt là với tác dụng giúp nhanh khô nhưng lại gây ô nhiễm cho môi trường, từ đó tác hại gián tiếp đến con người. Cụ thể, chất cơ clo được pha lẫn với nước trong quá trình giặt, ngấm vào quần áo. Khi là hoặc sấy, nhiệt độ cao sẽ khiến chất này bay hơi kéo theo nước giúp quần áo nhanh khô. 
"Đây cũng là lý do vì sao dù trời nồm ẩm, mưa gió nhưng các cửa hàng giặt là, khách sạn hằng ngày phải giặt rất nhiều quần áo, chăn... vẫn nhanh khô. Khi giặt là, chất này bay hơi nên không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Tuy nhiên, chất cơ clo lại là chất gây ô nhiễm cho môi trường và con người ở góc độ khác", PGS.TS Đỗ Quang Huy nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này phân tích, nước có chứa chất cơ clo sẽ được thải ra ngoài môi trường. Bản thân trong môi trường nước cũng có chất thủy ngân, nhưng nồng độ thấp. Khi hai chất này liên kết với nhau sẽ tạo nên chất metyl thủy ngân rất độc. Metyn thủy ngân thâm nhập vào cá, tôm, cua... Con người ăn phải loài thủy sản này vô hình chung nhiễm độc theo. 
Đặc tính nguy hiểm nhất của metyn thủy ngân là sự liên kết của ion thủy ngân với màng tế bào não làm ngăn cản sự chuyển vận tích cực của đường qua màng tế bào và cho phép chuyển dịch kali qua màng. Điều này dẫn tới thiếu hụt năng lượng trong tế bào não và gây ra rối loạn trong việc truyền kích thích thần kinh. Đây là cơ sở để giải thích vì sao các trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm metyl thủy ngân sẽ chịu những tổn thương không thể phục hồi của hệ thần kinh trung ương, bao gồm sự phân liệt thần kinh, kém phát triển về trí tuệ và chứng co giật. 
Đối với người lớn, nếu mỗi ngày tiếp nhận từ 3 - 7µg/kg trọng lượng cơ thể sẽ gây ra tác dụng phụ trên hệ thần kinh. Trong đó, phụ nữ trong thời kỳ mang thai nhạy cảm hơn với những ảnh hưởng độc hại của metyl thủy ngân. 
"Với quần áo giặt khô, người mặc hầu như không có tác hại gì. Bởi chất cơ clo mạch ngắn dễ bay hơi, khi là khô, để ở nhiệt độ bình thường chất này đã bay đi gần hết".
PGS.TS Đỗ Quang Huy
Thu Hiền

Bình luận(0)