Ngân hàng xương đầu tiên của VN trong… tủ trữ thực phẩm

Google News

Điều khó tin là việc cứu chữa cho hàng trăm bệnh nhân mắc những chấn thương phức tạp, lại được thực hiện từ “ngân hàng xương” lưu trữ trong một tủ lạnh, vốn được mua để… trữ thực phẩm của Tổng cục Hậu cần.

Cha đẻ “ngân hàng xương”  

Hình như chữ “Nhân” trong tên vị thầy thuốc này đã “vận” vào cuộc đời ông. Suốt hơn nửa thế kỷ hoạt động trong ngành y, ông đều làm việc quên mình để viết nên những câu chuyện ấm lòng về tình nhân ái, yêu thương bệnh nhân, đúng như châm ngôn “lương y như từ mẫu”. Ông tên Nguyễn Văn Nhân, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Chuyên viên đầu ngành chấn thương – chỉnh hình của Việt Nam. GS Nhân vừa bước qua ngày lễ đại thọ 90 tuổ, nhưng ký ức về những ngày đã qua vẫn như một thước phim trong ông.

Năm 1945, chàng trai Nguyễn Văn Nhân quyết định trở thành sinh viên của Đại học Y dược Hà Nội vì muốn theo nghề cụ thân sinh, một y tá của bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội).

Bác sĩ có “bàn tay vàng” Nguyễn Văn Nhân

Cách mạng tháng Tám thành công, chàng sinh viên tiếp tục theo học Trường Y khoa kháng chiến ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Trở thành một bác sĩ quân y trong những năm kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Nhân luôn có mặt ở những mặt trận ác liệt, hết lòng cứu chữa thương bệnh binh. Ông khiêm tốn: “Tôi vừa có thực tế trong những năm chiến tranh, lại là lớp bác sĩ đầu tiên được gửi đi đào tạo rất bài bản tại các bệnh viện, viện nghiên cứu lớn của Liên Xô. Đó là một may mắn lớn của cuộc đời tôi”.

Năm 1961, trở về sau hơn 5 năm nghiên cứu, học tập tại Liên Xô, bác sĩ Nhân trở thành Chủ nhiệm Khoa chấn thương – chỉnh hình, Viện Quân y 108. Chính thời điểm này, một sáng kiến của ông đã đem lại hạnh phúc cho hàng trăm bệnh nhân bị khuyết tật, chấn thương về xương…

Ông nhớ lại: “Hồi đó nhu cầu ghép xương rất lớn mà không thể tìm đâu ra miếng ghép. Ghép xương không giống như ghép da, không thể dễ dàng lấy xương từ chính cơ thể bệnh nhân để ghép cho những chỗ xương bị tổn thương được. Vì thế tôi nảy ra ý tưởng, lấy xương của những tử thi không có người nhận, giữ trong các lọ hóa chất, để ở môi trường lạnh sâu -25oC, sau đó đem ghép cho các bệnh nhân gãy xương”.

Theo bác sĩ Nhân, giai đoạn năm 1962, điều kiện cơ sở vật chất còn rất thô sơ, nên việc đề xuất thành lập một “ngân hàng xương” là hết sức mạo hiểm: Chỉ cần mất điện một lần, tất cả xương đang trữ lạnh trong “ngân hàng” sẽ phải đổ bỏ.

Vị thầy thuốc dừng lại, giải thích vì sao gọi là “ngân hàng”: ““Ngân hàng” thường là nơi cất giữ tiền bạc, của cải quý giá của con người. Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, khó khăn, gian khổ như thế, để có được những mảnh xương ghép vào những cơ thể người sống, giúp cho nhiều người khỏi số phận tàn phế, thì điều đó cũng quý giá chẳng kém gì vàng bạc châu báu. Từ ý nghĩa đó, chúng tôi đặt tên là "ngân hàng xương””.

Đến năm 1968, do điều kiện điện lưới của Hà Nội không ổn định, “ngân hàng xương” buộc phải dừng hoạt động. Trong vòng sáu năm trước đó, Khoa Chấn thương đã sử dụng 264 miếng ghép từ “ngân hàng” này, thực hiện 167 ổ ghép/148 bệnh nhân; trong đó 146/167 ổ ghép diễn biến bình thường. tỉ lệ thành công lên tới trên 87%. Bên cạnh đó, “ngân hàng” còn cung cấp xương cho Bệnh viện Việt Đức khi cần.

Điều khó tin là việc cứu chữa cho hàng trăm bệnh nhân mắc những chấn thương phức tạp, lại được thực hiện từ “ngân hàng xương” lưu trữ trong một tủ lạnh vốn được mua để…trữ thực phẩm của Tổng Cục Hậu cần.  

221 bức thư gửi gắm niềm hi vọng

Trong số những tư liệu còn giữ lại sau hàng chục năm công tác, bác sĩ Nhân đặc biệt trân trọng hơn 200 bức thư mà bệnh nhân gửi cho ông từ khắp các miền đất nước. Ngoài sáng kiến về “ngân hàng xương”, năm 1971, ông còn sáng tạo và đưa vào sử dụng một bộ dụng cụ điều trị gãy xương có tên “bộ dụng cụ cọc ép ren ngược chiều”.

Đây là bộ dụng cụ kết cấu độc đáo, không giống bất cứ một dụng cụ cố định ngoài nào đã có sẵn ở Việt Nam dùng để điều trị gẫy xương. Với bộ dụng cụ này cùng với nhiều sáng kiến khác, bác sĩ Nhân đã thực hiện thành công hàng ngàn ca phẫu thuật về xương. Nhiều bệnh nhân bị tật bàn chân khoèo, bàn tay khoèo, bàn chân thuổng, cong gù cột sống, teo cơ, dính xương đốt ngón tay, ngón chân… đã trở lại cuộc sống như người bình thường sau khi được ông phẫu thuật. Đặc biệt, giai đoạn sau năm 2000, khi đã nghỉ hưu, ông cùng hợp tác với Quỹ da cam của TW hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đã khám cho hàng nghìn bệnh nhân và phẫu thuật cho hàng trăm cháu nhỏ, người nghèo bị khuyết tật về xương.

Theo bà Bích Liên, người vợ, cũng là người “thư ký” giúp ông tiếp nhận và lưu giữ những bức thư của bệnh nhân, số lượng thư bắt đầu tăng nhiều từ khi bác sĩ xuất hiện trên một chương trình phát thanh nhân đạo. Tiếng lành đồn xa, nhiều bệnh nhân cả nước đã viết thư, cầu cứu sự giúp đỡ của vị bác sĩ có “bàn tay vàng”.

Có những bức thư rất cảm động của bệnh nhân còn được gia đình bác sĩ lưu lại: “Con là một cô gái phải nói là rất đẹp nhưng chỉ tiếc một điều chân phải con bị tật… Những ai gặp con đều bảo rằng: “Đẹp như vầy sao không làm người mẫu”, hoặc “Em đang sinh hoạt ở câu lạc bộ nào”… Nghe như thế, con lặng người đi như nén nỗi đau vào lòng. Con nghe nói có thể phẫu thuật gân và gắn chân giả. Việt Nam mình có làm được không ông? Có cách nào giúp con trở lại những bước đi bình thường?” (Thư của bệnh nhân Châu Hồng Điệp, Tp. HCM, ngày 2/11/2000)…

Mỗi bức thư đều được bác sĩ Nhân đọc kỹ, gạch chân những chỗ kể bệnh, sau đó viết thư hướng dẫn phương án khám, chữa bệnh một cách tốt nhất. Theo người vợ, điểm đặc biệt là chồng bà rất chú ý đến những đoạn thư về hoàn cảnh gia đình bệnh nhân và thường viết thư động viên, chia sẻ giúp người bệnh lạc quan hơn. Trong thời gian đi công tác tới các tỉnh, ông liên lạc lại với những bệnh nhân đã viết thư cho mình để họ có điều kiện đi khám bệnh trực tiếp.

Rất nhiều bệnh nhân đã trao đổi thư từ với bác sĩ Nhân nhiều lần. Đọc những bức thư, thấy bệnh nhân gọi ông là “ba” xưng “con”, “ông” xưng “cháu”… đầy ắp tình thương mến, ngưỡng mộ, biết ơn. Đặc biệt, có bệnh nhân được ông theo dõi suốt 40 năm trời, như bệnh nhân Lê Hoành Tân. Bác sĩ Nhân ghép xương cho bệnh nhân này vào năm 1964, từ nguồn xương của “ngân hàng xương”.

Sau đó ông liên tiếp theo dõi, lập hẳn một “hồ sơ” về bệnh nhân này, gồm: 34 ảnh chụp từ 3 tháng sau khi mổ đến 9 năm 4 tháng sau mổ; Giấy xét nghiệm X – quang sau 14 năm mổ; Phim chụp X – quang sau 40 năm…

Đặc biệt, năm 1992, có dịp đi công tác qua Thanh Hóa, bác sĩ đã trực tiếp gặp lại bệnh nhân 30 năm trước mình đã giúp cho đứng thẳng. Sự nghiêm túc và chỉn chu trong công tác khoa học của ông dường như không thể giải thích bằng tinh thần trách nhiệm, mong muốn đúc kết kinh nghiệm và phát triển trong sự nghiệp. Sâu xa hơn, động lực đằng sau một quá trình lao động bền bỉ đến vậy, có lẽ là một chữ “nhân” trong nghề chữa bệnh cứu người.

BÀI ĐỌC NHIỀU


Theo Xa lộ pháp luật

Bình luận(0)