TP.HCM: Điều trị thành công ca viêm mạc hoại tử cổ mặt hiếm gặp

Google News

(Kiến Thức) - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vừa điều trị thành công một trường hợp bệnh hiếm gặp viêm mạc hoại tử.



Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vừa điều trị thành công một trường hợp bệnh hiếm gặp viêm mạc hoại tử
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vừa điều trị thành công một trường hợp bệnh hiếm gặp viêm mạc hoại tử
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vừa điều trị thành công một trường hợp bệnh hiếm gặp viêm mạc hoại tử

Hình ảnh CT scanner cho thấy bệnh nhân bị tràn khí trung thất. 
Bệnh nguy hiểm vì diễn tiến nhanh và liên quan đến sọ não, đường thở và trung thất, có thể dẫn đến suy đa cơ quan. Tỉ lệ tử vong có thể lên đến 60%.
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhi L.N.T.V (nữ, 6 tuổi, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) nhập viện vì sưng vùng mặt, ngực kèm khó thở nhẹ. Chị Nguyễn T.H - mẹ bệnh nhi cho biết, trước đó 5 ngày, bé bị sốt và sưng vùng góc hàm 2 bên, điều trị ở địa phương không bớt, đến ngày thứ 5 sưng lan xuống cổ và ngực kèm khó thở nên chuyển viện đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.
BS Phan Gia Duy Linh, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé được hội chẩn toàn viện và thực hiện các xét nghiệm, kết quả xét nghiệm máu cho thấy có bạch cầu và tiểu cầu tăng cao (20.000/mm3 và 619.000/mm3); chụp cắt lớp điện toán vùng cổ ngực (CT scan) thấy tràn khí trung thất, tràn khí dưới da vùng cổ ngực, tràn khí màng phổi và bắt đầu có dấu hiệu suy hô hấp. Soi hạ họng thực quản không thấy dị vật. 
Sau khi hội chẩn và tìm kiếm thông tin trên y văn thế giới, chẩn đoán được nghĩ đến nhiều nhất là viêm mạc hoại tử vùng cổ mặt. Bé được điều trị tích cực với việc dùng kết hợp nhiều kháng sinh, chế độ dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch và nuôi ăn qua ống mũi dạ dày. Sau 2 tuần bé đã cải thiện hoàn toàn và xuất viện.
Theo BS Gia Linh, viêm mạc hoại tử là bệnh nhiễm khuẩn xảy ra bất cứ vị trí nào trên cơ thể: 50-55% ở tứ chi, 20% ở mông-đáy chậu,18-20% ở thân và 8-10% ở đầu cổ. Trong đó viêm mạc hoại hoại tử vùng cổ mặt hiếm gặp. Bệnh nguy hiểm vì diễn tiến nhanh và liên quan đến sọ não, đường thở và trung thất, có thể dẫn đến suy đa cơ quan. Tỉ lệ tử vong có thể lên đến 60%. Vi trùng có thể từ tổn thương ban đầu lan theo mạc cân cơ vùng cổ mặt, gây tắc mạch máu, thiếu máu và hoại tử, tổn thương thần kinh làm mất cảm giác khu trú và nặng hơn là nhiễm trùng huyết. Vi trùng thường nhiễm đa khuẩn, phối hợp ái khí và kỵ khí.
BS Gia Linh cho biết thêm, bệnh thường khởi đầu từ tổn thương ở răng, dị vật đường ăn, viêm amidan, viêm thanh thiệt, viêm tuyến mang tai, viêm hạch vùng đầu cổ, hoặc sau thủ thuật vùng đầu cổ. Sau đó xuất hiện bóng nước, đỏ da, hoại tử da, đau, nhất là vùng mép vết thương, sốt, toát mồ hôi, nhịp tim nhanh, thở nhanh, tràn khí dưới da, tràn khí vùng cổ, trung thất, viêm trung thất, tràn khí màng phổi, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng. Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán gồm có Xquang, siêu âm, CT scan, MRI và sinh thiết - giải phẫu bệnh thấy có nhiều bạch cầu thâm nhiễm lớp bì và lớp mạc, có hiện tượng viêm mạch, hủy lớp fibrin thành của mạch máu và có sự hiện diện vi khuẩn phá hủy lớp chân bì.
TS.BS Thanh Hùng khuyến cáo, bệnh viêm mạc hoại tử cần phải được chẩn và điều trị sớm mới tránh được các biến chứng nặng có thể gây tử vong.
Bùi Hương

Bình luận(0)