Nguyên do không nên dùng nước mát liên tục

Google News

(Kiến Thức) - Dân gian có kinh nghiệm tự chế biến nước mát giải khát cho mùa nóng từ một số thảo dược thông thường. Tuy nhiên, cũng không nên dùng liên tục hằng ngày! 

Ảnh minh họa. 
Dựa theo kinh nghiệm hoặc y học cổ truyền, công thức chế biến nước mát thay nước uống hằng ngày trong mùa nóng: Lá cây bọ mắm 100g, mã đề 100g, rễ tranh 100g, râu bắp 50g, mía lau 2 - 3 khúc, cây lẻ bạn lá lớn 2 lá. Tất cả đem rửa sạch rồi nấu trong 2 - 3 lít nước đến khi sôi, giữ sôi thêm 10 - 15 phút là dùng được.
Để trị một số bệnh tiểu ít, tiểu gắt, nước tiểu sậm màu hoặc thậm chí có khi có cả phù thũng: Rễ cỏ tranh 30g, râu bắp 40g, xa tiền tử 25g, hoa cúc 15g, tất cả cho vào  trong 2 lít nước, nấu còn lại 1 lít nước mát, chia đều uống trong ngày, dùng trong 10 ngày. Hoặc rễ tranh 50g, lá sen cạn 20g, râu bắp 20, rau  má 20g, rau diếp cá 15g sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần trong ngày, dùng 3 - 5 ngày.
Những người có men gan tăng do uống rượu, bia nhiều hoặc các rắc rối về chức năng gan, có thể dùng các bài thuốc từ rễ cỏ tranh để thanh lọc, giải độc, làm mát gan. Lấy 300g sinh mao căn (rễ tranh tươi) nấu với 1 lít nước, đun to lửa, khi nước sôi thì giảm nhỏ lửa đun tiếp 7 - 10 phút, lọc lấy nước, dùng trong ngày. Uống liên tiếp 10 - 15 ngày, có thể nghỉ một thời gian rồi uống lặp lại 10 - 15 ngày nữa.
Những người thường bị nhiệt lở miệng lưỡi, đau đầu, chóng mặt, khó ngủ có thể dùng cúc hoa 30g, mã đề 30g, rau má 30g, lạc tiên 30g nấu nước uống trong ngày. Người bị sỏi hệ niệu, có thể  sử dụng  nước râu bắp, mã đề sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat.
Các công thức nêu trên có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy (làm cho mát và lợi tiểu), các dược liệu dễ tìm, rẻ tiền, có thể sử dụng như thực phẩm là nước uống hằng ngày. Tuy nhiên, vẫn cần phải lưu ý một số trường hợp như người tạng hàn hay người đang suy nhược cẩn trọng trong sử dụng thay nước. Theo y học hiện đại, một số dược liệu nêu trên có chung tác dụng là lợi tiểu và bù thêm một số vi chất cho cơ thể.  
PGS.TS Nguyễn Thị Bay (Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM)

Bình luận(0)