Tiếp tục đầu tư 5.000 tỷ xây nhà máy ở Nhân Cơ

Google News

Theo dự kiến, giai đoạn 1 từ năm 2013 đến 2015, nhà máy điện phân nhôm này có công suất khoảng 300.000 tấn nhôm thành phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư là hơn 5.000 tỷ đồng...


Ngày 28/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã đồng ý thuận chủ trương cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Trần Hồng Quân, Hà Nội, đầu tư xây dựng nhà máy điện phân nhôm trên diện tích 120ha ở khu công nghiệp Nhân cơ, thuộc xã Nhân Cơ-huyện ĐắkR’ Lấp, tỉnh Đắk Nông.

Theo dự kiến, giai đoạn 1 từ năm 2013 đến 2015, nhà máy điện phân nhôm này có công suất khoảng 300.000 tấn nhôm thành phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư là hơn 5.000 tỷ đồng, 100% vốn đầu tư là vốn trong nước và doanh nghiệp tự bố trí, huy động; giai đoạn 2 nhà máy này có công suất 600.000 tấn nhôm thành phẩm/năm; thời gian hoàn vốn là từ 10 đến 15 năm.

Nguyên liệu cung cấp cho nhà máy điện phân nhôm toàn bộ lấy từ nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, với công suất 630.000 tấn alumin/năm chuẩn bị hoàn thành.
 Buổi làm việc giữa UBND tỉnh Đắk Nông và Công ty TNHH Trần Hồng Quân.
Buổi làm việc giữa UBND tỉnh Đắk Nông và Công ty TNHH Trần Hồng Quân.

Nhà máy điện phân nhôm Nhân Cơ đi vào hoạt động góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động tại địa phương; hạn chế việc vận chuyển alumin đi xa, giảm chi phí duy tu, bảo dưỡng đường giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Nhà máy điện phân nhôm này là cơ sở để phát triển tiếp tục mở rộng chuỗi nhà máy luyện nhôm và các sản phẩm liệu từ nhôm.

Trong khi đó, một dự án khác là nhà máy bauxite Tân Rai ( Lâm Đồng) cũng đang gặp phải nhiều trắc trở như liên tục lùi ngày vận hành; ngừng xây dựng cảng xuất khẩu bauxite và bài toán kinh tế không hợp lý.

Theo tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Vinacomin cho hay, dự kiến cả năm 2013 nhà máy Tân Rai sẽ sản xuất được 300.000 tấn alumin (tức mới đạt 50% công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm), chủ yếu dành cho xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia. Nhưng do giá xuất khẩu theo đàm phán chỉ đạt 340 USD/tấn nên dù xuất khẩu vẫn lỗ.
 
Một góc nhà máy bôxit Tân Rai
Một góc nhà máy bôxit Tân Rai

Trước đó, nhà máy bauxite Tân Rai cũng đã 4 lần lỗi hẹn xuất xưởng sản phẩm alumina. Quý II/2011, Dự án Tổ hợp Bô xít nhôm Tân Rai hứa sẽ ra lò sản phẩm alumina đầu tiên. Do một số nhà thầu phụ có tốc độ thi công chậm nên kế hoạch phải lùi sang đầu quý III/2011.

Tiếp đến, Vinacomin lại hoãn kế hoạch xuất xưởng sang đầu quý II năm 2012 và sau đó kế hoạch này lại lùi sang đầu năm sau.

Ngày 18/2 tại cuộc làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức tuyên bố ngưng không xây dựng cảng Kê Gà tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Sau gần năm năm với bốn lần tuyên bố khởi công rồi dừng lại, dự án cảng Kê Gà (do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin làm chủ đầu tư) đã chính thức bị ngưng.

Dự án cảng nước sâu Kê Gà được Chính phủ chấp thuận chủ trương từ năm 2007. Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận có thông báo cho 12 dự án du lịch (đang kinh doanh, xây dựng và đền bù) phải ngưng lại để dành đất cho chủ đầu tư Vinacomin xây dựng cảng.  

Hiện hàng chục resort, biệt thự tiền tỉ trên con đường ven biển dẫn đến ngọn hải đăng Kê Gà bị bỏ hoang gây lãng phí.

“Kiến nghị dừng ngay chương trình bauxite ở Tây Nguyên của một số nhà khoa học cũng có lý bởi có thể làm sẽ không lãi. Đây là thời điểm thích hợp để xem xét, đánh giá lỗ lãi, những tác động của toàn bộ chương trình bauxite.”, ThS. Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) cho biết.

Theo Đất Việt

Bình luận(0)