Cuộc sống hiện tại của người mẹ sinh 15 con, mắn đẻ đến mức ai có bầu đều đến xoa bụng để "xin vía"

Google News

Sinh hạ tổng cộng 15 người con, cặp vợ chồng ở Gia Lai được xem là một trong những gia đình đông con nhất Việt Nam. Đông con kéo theo những khó khăn, thiếu thốn về điều kiện chăm sóc ăn uống, học hành cho các bé.

Trong khi ở nhiều đô thị lớn đang ở mức cảnh báo vì mức sinh thấp, khuyến khích phụ nữ sinh đủ 2 con trước tuổi 35 thì một gia đình tại huyện Chư Pưh, Gia Lai có đến 15 người con, trong nhà lúc nào cũng đông đúc. Đứa lớn nhất sinh năm 1996, còn đứa nhỏ nhất chỉ mới 3 tuổi.

Theo đoạn clip được kênh Độc Lạ Bình Dương chia sẻ, anh Siu Long sinh năm 1972 và vợ là chị Loan sinh năm 1978. Dù năm nay mới 46 tuổi nhưng chị Loan đã trải qua 15 lần sinh nở. Đa phần các con được sinh ra tự nhiên, không cần đến bệnh viện. Vì gia đình khó khăn, không có điều kiện đi bệnh viện, trạm xá nên toàn tự đỡ đẻ. Ban đầu có bà đỡ hỗ trợ, về sau anh Long tự đỡ đẻ cho vợ và cắt dây rốn cho con.

Cảnh đông đúc khi gia đình vợ chồng anh Long có đến 15 người con

Ngôi nhà của vợ chồng anh Long xập xệ, chắp vá nhiều mảnh gỗ với nhau là nơi cư trú của gia đình 17 người. Khi có khách đến, các con phải ra trải chiếu ở bên ngoài để ngồi. Bữa cơm của gia đình chủ yếu là cơm trắng cùng vài loại rau như: lá sắn, lõi chuối…, mỗi lần ăn hết 24 lon gạo, ngày nào hết gạo thì xin hàng xóm.

Ngoài việc đông con, hiện vợ chồng anh Long đã lên chức ông bà ngoại khi con gái lớn đi lấy chồng và có 2 con. Nhiều lúc vì con đông, nhìn những đứa trẻ trong nhà, anh chị còn không biết đẻ ở vị trí thứ mấy. Vì thấy chị Loan mắn đẻ, trong vùng nhiều gia đình có bà bầu sắp sinh thường đến gặp chị Loan đề nhờ xoa bụng "lấy vía" cho dễ đẻ.

Khi được hỏi về việc kế hoạch hóa gia đình, chị Loan cho biết từ đứa thứ 4 đã có đặt vòng và uống thuốc nhưng không hợp, bị nhức đầu nên thôi. Sau đó những đứa bé liên tục ra đời.

Vợ chồng anh Long và chị Loan trong vòng 28 năm đã sinh 15 người con

Vợ chồng anh Long mong muốn có tiền để xây căn nhà rộng rãi, vững chắc hơn cho các con sống. Công việc chủ yếu vẫn làm nông, nhưng chỉ anh Long đi làm còn chị Loan sức khỏe không tốt, đau nhức tay chân do nhiều lần sinh nở nên chỉ ở nhà chăm con.

“Tôi trăn trở lắm, cứ nghĩ làm sao để chúng có một cuộc sống đủ đầy. Nhưng làm mãi cũng chỉ đủ ăn, đến cái nhà cũng không xây nổi thì làm sao ước mơ to tát được chứ. Giờ tôi chỉ mong hai vợ chồng khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật gì để có thể tập trung làm lụng kiếm tiền nuôi con" , anh Long chia sẻ.

Dù khó khăn nhưng vợ chồng anh Long mong muốn cố gắng cho các con đi học hết cấp 3, xin vào làm công nhân ở các công ty sẽ đỡ vất vả hơn đi nương rẫy. 

“Lần này tôi quyết tâm đi triệt sản để không đẻ nữa. Giờ tôi đã có tuổi, chuyện sinh nở không còn phù hợp. Hơn nữa tôi nghĩ hai vợ chồng không còn đủ sức để gồng gánh đàn con nữa. Tôi cũng khuyên con gái đầu đã lấy chồng đừng nên đẻ nhiều, hãy chỉ sinh 2 con như nhà nước tuyên truyền để gia đình hạnh phúc, các con có cuộc sống trọn vẹn”, chị Loan cho biết.

Ngôi nhà xập xệ, tự ngăn thành nhiều buồng khác nhau để sinh hoạt chung của gia đình vợ chồng anh Long

Dù khó khăn nhưng chị Loan và anh Long vẫn cố gắng cho các con được đến trường, biết con chữ để tương lai tươi sáng hơn

Anh Long chị Loan không phải là gia đình duy nhất có 15 người con trên cả nước. Tại Nghệ An, gia đình vợ chồng anh Hoàng Văn Thịnh, chị Nguyễn Thị Sâm (cùng sinh năm 1972) trú tại xóm Phú Vinh, xã Đô Thành, huyện Yên Thành cũng có số lượng con cái tương tự. Sau 28 năm chung chăn gối, hai vợ chồng anh có đến 15 người con. Kể từ năm 1991, nhà anh chị chưa bao giờ vắng đi tiếng nói cười trẻ thơ. 

Một gia đình khác ở Nghệ An cũng có 15 người con

Cùng với đó nhiều gia đình cũng có từ 5-10 người con, thậm chí có nhà còn sinh con một bề toàn nam hoặc toàn nữ. Chuyện gia đình đông con thường thu hút sự chú ý, nhưng việc sinh quá nhiều con nếu điều kiện kinh tế không đảm bảo dễ dẫn đến những khó khăn trong cuộc sống. Những chính sách của nhà nước thường khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt. 

Nguồn: Clip Độc lạ Bình Dương.

Đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Song trên thực tế, một số vùng núi cao vẫn trong thực trạng tỷ suất sinh còn rất cao. Mỗi người cần tự nâng cao kiến thức và biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tuân thủ các chính sách của nhà nước, không nên sinh quá nhiều con để giảm thiểu tình trạng gia tăng dân số mất kiểm soát, chống đói nghèo, đóng góp cho sự phát triển ổn định về kinh tế và dân số của nước nhà.

H.A

Bình luận(0)