“Mình chẳng biết đâu, thấy cán bộ bảo mình có 10 tỷ“

Google News

(Kiến Thức) – Hỏi về tổng tài sản, "tỷ phú vùng biên" gãi đầu, gãi tai: "Mình không biết được đâu. Thấy cán bộ xã bảo nếu năm ngoái mình không để mất gần 1000 con vật ấy thì mình có gần 10 tỷ..."

“Tỷ phú” chưa qua lớp 3

Chàng trai Cơ Tu A Lăng Rứih sinh năm 1983 tại thôn K’noonh 3, xã A Xan, Tây Giang, Quảng Nam. Đứng bên này núi nơi nhà anh là đất của Việt Nam, nhìn sang bên kia đã thấy bản Tà Vàng của huyện Kà Lùm nước bạn Lào. 

Chúng tôi theo chân anh Zơ Râm Buôn, Phó Chủ tịch xã A Xan vượt qua những lối mòn nhỏ để tìm đến nhà anh Rứih nơi vùng biên nghèo khó. 

Vừa đi, anh Buôn vừa kể về Rứih: “Ngày trước nhà Rứih nghèo lắm, không có củ mì, cái bắp để ăn nữa, cứ mỗi mùa giáp hạt là nhà Rứih lại chạy đôn chạy đáo lên vì đói. Lúa nương làm mỗi mùa chỉ được mấy chục ang, mà nhà thì lại đông con. Rứih là con đầu nên bao nhiêu vất vả dồn hết về phần anh.

Cố gắng lắm nhưng ông A Lăng Din (bố của Rứih) vẫn không lo nổi cho đàn con đủ cái ăn cái mặc mỗi mùa. Thế nên mới học dở lớp 3, Rứih đành phải nghỉ học để cùng cha mở cái rẫy trồng mỳ, trồng bắp nuôi mấy đứa em sau. Nhiều lần Rứih vẫn bảo nghỉ học tiếc lắm”. 

Sau nhiều năm làm lụng vất vả nuôi gia đình, năm 2004, Rứih đăng ký đi bộ đội và được điều vào đồn biên phòng 649. Trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự tại đây, Rứih đã phấn đấu và đạt danh hiệu chiến sỹ tiên tiến. 

Hết thời gian phục vụ tại quân ngũ, Rứih về lại quê nhà và cưới cô gái A Lăng Thị Gáo cùng làng. Lấy vợ về vẫn không đủ cái ăn vì nhà Rứih vẫn còn nghèo lắm, nghèo nhất làng K’noon 3. 

Nhớ lại ngày ấy, Rứih buồn buồn: “Sao nhà mình, sao làng mình cứ nghèo miết như vậy?” Ý tưởng phải làm gì đó để thoát nghèo cứ trở đi trở lại trong đầu anh. Anh mày mò mãi, lại lục tìm trong sách vở rồi thấy rằng “mình sinh ra từ rừng, lớn lên từ rừng, phải bắt rừng làm cho mình giàu chứ”.

Cảnh vợ chồng anh Rứih bắt heo rừng.

Tay trắng làm nên

Không có bất kỳ một sự hỗ trợ nào về tiền bạc hay kỹ thuật từ phía địa phương, ngay cả đến họ tộc cũng không có để giúp đỡ, Rứih bắt tay vào gây dựng, không giống những người khác lấy gỗ từ rừng mà bằng việc nuôi trâu bò trong rừng. 

Chỉ có một con bò cái, Rứih cho phối giống để nhân đàn bò lên 6 con sau 3 năm. Chẳng ai ngờ, năm 2011, công chăm bẵm của Rứih đã giúp đàn bò tăng lên 60 con.

Không chỉ có bò, Rứih còn có trâu, có dê, có heo rừng… với số lượng lên tới gần 1000 con. Trong đó heo rừng là hơn 500 con. Để có được đàn heo rừng khổng lồ ấy, Rứih trước đó đã bẫy được một cặp heo rừng rồi từ đó nhân giống lên trong 5 năm.

Cách mà Rứih chăn nuôi đàn vật nuôi cũng không phức tạp, bên cạnh kỹ thuật đọc từ sách vở, Rứih thả rông chúng trong rừng, đến bữa ăn là đánh kẻng gọi về.  

Trong năm 2011, Rứih bị bệnh sốt rét. Sau gần hai tháng nằm điều trị tại bệnh viện trung tâm huyện, Rứih trở về nhà thì gần 1000 con vật nuôi của mình đã bỏ đi mất vì không ai cho ăn. Tiếc của, Rứih như người mất hồn. 

Rứih bảo: “Lúc mình về gõ kẻng mãi không thấy con nào về. Mình buồn quá bỏ ăn bỏ uống mấy ngày trời. Bao nhiêu tài sản của mình thế là bỏ đi hết theo trận ốm thập tử nhất sinh đó rồi. Nhưng mình phải làm lại từ đầu, mình không chịu buông xuôi đâu!”

Rứih buồn bã bỏ vào rừng tìm lại đàn vật nuôi. Gần 1000 con, Rứih chỉ tìm lại được đúng 2 con heo rừng và gây giống lại từ đó. 

Hơn 1 năm sau khi làm lại từ đầu, bây giờ trong tay Rứih đã có 74 heo rừng, 60 con bò, 3 con trâu, 45 con dê cùng nhiều ha trồng cỏ, đấy là chưa kể số vật nuôi mua từ bên Lào nhưng chưa chuyển về được. Công nhân của Rứih có 9 người được học kỹ thuật để đảm bảo không thất bại nữa. 

Vợ chồng "tỷ phú vùng biên" A Lăng Rứih (thứ nhất, thứ hai từ trái qua) đang trao đổi với cán bộ xã.

Hiện tại, Rứih còn có 4 ao cá với tổng diện tích gần 1,2ha, cuối năm nay sẽ cho thu hoạch; có 3 tiệm tạp hóa trong xã để bán nhu yếu phẩm cho bà con. Rứih còn cho dựng 4 căn nhà gỗ 2 tầng để mỗi khi đi thăm vật nuôi có chỗ dừng chân. 

Khi hỏi về tổng tài sản của mình, Rứih gãi đầu: “Mình không biết được đâu. Thấy cán bộ xã bảo nếu năm ngoái mình không để mất gần 1000 con vật ấy thì mình có gần 10 tỷ. Còn bây giờ có lẽ gần được 3 tỷ thôi. Mình muốn làm nhiều hơn nữa cơ. Thế này chưa đúng ý mình đâu!”.
 
Hai đứa con của Rứih được đi học ở trường xã. Rứih bảo: “Mình đã không được đi học nhưng con mình thì phải cho nó đi học chứ. Có đi học nó mới hiểu nhiều, biết nhiều, đời nó mới hết khổ được!”. 

Chuồng nuôi heo rừng giống của anh Rứih.


Vợ của Rứih vừa phụ giúp chồng làm kinh tế trang trại, vừa ở nhà nấu rượu bán cho cả xã A Xan, bán cho cả bản Tà Vàng của người Lào sát biên giới. Chị A Lăng Thị Gáo bẽn lẽn: “Mình không biết nói gì đâu. Chồng mình nó làm được chứ mình có làm gì đâu. Mình chỉ biết làm theo lời nó nói thôi”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, Rứih thường xuyên tuyên truyền, cổ động bà con đồng bào Cơ Tu vùng biên này biết vươn lên thoát nghèo từ chính mảnh đất quê hương.

Ở một thôn nghèo sát cột mốc biên giới mà có một tỷ phú như thế bà con ai cũng mừng. Tấm gương của Rứih cũng đến tai cán bộ huyện, cán bộ tỉnh. Tháng vừa rồi, đoàn cán bộ của Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam đã về trang trại của Rứih để tham quan, rút kinh nghiệm và tiến tới nhân rộng mô hình của Rứih ở nhiều địa phương. Vì những thành công ấy, Rứih đã nhiều lần nhận được bằng khen, giấy khen của Đồn biên phòng 649, của Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, của UBND huyện Tây Giang... 

Đứng trong trang trại gió suối mát rượi, mùi thơm ngái của ấm no sung túc lan tỏa khiến khâm phục nghị lực làm giàu của A lăng Rứih biết bao.
Hà Kiều

Bình luận(0)