Ăn hoa “cây thôi miên”, 4 người ảo giác nặng

Google News

(Kiến Thức) - Bốn người ở Lâm Đồng hái hoa loa kèn (Colombia người ta gọi là cây “thôi miên”) để ăn lẩu. 10 phút sau, cả 4 người mắc ảo giác nặng, phải nhập viện cấp cứu.

Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng ngày 10/10 cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thành Phát (19 tuổi) và Lê Văn Tây (63 tuổi) vẫn đang trong tình trạng ảo giác nặng, mê sảng. Hai người còn lại là Nguyễn Thành Công (22 tuổi) và Lê Công Diễn (63 tuổi) sức khỏe bắt đầu hồi phục và có thể xuất viện.
Bệnh nhân Nguyễn Thành Phát đang mắc ảo giác nặng 
Bác sĩ Phan Thạch Khuê, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết, cả bốn bệnh nhân trên được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng vào khoảng 18h30 ngày 9/10.
Khi nhập viện, tất cả đều trong tình trạng mắc ảo giác nặng, không kiểm soát được hành vi, la hét, khó tiểu… Sau khi được các bác sĩ cứu chữa, đến sáng nay, bệnh nhân Nguyễn Thành Công và Lê Công Diễn hồi tỉnh, sức khỏe bắt đầu ổn định, không còn xảy ra tình trạng ảo giác.
Bệnh nhân Nguyễn Thành Công cho biết, vào trưa qua, tịnh xá Kỳ Quang tại thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) tổ chức ăn lẩu. Thấy cây loa kèn nở hoa trắng muốt trước cổng tịnh xá Kỳ Quang, một số tăng ni, phật tử đã hái khoảng 20 bông rửa sạch nhúng vào nổi lẩu cùng ăn. Trong mâm lúc này có 6 người nhưng 2 người không ăn. Cũng theo bệnh nhân Nguyễn Thành Công, khi ăn hoa cây loa kèn có vị đắng.
 Hoa cây loa kèn tại Đà Lạt
Khoảng 10 phút sau khi ăn thì cả 4 người đều lâm vào tình trạng mắc ảo giác nặng, người lâng lâng như đang bay, không kiểm soát được hành vi… nên được các tăng ni, phật tử của tịnh xá chuyển tới Trung tâm y tế huyện Đức Trọng cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
Theo bác sĩ Phan Thạch Khuê, Phó Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, cách đây khoảng 2 năm, bệnh viện cũng đã cấp cứu một trường hợp ngộ độc hoa cây loa kèn.
Tuy nhiên, lần đó bệnh nhân không ăn mà chỉ ngắt loại hoa này đem lên ngửi vì thấy đẹp và ngộ độc không nặng như 4 bệnh nhân lần này. Cũng theo bác sĩ Khuê, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về các chất có trong hoa cây hoa kèn. Tuy nhiên, qua những bệnh nhân bị ngộ độc có thể nhận định loại hoa này có chất gây ảo giác và gây nghiện.
 Bệnh nhân Lê Công Diễn
Nhận định này của bác sĩ Phan Thạch Khuê trùng với một cuốn phim tư liệu được lan truyền vào năm 2012. Cuốn phim tiết lộ về loại thuốc đáng sợ nhất thế giới được bọn tội phạm thường dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân. Loại thuốc này được giới tội phạm dùng như một loại ma túy hay ma dược, có tên là Scopolamine. Nó được bào chế từ cây Borrachero, mọc phổ biến ở Colombia. Thứ dược liệu vô cùng nguy hiểm này không màu, không mùi và không vị nhưng lại có khả năng tạo ra “những giấc mơ kỳ lạ” cho con người khi hít phải.
Những hình ảnh cây Borrachero ở Colombia được lan truyền với cây hoa loa kèn đang được trồng tràn lan tại Đà Lạt và các vùng phụ cận là cùng loại cây. Điều này được ông Lương Văn Dũng, Phó Trưởng khoa Sinh học, Trường ĐH Đà Lạt xác nhận.
 Ông Lương Văn Dũng, Phó Trưởng khoa Sinh học, ĐH Đà Lạt
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết: “Chưa thể khẳng định được hợp chất có trong cây hoa loa kèn ở Đà Lạt và cây mà ở Colombia gọi là Borrachero có tương đồng hay không. Bởi trong những môi trường sống khác nhau, chúng có thể chứa những hợp chất khác nhau dù cùng loại cây. Ngoài ra, đặc điểm khí hậu, đất đai, nguồn nước cũng làm cho hợp chất trong cây cùng một họ mọc ở 2 nơi là hoàn toàn khác nhau”. Ông Dũng cũng đề xuất các nhà khoa học cần có những công trình nghiên cứu về cây này.
Cây hoa loa kèn đang được Công ty TNHH một thành viên công trình đô thị Đà Lạt nhân giống trồng hàng loạt trên nhiều tuyến đường.
Khắc Lịch

Bình luận(0)