Rách thực quản vì uống rượu

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều bệnh nhân bị rách, vỡ thực quản gây chảy máu ồ ạt sau khi uống rượu và nôn. Bệnh có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết, tỷ lệ tử vong cao.

Truyền 700ml máu cứu bệnh nhân
BSCK II Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân Phạm Thọ H. (39 tuổi, Hà Nội) bị rách thực quản, chảy máu ồ ạt do uống rượu. Theo đó, bệnh nhân vào viện trong tình trạng da xanh tái, nôn ra máu nhiều, người mệt xỉu, có dấu hiệu ngất. 
Người nhà bệnh nhân cho biết, sau khi uống rượu bệnh nhân nôn, lúc đầu bình thường sau đó nôn và đi ngoài ra máu nhiều. Xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mất gần 1 lít máu. Bệnh nhân H. được chẩn đoán rách tĩnh mạch thực quản nặng gây chảy máu ồ ạt. Ngay lập tức bệnh nhân được nội soi kẹp clip thực quản và soi dạ dày tiêm xơ và truyền liên tục 700ml máu. 
BSCK II Vũ Đức Chung cho hay, nôn ra máu do rách thực quản còn được gọi là hội chứng Mallory-Weiss. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng xuất huyết thứ phát đường tiêu hóa trên do vết rách dọc niêm mạc ở đường từ thực quản vào dạ dày hoặc ở tâm vị. 
Bệnh có thể phát sinh do tăng áp lực khắp ổ bụng, nôn khan và nôn. Bệnh thường gặp ở những người nghiện rượu, người già bị rối loạn tiền đình và những người bị nôn, có khi chỉ cần nôn mạnh 1 lần cũng bị. Hội chứng biểu hiện bởi các triệu chứng: nôn ra máu, đi ngoài ra máu đen, ngất và đau bụng...
 Ảnh minh họa.
Gây nhiều biến chứng và dễ tử vong
Theo BSCK II Vũ Đức Chung, hầu hết bệnh nhân bị rách tĩnh mạch thực quản nhẹ đều tự cầm máu trong vòng 48-72h. Nhưng là với những trường hợp rách thành thực quản nặng (vỡ thực quản) nếu không được cấp cứu kịp thời người bệnh có thể tử vong nhanh chóng (sau 24 giờ là 50% và sau 48 giờ là 90%). Đặc biệt, kể cả khi được cứu sống bệnh nhân vẫn có thể tử vong do nhiễm khuẩn như viêm trung thất, viêm màng ngoài tim; đau ngực viêm phổi hay viêm mủ màng phổi. 
Đối với bệnh nhân đến muộn thường có biểu hiện nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, nên chẩn đoán trong giai đoạn này khá khó khăn khi biến chứng nhiễm khuẩn đã che lấp các biểu hiện khác trên chẩn đoán hình ảnh. 
Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh uống nhiều rượu, bia. Khi buồn nôn cần tránh móc họng và hạn chế nôn mạnh. Nếu sau khi nôn ói mạnh mà phát hiện các triệu chứng trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được khám chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. 
Nhật Hà

Bình luận(0)