Hậu nhân bản xét nghiệm: Chị “Nguyệt Hoài Đức” bị dọa giết

Google News

(Kiến Thức) - Một năm sau vụ nhân bản xét nghiệm xảy ra, “người hùng” Hoàng Thị Nguyệt đã phải chuyển công tác và chịu hàng trăm tin nhắn dọa giết mỗi ngày.

Đúng 1 năm về trước, vụ việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) gây xôn xao dư luận cả nước. Gặp lại chị Hoàng Thị Nguyệt, người dũng cảm đứng lên tố cáo những sai phạm tại bệnh viện này, mới biết được những khó khăn mà chị và những người đã từng tố cáo phải đối mặt trong cả công việc cũng như cuộc sống hàng này.
Trao đổi với Kiến Thức, chị Nguyệt cho biết: “Trước khi đấu tranh chống tham nhũng, tôi cũng đã xác định được là gian khổ, khó khăn và phải chấp nhận hy sinh. Tuy nhiên, có những cái không thể lường trước được. Và cho đến bây giờ tôi đã phải đối diện với tất cả những khó khăn đó”.
 Mỗi ngày chị Nguyệt nhận được hàng trăm tin nhắn đe dọa, uy hiếp ...
Theo chị Nguyệt, ngoài những áp lực nơi chị làm việc thì những áp lực về tâm lý thường trực cũng khiến chị ăn không ngon, ngủ không yên. “Có những ngày tôi đã nhận được hơn 30 tin nhắn chửi rủa, dọa giết từ những kẻ chống đối và coi thường pháp luật. Họ không chỉ dọa giết tôi, những người tố cáo mà họ còn đe dọa gia đình tôi, tính mạng các con tôi”, chị Nguyệt tâm sự.
Để minh chứng cho điều đó, chị đã cung cấp cho phóng viên hàng trăm tin nhắn mà chị đã lưu lại để làm bằng chứng, trong đó có những tin nhắn khi đọc vào, người ngoài cũng phải cảm thấy rùng mình, ví dụ như: “ Nguyệt giờ này mày đã ngủ được chưa, vào nhìn kỹ con trai độc nhất của mày đi, hồn ma đang vây quanh nhà mày rồi đấy con ạ”, hay: “…Nguyệt, chúng mày làm cho con tao mất cơm ăn, việc làm, lũ… chúng mày hãy câm mồm ngay, sắp đến ngày tận số của mày rồi đấy con… chó ạ”.
Theo chị Nguyệt, những tin nhắn đe dọa, uy hiếp chị và gia đình được gửi vào bất kể lúc nào trong ngày. Trong đó, nhiều nhất là gửi vào lúc gần 12 giờ đêm.
Đặc biệt, không chỉ có những người trực tiếp tố cáo những sai phạm bị đe dọa, mà ngay cả các lãnh đạo bệnh viện hiện tại cũng bị chịu áp lực vô cùng vì những tin nhắn với nội dung tương tự.
 Những tin nhắn này đã được chị Nguyệt in ra và gửi cơ quan điều tra.
Trước những hành động trên, chị Nguyệt đã âm thầm báo công an Thành phố và công an huyện Hoài Đức. Tuy nhiên, ngoài sự động viên của các cán bộ công an, hiện những kẻ “khủng bố”, uy hiếp chị qua điện thoại vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Riêng đối với gia đình, do không muốn để mọi người lo lắng, chị đã giữ kín những chuyện bị dọa nạt, uy hiếp trên điện thoại.
Về chuyện công việc sau tố cáo, chị Nguyệt tâm sự: “Sau khi tố cáo xong, đặc biệt là sau khi có quyết định của cơ quan điều tra, tôi đã tự nguyện xin chuyển công tác sang khoa dược, làm ở bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn”.
Lý do chị Nguyệt chuyển đi là vì, những người đã bị kết luận có sai phạm trọng vụ nhân bản xét nghiệm hiện vẫn đang công tác bình thường tại Khoa. “Tôi thấy họ vẫn đi làm bình thường không nghỉ buổi nào cả. Xin chuyển khoa công tác là do tôi tự nguyện xin. Đơn giản tôi chỉ muốn giữ một bầu không khí thoải mái trong cơ quan mà thôi”, chị Nguyệt chia sẻ.
Nói về kết luận và định tội của tòa án đối với những sai phạm đã xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, chị Nguyệt cho hay: “ Tôi không hài lòng với những kết quả của tòa án, bởi nó không đủ sức dăn đe đối với người đứng đầu tham nhũng. Chính vì thế, đối tượng này rất coi thường pháp luật”.
Từ những thực tế đã từng trải qua, với nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều những áp lực và khó khăn trong cuộc chiến chống tham nhũng, chị Nguyệt chia sẻ: “ Khi đấu tranh cần phải có phương pháp, có đầu đủ bằng chứng và phải tính toán từng bước đi để người tham nhũng không thể chối cãi và như vậy mới bảo vệ được mình, cũng như mới có thể đưa những kẻ có thế lực, tiền bạc nhưng mất nhân tính ra trước pháp luật”.
Đó có lẽ là những kinh nghiệm mà chị Nguyệt đã đúc rút ra sau 1 năm gồng mình để chống lại cái xấu, chống lại tham nhũng để bảo vệ bệnh nhân, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.
Lê Phương

Bình luận(0)