Có lần ngồi hầu chuyện nhà văn Sơn Tùng ở ngõ Văn Chương (Hà Nội), ông có nói về vùng “đất thánh” miền Trung kéo dài từ Hà Tĩnh tới Thành cổ Quảng Trị. Nhà văn Sơn Tùng bảo, hãy bước nhẹ trên vùng “đất thánh” bởi mỗi vạt cỏ đều chứa đựng máu thịt của người lính trận.
Từ ngã ba Đồng Lộc
Và nhà văn Sơn Tùng cũng rất chu đáo dặn dò lớp hậu sinh khi ngang qua “đất thánh”, rằng hãy bước nhẹ để các anh không đau. Các anh ở đây, không chỉ là các chiến sĩ đã hy sinh ngoài mặt trận mà cả những cô gái thanh niên xung phong hay du kích đã mãi mãi nằm xuống với đất. Và tôi biết rằng, mỗi vạt cỏ, nhành cây đều một thời thấm máu những người anh hùng.
Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) giờ đây không chỉ là vùng “đất thánh” mà trở thành huyền thoại trong lòng dân tộc. Những người viết nên huyền thoại ấy chẳng ai khác ngoài 10 nữ thanh niên xung phong trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Chẳng ai ở Đồng Lộc có thể quên hình ảnh của 10 cô gái ấy. Họ rưng rưng khi kể về cái ngày định mệnh 26/7/1968, khi trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống lấy đi sinh mạng của 10 cô gái trẻ đang hăng hái san đường.
|
Tượng đài chiến thắng ở ngã ba Đồng Lộc. |
Những câu chuyện mà người địa phương kể với chúng tôi không biết có thật hay không nhưng với họ, 10 cô gái như đã hoá thánh. Họ kể rằng, vì hi sinh khi tuổi còn trẻ nên các cô cũng nghịch lắm. Hay kéo xe của các chàng trai qua đường và những đêm trăng suông 10 cô gái thanh niên xung phong còn hò nhau san đường lấp hố bom như khi còn sống.
Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để dệt nên gấm vóc Việt Nam. Xúc động, tự hào và không thể cầm được nước mắt khi tạm biệt ngã ba Đồng Lộc, tạm biệt những đóa hoa bất tử. Thắp nén hương thơm và xin gửi lại các chị những chiếc gương soi, lược ngà và những chùm bồ kết mà ngày nào các chị vẫn dùng.
Chúng tôi lên đường, chân bước đi mà lòng chới với. Hình ảnh o Tần, o Cúc, chị Hợi, chị Nhỏ, chị Xuân, chị Hạ, chị Hường hay o Rạng, o Xuân và o Xanh như vẫn còn đây, trẻ trung, tươi tắn nhưng hiên ngang khí phách lạ thường bên dòng sông La. Các chị là loài hoa bất tử đẹp nhất trên Tổ quốc này.
|
Lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. |
Đến nghĩa trang Trường Sơn
Một vùng “đất thánh” nữa trong chuyến hành trình này mà chúng tôi không thể bỏ qua, đó là nghĩa trang Trường Sơn huyền thoại. Đã nhiều lần tôi ước ao đến với Trường Sơn, chẳng là phải làm công to việc lớn gì mà giản đơn chỉ là thắp nén nhang tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến thần thánh của dân tộc.
Trước khi đến đây, ông Lê Hữu Phúc, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị giới thiệu với giọng mùi mẫn lẫn xót xa, rằng đây là một trong 72 nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị.
Nhiều người đau đớn gọi đó là nghĩa trang dã chiến nhất cũng không sai. Với 140.000m2 đất chứa đựng trên một vạn phần mộ của các chiến binh từ khắp các tỉnh thành của nước ta. Nhớ lời nhà văn Sơn Tùng, chúng tôi cố bước nhẹ trên mỗi thảm đất, vạt cỏ. Có ai đó đã nói, nghĩa trang Trường Sơn chỉ là mô hình thu nhỏ vì trong cuộc chiến thần thánh năm xưa, máu các anh đã nhuộm đỏ từng tấc đất, từng cánh đồng nơi vĩ tuyến chia cắt Bắc – Nam này.
Có lẽ, chẳng mấy ai đến nghĩa trang Trường Sơn lại xa lạ với ông Hồ Tất Ái, người quản lý lâu năm ở nghĩa trang này. Ông Ái thủ thỉ: “Vào đêm 14/11/2002 (âm lịch), tôi lên tượng đài chính khu tưởng niệm thắp hương cho các liệt sĩ. Đi cùng tôi có anh Bằng, Chủ tịch Công đoàn cơ quan. Lúc ấy là mùa đông, dưới ánh trăng mờ, tôi và anh Bằng bỗng thấy một người ngồi xếp bằng dưới đài Tổ quốc ghi công. Tôi nghĩ chắc là ai đó đi viếng liệt sĩ nhưng chưa về được.
Tôi lên tiếng hỏi nhưng không có tiếng trả lời. Chúng tôi tiến lại gần nhưng người đó vẫn ngồi lặng im. Cho đến khi chỉ cách tượng đài 10m, tôi quát to thì người đó mới lên tiếng: “Tôi là liệt sĩ ở nơi khác đến thăm liệt sĩ ở đây”. Nghe vậy, anh Bằng thì thầm vào tai tôi: “Về thôi anh, tôi hãi lắm”.
Tôi là lính trinh sát nên vẫn giữ được bình tĩnh và tiếp tục lên lễ đài thắp hương. Tôi thấy rõ anh mặc áo bộ đội vải Tô Châu vẫn điềm nhiên ngồi yên một chỗ. Khi nén hương trên tay tôi bỗng cháy bùng lên thì anh bộ đội liệt sĩ cũng biến mất”.
|
Mô hình máy bay B52 được làm bằng vỏ bom. |
Bảo tàng tình yêu
Thực ra, ở xứ ta chưa có bảo tàng tình yêu nhưng qua lời chỉ giáo của ông Hồ Tất Ái thì mới nghiệm ra rằng ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị có một khu dành riêng để trưng bày những lá thư tình của thời chiến. Lại nhớ, trước đây vào năm 2011, bạn tôi – một cán bộ của bảo tàng đã chụp ảnh gửi cho tôi xem bức thư tình và cũng là lời “tiên tri” về cái chết của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh.
Theo bức thư ấy, sau này tôi có về Thái Bình tìm gặp người vợ của liệt sĩ Huỳnh là chị Đặng Thị Xơ. Chị Xơ bảo: “Đó là một mối tình đẹp, dù chỉ được bên nhau 7 ngày sau khi cưới rồi xa nhau mãi mãi nhưng qua bức thư tình yêu đầy tha thiết, tôi hiểu rằng chẳng có ai khao khát yêu hơn người lính”.
Lật giở từng tập thư, tôi mới nhận ra rằng rất nhiều liệt sĩ đã biết trước cái chết của mình như thể một nhà tiên tri. Họ còn biết rành rẽ nơi chôn cất, ký hiệu đánh dấu phần mộ. Thì ra, đứng trước sự sống và cái chết những người lính luôn có những linh cảm kỳ lạ. Anh Huỳnh là một trong số đó, khi anh hi sinh làng xóm tưởng chị Xơ sẽ gục ngã. Nhưng chị làm theo lời anh viết trong thư: “Gạt nước mắt cho đời trẻ lại”, chị trở thành một vọng phu không hoá đá.
Đọc tập thư tình mà những người lính năm xưa gửi về cho bố mẹ, cho những người vợ, người yêu và những đứa em thơ... thật chẳng ai cầm được nước mắt. Những dòng chữ đã nhoè phai trên tờ giấy úa vàng màu thời gian như gằn thêm nỗi xót xa về một thời khói lửa. Nhưng người ta cũng tự hào thêm về tình yêu sáng loà có sức lưu khoát tất cả nỗi đau mất mát vì bom đạn. Lúc này đây, xa cách không còn ý nghĩa, chỉ còn lại những biểu tượng vĩ đại của tình yêu là mãi trường tồn.
Đất nước đã lùi xa chiến tranh gần 40 năm trời nhưng nỗi đau hình như vẫn chưa lành miệng. Mỗi chặng đường chúng tôi qua đều có những vinh quang nhưng ẩn trong nụ cười là nỗi đau xa cách. Nhiều bà mẹ chiều chiều vẫn đứng ngõ đợi con, những người vợ như hoá đá chờ chồng. Nhưng không phải ai cũng hiểu hết những nỗi đau thầm lặng ấy. Chúng tôi cũng vậy, nên chỉ có thể cố gắng bước nhẹ trên những vùng “đất thánh” thương đau.