Nhiều ngày nay, PV Kiến Thức liên tục nhận được phản ánh của người dân trước cổng và xung quanh khu vực Bệnh viện K (43 Quán Sứ, Hà Nội) về việc “cò mồi” lừa người bệnh.
|
Một đối tượng "cò" đang đứng quan sát để tiếp cận và lôi kéo người bệnh sang phòng khám tư ở ngay khu vực Bệnh viện K. |
Phải trả tiền để được... lừa
Vừa dừng xe máy trước lối vào khu để xe bên ngoài Bệnh viện K., PV Kiến Thức đã bị một phụ nữ khoảng 40 tuổi mặt bịt khẩu trang chặn lại hỏi: "Em đi khám à? Khám gì? Không phải vào bệnh viện đâu, xếp hàng đến chiều cũng chưa chắc đã tới lượt. Đưa chị 30.000 đồng, chị sẽ cho số điện thoại bác sĩ Bệnh viện K để em liên hệ. Không thì đưa 50.000, chị sẽ đưa em vào tận phòng khám của bệnh viện luôn. Kết quả em cũng lấy được ngay trong ngày”.
Ngoài việc khẳng định đây là phòng khám của Bệnh viện K, người phụ nữ này còn giới thiệu: "Bác sĩ kinh nghiệm lâu năm rồi nên khám rất cẩn thận, khám cho em từ A đến Z, giá cả rất phù hợp không đắt đỏ gì đâu".
Gần đó, một phụ nữ mập mạp chừng 35 tuổi lao ra đường chặn đầu xe của mấy người, mời mọc: “Đi khám à bác ơi? Đi khám phải không bác? Bác cho xe vào đây cháu xếp cho, rồi cháu dẫn bác sang chỗ bác sĩ khám nhanh thôi". Chị này thậm chí chỉ đòi 20.000 tiền công dắt sang phòng khám của Bệnh viện K xịn.
|
Cò bệnh viện (khoanh đỏ) lao ra đường để mời người bệnh.
|
|
Sau khi bắt được "con mồi" và nhận phí dẫn dắt, "cò" (phải) dẫn sang phòng khám tư. |
Theo quan sát của phóng viên, trước cửa Bệnh viện K có khoảng 7-8 "cò" cả nam lẫn nữ. Họ vừa tham gia xếp xe, vừa lôi kéo, mời mọc bệnh nhân sang phòng khám ngoài bệnh viện. Những người đồng ý "sử dụng dịch vụ" được bố trí chỗ để xe nhanh chóng, không phải xếp hàng chờ, nếu không thì thường bị từ chối cho gửi xe với lý do“bãi để xe đã hết chỗ”.
Theo chân những người bị cò dẫn dắt, phóng viên thấy họ được đưa sang một phòng khám ở phố Thợ Nhuộm hoặc phòng khám đối viện cổng chính Bệnh viện K. Đây là các cơ sở tư nhân, tuyệt nhiên không có dấu hiệu gì chứng minh đó là phòng khám của chính Bệnh viện K như cò giới thiệu lúc đầu.
Nhận ra điều đó, có những người bỏ không khám dù đã mất tiền cò, nhưng nhiều người khác tặc lưỡi, đã đến thì vào. Và một số khác ở quê lên thậm chí không biết mình bị lừa, vẫn cứ tưởng mình đang ở một cơ sở khác của Bệnh viện K được mở ra để chống quá tải.
Anh M., người bỏ đi khi nhận ra đây chỉ là phòng khám tư, nói: "Tôi nghĩ những cò mồi này ăn tiền của phòng khám để dắt khách cho họ, việc lấy mấy chục nghìn của bệnh nhân là để tăng độ tin tưởng thôi. Nhưng với người bệnh khó khăn thì tiền nào chẳng là tiền. Đúng là phải trả tiền để được lừa".
|
Một trong các đối tượng "cò" (khoanh đỏ) vừa dắt người bệnh từ cổng Bệnh viện K sang phòng khám 26 Thợ Nhuộm. |
Trả một đống tiền, khám xong vẫn đầy nghi hoặc
Anh N., đến từ Yên Bái, bị cò dắt sang phòng khám tư ở Thợ Nhuộm, kể với giọng băn khoăn: “Đây là lần đầu tiên tôi đưa vợ xuống khám. Đến đây lúc 5h sáng, thấy bệnh viện đông quá nên có một anh dẫn sang đây vì bên này cũng là cơ sở của bệnh viện K. Tôi thấy họ khám nhanh lắm nhưng chẳng biết có chuẩn bệnh hay không. Thiết bị y tế tôi thấy cũng bình thường nhưng lấy đắt quá vì vợ tôi chỉ khám thận và phổi thôi mà mất tới 2 triệu.
Clip "cò" (đội mũ lưỡi trai) dắt người bệnh (cặp vợ chồng mặc áo trắng) từ cổng Bệnh viện K sang phòng khám tư.
Tại phòng khám tư đối diện Bệnh viện K, cũng là một địa chỉ là cò hay lừa dắt bệnh nhân đến, lối ra vào rất hẹp, phía trong đông đúc, nhốn nháo.
“Nếu không lỡ đưa cho cái chị trông xe (tức là "cò"-PV) 50.000 nghìn thì tôi cũng không ngồi đợi như thế này đâu. Bảo là sang khám được ngay nhưng rốt cục vẫn phải xếp hàng như bên viện K thì cũng bằng nhau”, bà D. (quê ở Thái Bình) tỏ thái độ bực tức.
Ông T., (52 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) cho hay: “Tôi và cháu cũng được một chị ở ngoài bãi gửi xe dẫn sang phòng khám này. Không ngờ ở đây đông quá, nói là nhanh nhưng cũng chẳng thấy nhanh. Bác sĩ kết luận tôi bị loét, sâu miệng, nhưng tiền khám, tiền thuốc sao mà đắt thế, tôi mất tổng cộng 2.740.000”.
Người dân sống gần Bệnh viện K cho biết, chuyện cò mồi lừa dắt bệnh nhân ra phòng khám tư diễn ra hằng ngày từ lâu. “Chủ yếu là người bệnh ở các vùng quê xa đến, không biết nên mới bị lừa", một người dân nói.