Hệ lụy đằng sau những vụ trúng kỳ nam tiền tỷ

Google News

Hệ lụy đằng sau của những phu trầm này là họ phải đổi lại bằng máu và nước mắt, thậm chí cả tính mạng…

Thông tin về 4 phu trầm trúng quả kỳ nam khủng bán được 55 tỷ đồng, khiến nhiều người đổ xô vào rừng tìm kiếm nhiều ngày nay. Hệ lụy đằng sau của những phu trầm này là họ phải đổi lại bằng máu và nước mắt, thậm chí cả tính mạng…

Những ngày đầu tháng 9, dân khắp cả nước rộ lên tin đồn 4 phu trầm ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) kiếm được 55 tỷ tại thung lũng Ô Kha của núi Gộp Ngà, xã Sơn Trung (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa).

Mấy ngày sau, nhóm này còn đào thêm được mấy chục ký nữa. Chỉ sau một đêm, từ những anh thợ cày nghèo bỗng trở thành tỉ phú vì trúng kỳ nam. Thực hư điều này vẫn chưa có bất cứ ai xác nhận, nhưng phu trầm vẫn bám dựa vào niềm tin này để vào rừng tìm kiếm.

Lũ lượt đi tìm “vận may”

Ba năm trở lại đây, câu chuyện người dân xã Đại Đồng trúng đậm kỳ nam bán được bạc tỷ không còn là điều lạ, nhưng việc trúng đậm khối kỳ nam này dài tới 1,5m, nặng 7kg, bán được gần 55 tỷ đồng đã thành hi hữu. Và vụ việc “55 tỉ đồng” một lần nữa đã làm cho bao người dân ở huyện Đại Lộc và các vùng lân cận “nóng ruột” lên rừng tìm kiếm vận may….

Sáng tinh mơ một ngày giữa tháng 9/2012, chúng tôi có mặt tại khu vực cầu vượt Hòa Cầm (TP. Đà Nẵng) thì đã bắt gặp gần 30 người ở các xã Đại Đồng, Đại Hồng, Đại Thạnh…(huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đứng bắt xe lai để vào rừng Khánh Hòa “săn” trầm.
Người dân lũ lượt đi tìm trầm
Người dân lũ lượt đi tìm trầm

Thấy tôi lân la hỏi đi đâu mà mang vác nhiều đồ, anh Nguyễn Khế (Đại Hồng) vội bỏ ba lô trên vai, tươi cười tiếp chuyện: “Tìn trầm, đi khoảng 1 đến 2 tháng, cứ chui nhủi hết cánh rừng này sang cánh rừng khác, lúc nào “trúng đậm” hoặc đủ công lao động thì về nhà nghỉ, vài ba ngày lại đi tiếp”.

Công việc tuy vất vả, cực nhọc nhưng ít người chán nản bởi trong thâm thâm tâm ai cũng luôn mang theo niềm tin, sắp tới đoàn sẽ bắt gặp được một gốc gió có chứa đầy trầm quý để giải “cơn khát mong mỏi”.
Nhà cửa đóng chặt vì đàn ông, thanh niên lên rừng tìm kỳ nam
Nhà cửa đóng chặt vì đàn ông, thanh niên lên rừng tìm kỳ nam

Theo quốc lộ 14B, chúng tôi tiếp tục đi đến xã Đại Đồng, sau cú trúng đậm kỳ nam gần 55 tỷ đồng ở huyện, hàng ngàn người theo đuổi “giấc mơ trầm” như “ngồi trên đồng lửa”.

Anh Nguyễn Thanh Đức, có những gia đình ở Đại Lộc đã huy động hết “lực lượng” gồm anh em, con cháu ngày đêm cắt rừng, lội suối bất chấp nguy hiểm, tính mạng để tìm trầm. Đến những thôn của xã Đại Đồng nay chỉ toàn gặp người già, phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà. Cũng theo anh Đức, hiện trên địa bàn xã có gần 2.000 người đã rời địa phương đi làm trầm ở rừng sâu.

Ước mơ được đổi đời khiến nhiều người từ các tỉnh thành đổ xô về các vùng thuộc tỉnh Khánh Hòa xẻ núi tìm trầm, làm náo loạn cả một vùng sơn cước vốn xưa nay yên bình. Có gần cả ngàn người từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... về đây tìm kỳ nam, đổi lại, nhiều hệ lụy khôn lường mà họ đã và đang sẽ gánh phải…

Đổi máu và nước mắt…

“Lộc rừng” đến nay vẫn thực sự hấp dẫn hàng ngàn người dân miền Trung. Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề không chỉ những “phu trầm” phải đánh cược cả sinh mạng, máu và nước mắt vì “vận may” mà khi về nhà còn bị nhiều nhóm giang hồ “xin đểu” gây thương tích.

Anh Nguyễn Tuấn Ánh (32 tuổi, xã Đại Thạnh),“nối nghiệp” cha đẻ và ông nội làm trầm đã gần 10 năm chia sẻ: “Bản thân tôi, dù quen với gian khó ở rừng, song, cứ ngày này sang tháng khác, phải băng rừng, trèo dốc, vượt suối, nằm lại rừng sâu chịu đựng thời tiết ớn lạnh tôi cũng không khỏi rùng mình. Giữa rừng thẳm, vắt rừng, muỗi vàng lúc nào cũng chực chờ hút máu. Đặc biệt, những lần đang chui nhủi tìm trầm mà gặp phải mưa rừng, có người không may bị lũ cuốn phải bỏ mạng hoặc trèo lên cây cổ thụ nằm hàng tuần đối mặt với rắn rít, đói khát, thậm chí chết vì ăn phải nấm độc”.
Ở xã Đại Đồng hầu hết chỉ còn người già và trẻ em
Ở xã Đại Đồng hầu hết chỉ còn người già và trẻ em

Ánh bảo, vào tháng 5/2006, trong lúc đi làm trầm ở cánh rừng già Tây Nguyên, người trong nhóm của anh là Nguyễn Tuấn (42 tuổi, Đại Hồng) đã bị nước lũ cuốn trôi. Sau 2 ngày huy động lực lượng tìm kiếm, người nhà mới phát hiện được xác của anh nằm dắt trên một thân cây và sau đó đưa về mai táng.

Tuy gian nan, vất vả, thậm chí đổi cả sinh mạng, nhưng nhưng khi người trúng kỳ nam về địa phương thì nhóm xin đểu lại mò tới, chúng hăm dọa, đánh đập, nhằm xin tí lộc rừng.

Anh Võ Quốc Tuấn (Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa), một trong chín người trúng đậm kỳ nam về bán được trên 30 tỷ đồng hồi tháng 8/2010 cho biết, sau niềm vui sướng vỡ òa khi phát hiện được một lượng trầm lớn nằm dưới thân cây gió giữa đại ngàn Trường Sơn, 9 người tham gia tìm trầm vừa mừng, nhưng lo lắng không kể xiết. Anh em trong nhóm phải bàn nhau cắt rừng, xuống núi ngay trong đêm tối, mặc cho lũ rừng, trời mưa xối xả…

Khi về đến Đại Lộc, dù bán trót lọt toàn bộ số trầm cho một đại gia ở tỉnh Khánh Hòa, lấy tiền chia đều cho nhau rồi nhưng ai nấy vẫn không yên với đám giang hồ “xin đểu”.
Một trong những đối tượng "xin đểu" trầm của người dân vừa bị công an Đại Lộc bắt giữ
Một trong những đối tượng "xin đểu" trầm của người dân vừa bị công an Đại Lộc bắt giữ

"Sau khi biết tin chúng tôi trúng trầm, chúng đã tìm đến nhà, chầu chực, đe dọa, dội đá, thậm chí uy hiếp tính mạng nếu không cho tiền chúng nó. Chúng tôi phải đưa vợ con đi tìm nhà người thân hoặc đến nơi khác tạm lánh nạn".

Tương tự, tuy đã bí mật nhưng thông tin nhóm anh Hoàng trúng được kỳ nam nhanh chóng truyền đi khắp địa phương. Cũng từ đây, một nhóm thanh niên có tên “Quý năm ghe” khá “tiếng tăm” ở Đại Lộc kéo đến nhà anh để “xin ít lộc rừng”. Trước sự hù dọa của các băng nhóm này, không ít lần anh Hoàng đã phải bấm bụng đưa tiền cho bọn chúng, có lần lên đến 30 triệu đồng để được yên ổn.

Thế nhưng, anh Hoàng biết “một lần đi là một lần khó, có thể đổi tính mạng” nên đi nhờ Võ Văn Lộc (trú xã Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa) cũng là tay “anh chị” đến dằn mặt, ngăn cản ngược lại nhóm đến xin đểu của Quý.

Tối  ngày 29/7, sau một chầu nhậu với đám chiến hữu, Quý  một mình chạy xe máy đến nhà Hoàng để hỏi cho ra lẽ,  khi đi lận theo bình xịt Salonpas. Đến đây thấy Lộc đang ngồi trước nhà, Quý yêu cầu gặp Hoàng nhưng anh đi vắng.

Thấy thái độ hùng hổ của Quý, Lộc hỏi: “Người ta làm vất vả mới có ít tiền, bọn bây làm gì mà đến đây xin đểu hoài rứa”. Chưa dứt lời thì Lộc đã bị Quý đánh vào mặt, xịt Salonpas vào mắt, khiến Lộc tá hỏa.
Một trong những nạn nhân của những vụ xin đểu
Một trong những nạn nhân của những vụ xin đểu

Cùng lúc, hai đàn em của Quý là Trần Chánh Nhựt (1990, trú Đại Đồng) chạy đến hợp sức khống chế Lộc đưa đi nơi khác để “hỏi tội” nhưng Lộc vùng chạy thoát. Nhựt vào một nhà dân gần đó lấy con dao lỡ đuổi theo và Quý giật lấy để chém vào lưng Lộc 4 nhát. Gây án xong cả bọn bỏ trốn, còn Lộc được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu với nhiều vết thương  nặng trên cơ thể, kết quả giám định 18%...

Theo ông Trương Hữu Mai, Chủ tịch xã Đại Đồng, cứ sau mỗi tin đồn trúng kỳ nam rộ lên là nhiều nông dân lại bỏ mặc ruộng vườn, vay mượn tiền để mua lương thực, thực phẩm vào rừng săn tìm nên lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Tình hình an ninh theo đó càng diễn biến phức tạp sau tin đồn, khi có nhiều nhóm đầu gấu tìm đến địa phương để tìm người trúng trầm xin đểu khiến nhiều người dân mất ăn mất ngủ.

(Theo Infonet)
 
[links()]

Bình luận(0)