Hy hữu: Bỏng nặng do bóng bay nổ khi dự tiệc

Google News

(Kiến Thức) - Đi dự tiệc với ba mẹ không may, những chùm bóng bay phát nổ khiến bé bị bỏng mặt và 2 tay, khoảng hơn 10% diện tích cơ thể. 

 BS Quang Anh, Khoa Bỏng Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đang khám cho bệnh nhi bị bỏng.
BS.CK1 Trương Anh Mậu, khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, nạn nhân của tai nạn hy hữu trên là bệnh nhi P.T.Q, (14 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Theo chị N.T.T - mẹ bệnh nhi cho biết, bé đi dự tiệc cùng gia đình, nhà hàng có kết khá nhiều bóng bay (hơn 100 quả) để trang trí, khi bé đến gần, cả chùm bóng đột nhiên bị nổ liên tiếp khiến bé bị bỏng mặt và 2 tay, khoảng hơn 10% diện tích cơ thể. Bé phải nhập viện điều trị.
Theo BS AnhMậu, bệnh nhi P.T.Q. là một trong hai trường hợp bỏng nhiệt khá hi hữu của Khoa Bỏng Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa tiếp nhận. Trường hợp thứ 2 thương tâm hơn là bé P.P.H, (3 tuổi, TP. Biên Hòa) được Bệnh viện Nhi Đồng Nai chuyển đến trong tình trạng phỏng toàn thân do nhiệt độ cao. Bé vô tình bị ngã vào lò sấy khô gỗ và bị bỏng rất nặng (hơn 90%). Tình trạng nhập viện của bé rất nặng nề : bị sốc bỏng nặng. Mặc dù đã được hồi sức tích cực nhưng đến nay tình trạng của bé vẫn chưa ổn định.
BS Anh Mậu chia sẻ, bong bóng nếu thổi bằng hơi của mình hay hơi của bơm xe thì không bay được và khi nổ ít gây nguy hiểm. Còn loại bong bóng bay được thì hơi trong bong là loại hơi nhẹ hơn không khí. Đây đều là những khí rất dễ phát nổ khi gặp nguồn nhiệt hoặc tự vỡ. Và khi vỡ đều phát ra 1 lượng nhiệt khá lớn đủ để gây bỏng, thậm chí bỏng nặng nếu nạn nhân đứng quá gần. Bỏng do nhiệt là một trong những loại bỏng nặng nề vì gây cháy mô không hồi phục nếu tổn thương sâu. Chẳng may bỏng da rộng hơn và sâu hơn thì việc điều trị rất phức tạp và tốn kém, đòi hỏi cắt lọc các mô chết - ghép da, sau đó còn nhiều di chứng để lại như sẹo co rút, sẹo xấu... Nếu bỏng nặng thì nguy cơ tử vong là rất cao.
BS Anh Mậu khuyến cáo, phụ huynh khi đi đám tiệc nếu có đưa trẻ đi cùng nên tránh ngồi gần nơi có treo nhiều bóng bay. Khi trẻ bị bỏng, người nhà nên bình tĩnh, không bôi thêm bất cứ thứ gì như giấm, nước mắm, kem đánh răng vào vết bỏng, mà nên rửa dưới vòi nước lạnh chảy nhẹ để làm giảm nhiệt độ, trôi hết các hóa chất, dị vật trên da nếu có. Sau đó, băng gạc sạch và chuyển lên cơ sở y tế gần nhất.
Bùi Hương

Bình luận(0)