Tu bổ thành nhà Hồ: Không hiểu sao người ta “vẽ” ra

Google News

"Tôi không đồng ý với cách làm này vì thiếu tính khoa học" - KTS Nguyễn Trực Luyện

(Kienthuc.net.vn) - Dù công tác tu bổ, tôn tạo di tích thành nhà Hồ hiện nay vẫn chưa hoàn thành nhưng dư luận đã tỏ ra lo ngại việc tu bổ đó có thể khiến cho di tích bị biến dạng.

Thi công dự án chống thấm là cần thiết?

Thời gian gần đây, nhiều du khách khi đến tham quan di tích thành nhà Hồ (thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đều tỏ ra bất ngờ trước một số hạng mục mới được thêm vào trong quá trình tiến hành tu bổ, tôn tạo.

Đáng chú ý nhất là dự án chống thấm mà Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ đang cho thi công tại cổng thành phía Nam (cổng chính).

Tại đây, nguyên vật liệu xây dựng được tập kết ngay bên trên bề mặt cổng thành những đống lớn. Những nơi hố lõm trên mặt cổng thành phía Nam được lấp bằng đá hộc và đá 4x6cm rồi dùng búa tạ đập nén xuống. Sau đó, toàn bộ mặt thành được rải bằng một lớp cát và phủ bằng loại giấy chống thấm chuyên dụng. Cuối cùng, toàn bộ mặt thành sẽ được lát bằng đá, mỗi viên đá lát có kích cỡ khoảng 15x15x2cm.

Nguyên liệu chất trên cổng phía Nam thành nhà Hồ
Nguyên liệu chất trên cổng phía Nam thành nhà Hồ

Liên quan đến dự án chống thấm đang thi công, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Việc thi công dự án chống thấm là cần thiết. Nước mưa thường rò rỉ qua các kẽ đá trên mặt thành và ngấm xuống bên dưới. Nếu tình trạng này kéo dài mà không có biện pháp khắc phục có khi cổng thành còn bị sụt”.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết: “Việc thi công dự án chống thấm cho thành nhà Hồ đã được phía Cục Di sản của Bộ VH-TT&DL phê duyệt và cho phép. Việc thi công đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật nên không đáng lo ngại. Sau khi rải cát và phủ giấy chống thấm chuyên dụng, bề mặt giấy còn được quét bằng một lớp dầu, sau đó mới tiến hành lát bằng đá”.

Phía dưới mặt nền được trải một lớp xốp và giấy chống thấm, sau đó quét một lớp dầu trước khi lát đá

Cũng theo ông Tuấn, Trung tâm Bảo tồn di tích thành nhà Hồ trực tiếp làm chủ đầu tư cho dự án chống thấm cổng thành nhà Hồ, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa làm nhiệm vụ quản lý và giám sát.

Qua tìm hiểu được biết, đơn vị chịu trách nhiệm tư vấn, khảo sát và thiết kế cho dự án chống thấm bề mặt cổng phía Nam thành nhà Hồ là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Công trình Văn hoá (có trụ sở tại Thanh Xuân, Hà Nội). Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại 68 (có trụ sở tại TP Thanh Hóa) là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp thi công các hạng mục của dự án này.

Lo ngại di tích bị làm biến dạng

Tuy nhiên việc thi công một số hạng mục công trình nằm trong dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành nhà Hồ hiện nay cũng đang khiến nhiều nhà khoa học lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu vẫn tiếp tục triển khai dự án tu bổ và “can thiệp quá sâu” thì có thể dẫn đến phá hỏng kiến trúc ban đầu của di tích.

Những hố lõm trên mặt cổng thành phía Nam được lấp bằng đá hộc và đá 4x6 rồi dùng búa tạ đập nén xuống.

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Thay vì tu bổ, tôn tạo di tích thành nhà Hồ thì nên giữ nguyên hiện trạng quần thể và không gian di tích như nó vốn có, không nên can thiệp vào bất cứ chi tiết nào, có chăng thì nên tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ di tích để được tốt hơn.

Về nguyên tắc, khi tu bổ, tôn tạo di tích là phải giữ nguyên hiện trạng, không được làm biến dạng di tích. Ở đây, khi thi công dự án chống thấm thành nhà Hồ người ta lại cho lát đá toàn bộ lên bề mặt cổng thành, nghĩa là bề mặt cổng thành phía Nam sẽ “được” làm mới hoàn toàn. Như thế là làm biến dạng hiện trạng ban đầu của di tích. Theo tôi, việc chống thấm là không cần thiết, hàng mấy trăm năm nay bị thấm nước nhưng thành nhà Hồ có sao đâu, kiến trúc đặc trưng bằng đá vốn đã rất kiên cố rồi, nếu có chăng thì nên chọn phương pháp khác, không thể làm theo phương pháp này. Tôi không đồng ý với cách làm này vì thiếu tính khoa học”.

Cũng theo KTS Nguyễn Trực Luyện thì việc tu bổ, tôn tạo di tích cần phải có trình độ và tính khoa học, phải khảo sát và tính toán kỹ lưỡng, không thể cứ tiến hành “ào ào” như xây dựng đơn thuần được. Thành nhà Hồ là di tích liên quan đến rất nhiều yếu tố khác như kiến trúc, lịch sử, văn hóa,… của cả một triều đại, một đất nước, nhất là lại đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nên khi tôn tạo chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

“Tôi lo rằng nếu cứ cố gắng can thiệp quá sâu thì rất có thể lại đi theo “vết xe đổ”của di tích thành cổ nhà Mạc ở Tuyên Quang”, KTS Nguyễn Trực Luyện bày tỏ sự lo lắng.

Ngoài ra, trước thông tin về việc có thể phục dựng lại vọng lâu đài cho di tích thành nhà Hồ, một số nhà khoa học cũng cho rằng đó là việc không nên làm, vừa tốn tiền lại vừa không có cơ sở khoa học để phục dựng.

Hiện trạng cổng thành phía Nam trước khi tiến hành tu bổ, được một số nhà khoa học đánh giá là tương đối bằng phẳng và kiên cố

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam), đồng thời là chuyên gia về khảo cổ học kiến trúc cũng bày tỏ sự băn khoăn: “Tôi không hiểu người ta “vẽ” ra các vọng lâu để phục hồi dựa trên cơ sở khảo cổ, kiến trúc nào?”

TS Nguyễn Hồng Kiên phân tích: “Tầng trên của các cổng thành hiện vẫn còn các lỗ chôn cột, nhưng về nguyên tắc, những dấu vết về mặt nền chưa phải là căn cứ đầy đủ để có thể phục dựng cả một kiến trúc. Tất cả sẽ chỉ là giả thuyết, không thể đem ra thực hiện. Kể cả khi có đầy đủ chứng lý khoa học, trước tiên cũng phải làm mô hình, lấy ý kiến rộng rãi nhằm có một phương án khoa học nhất.

“Tôi thắc mắc là không hiểu cấp nào đã phê duyệt chủ trương này. Tôi rất rất sẵn sàng trao đổi, tranh luận một cách khoa học về vấn đề trên. Theo tôi việc tu bổ này nên dừng lại”, TS Nguyễn Hồng Kiên cho biết thêm.

Hoàng Sơn

[links()]

Bình luận(0)