Kinh ngạc cụ ông 87 tuổi trèo cây hái dừa “mưu sinh“

Google News

Chưa đầy 10 phút, 3 buồng dừa với hàng chục trái đã nằm ngổn ngang dưới gốc trước sự thán phục của người mua dừa và chủ nhà.

(Kienthuc.net.vn) - Một cụ già 87 tuổi, râu tóc bạc phơ, thân hình nhỏ thó nhưng hằng ngày vẫn hành nghề trèo cây hái dừa đem bán kiếm tiền giúp những đứa con gặp khó khăn khiến những người chứng kiến phải kinh ngạc.

Khác hẳn với cái tuổi 87 già yếu, gần đất xa trời mà những người bạn đương  thời đang mắc phải, cụ Lê Bá Hoạt (sinh năm 1925) dường như lại vượt ra khỏi cái quy luật chung của tự nhiên: Già thì phải yếu, phải ốm đau, bệnh tật, sống nhờ vào con cháu.

Cụ Hoạt năm nay tuy đã 87 tuổi, ngụ tại xã Hà Đông, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) không những ít ốm đau, không phải sống nhờ vào con cháu mà cụ vẫn hằng ngày lại đều đặn kiếm tiền về giúp đỡ con cháu bằng cái nghề nguy hiểm chết người mà rất hiếm ai có thể làm được, đó là nghề trèo cây hái dừa.

Chứng kiến cảnh cụ Hoạt thoăn thoắt leo cây như một con sóc, hái từng buồng dừa quăng xuống đất ở độ cao hàng chục mét khiến người nhìn phải thót tim. Thế nhưng, với cụ Hoạt, dừa cao hay thấp thường thì cụ không quan tâm vì chiều cao không hề ảnh hưởng đến công việc trèo cây hái dừa hằng ngày của cụ.

Đã 87 tuổi nhưng cụ Hoạt vẫn trèo cây hái dừa như sóc khiến người chứng kiến phải kinh ngạc

Đã 87 tuổi nhưng cụ Hoạt vẫn trèo cây hái dừa như sóc khiến người chứng kiến phải kinh ngạc

Cụ Hoạt cho hay, cụ bắt đầu công việc nguy hiểm trên cũng rất tình cờ. Quê cụ vốn ở Hà Nội, sau nhiều năm dạt đi khắp nơi kiếm sống ở nhiều tình miền núi phía Bắc nhưng vẫn không đủ tiền nuôi vợ con.

Sau năm 1980, cụ đưa cả nhà vào vùng đất Đạ Tẻh theo chính sách xây dựng kinh tế mới với hi vọng vùng đất này sẽ giúp gia đình cụ đổi đời. Mặc dù đã cố gắng khai hoang, làm bất cứ việc gì không kể nặng nhọc để có cuộc sống sung túc hơn nhưng cái số của cụ thì vẫn nghèo, túng thiếu.

Cách đây khoảng 10 năm, nhiều thương lái đến vùng thu mua dừa vận chuyển lên Đà Lạt tiêu thụ nhưng không ai dám trèo những cây dừa cao để hái quả. Phần lớn những cây dừa cao thường sai quả nhưng chủ nhà chỉ biết chờ cho dừa già, khô héo rồi tự rơi hoặc gió bão giật rụng vì thương lái không mua do không có ai trèo hái được.

Thấy vậy, cụ Hoạt liền đặt vấn đề với một thương lái cho cụ được trèo hái những trái dừa trên, với điều kiện hằng ngày chủ phải nuôi hai bữa cơm và trả cho cụ 50.000 đồng.

Mới nghe, người thương lái này cười khanh khách, cứ tưởng cụ Hoạt nói đùa cho vui. Khi cụ quả quyết, khăng khăng đòi trèo người này lại cho rằng thần kinh cụ chắc chắn không được bình thường nên mới có những ý nghĩ và hành động “điên rồ” như vậy, bởi lúc này cụ Hoạt đã ngoài 75 tuổi.

Thế nhưng, sẵn cây dừa cao ngất ngưởng gần đó, cụ Hoạt thoăn thoát leo lên ngọn như một con sóc. Chỉ trong chốc lát, buồng dừa đầu tiên đã được quăng xuống mặt đất trước sự ngỡ ngàng của những người chứng kiến. Trong vòng chưa đầy 10 phút, 3 buồng dừa với hàng chục trái đã nằm ngổn ngang dưới gốc trước sự thán phục của người mua dừa và chủ nhà.

Như vớ được bảo bối trong tay, người buôn dừa này nhận lời thuê cụ Hoạt với giá 50.000 đồng/ngày cùng hai bữa ăn. Cụ Hoạt cho biết, cách đây 10 năm, giá công lao động như vậy là rất cao, đủ để trang trải cho cuộc sống cả nhà trong vòng một ngày.

Làm thuê cho chủ được 4 năm thì cụ Hoạt quyết định ra làm riêng cho đến ngày nay. Hằng này, trừ những ngày mưa gió, ốm đau cụ Hoạt với chiếc Cub “rách bươn” của mình lại rong ruổi tới các thôn trong và ngoài huyện mua và trèo dừa đem về nhập lại cho các đại lý hoặc những quán nước giải khát trong huyện. 

Hiện mỗi trái dừa được chủ bán với giá 2.000 đồng. Cụ Hoạt trèo hái đem về bán với giá 6.000 đồng. Trung bình mỗi tháng cụ Hoạt thu về khoảng trên 4 triệu đồng tiền lãi.

Theo cụ Hoạt, trèo dừa là một công việc cực kỳ nguy hiểm, nếu chỉ sơ suất nhỏ buộc phải trả giá bằng cả tính mạng. Bí quyết để ông cụ ở tuổi 87 mà vẫn trèo hái được những buồng dừa nặng vài chục kg ở độ cao hàng chục mét là sức khỏe dẻo dai. Tiếp đó là mọi hoạt động phải cực kỳ thận trọng, chính xác đến từng chi tiết. Điều tối kỵ nhất là chủ quan, mất tập trung khi đang ở trên cây.

Số tiền cụ Hoạt kiếm được hằng ngày trừ tiền ăn uống, cụ làm “quỹ” để trao dần cho những đứa cháu ngoan, học giỏi hay giúp đỡ gia đình các con trong lúc gặp khó khăn. Đến nay, cụ Hoạt còn bỏ tiết kiêm vào ngân hàng gần 100 triệu đồng từ công việc trèo dừa.

Cụ Hoạt cho biết, các con cụ thường khuyên cụ ngừng công việc nguy hiểm này nhưng cụ chưa muốn dừng vì biết sức khỏe của mình vẫn còn rất tốt. Theo cụ, trèo cây hái dừa là công việc nguy hiểm nhưng thu nhập vẫn cao hơn nhiều so với những nghề khác.

Khắc Lịch

[links()]

Bình luận(0)