Xử lý báo NĐT thế nào nếu vu khống vụ kiều nữ Hải Dương?

Google News

(Kiến Thức) - Nếu những bài báo về kiều nữ Hải Dương là bịa đặt thì việc bà Ngọc mang quốc tịch Mỹ có khiến báo Người Đưa Tin bị xử lý nặng hơn?

Bà Phạm Thị Thanh Ngọc (SN 1974) cho rằng, mình bị vu là nhân vật kiều nữ Hải Dương trong câu chuyện kiều nữ cưỡng dâm hàng loạt lái xe taxi (được đề cập trên báo Người Đưa Tin); nên quyết định khởi kiện báo này.
Hành động của bà Ngọc khiến nhiều người băn khoăn: trách nhiệm dân sự/hình sự của phóng viên viết bài và báo này sẽ như thế nào; đây có phải là tình tiết tăng nặng hay không?(nếu bà Ngọc thực sự bị vu cáo)... khi mà bà Ngọc mang quốc tịch Mỹ (nghĩa là vụ việc trên có yếu tố liên quan tới người nước ngoài).
 Bà Phạm Thị Thanh Ngọc, người tin rằng mình bị vu là kiều nữ trong bài báo kiều nữ Hải Dương cưỡng dâm hàng loạt tài xế taxi gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nôi, Văn phòng luật sư Trí Minh, theo quy định tại Điều 6 và Điều 15 Luật báo chí 1989 (được sửa đổi năm 1999) thì cả nhà báo và cơ quan báo chí đều có nghĩa vụ phải đưa tin trung thực.
Theo Điều 6 Luật báo chí và Điều 4 Nghị định 51/2012/NĐ-CP, nếu nhà báo/cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả đối với người bị ảnh hưởng bởi bài báo đó; hoặc khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền kết luận nội dung thông tin báo chí đưa là sai sự thật thì cơ quan báo chí cũng phải đăng tải quyết định này.
Thậm chí, khi cá nhân có liên quan đến bài báo đó có văn bản thể hiện ý kiến của mình đối với nội dung bài báo đó thì cơ quan báo chí cũng phải đăng tải nội dung ý kiến của cá nhân đó trên chính mục đã đăng bài báo bị cho là sai sự thật đó.
Ngoài ra, việc này còn khiến cơ quan báo chí bị phạt vi phạm hành chính theo Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP, tùy vào mục đích của việc đưa tin là gì và hậu quả kèm theo thì mức xử phạt cũng sẽ khác nhau. Ví dụ: nếu mục đích là nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác thì sẽ bị phạt 10 – 20 triệu đồng; còn nếu là mục đích khác hoặc do lỗi nghiệp vụ thì sẽ bị phạt từ 1 – 30 triệu tùy hậu quả gây ra.
Bên cạch trách nhiệm hành chính đó thì cơ quan báo chí còn phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại cho người bị xâm hại theo quy định tại Điều 618 Bộ luật dân sự.
Đối với trách nhiệm hình sự thì hiện pháp luật Việt Nam chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Do vậy, cơ quan báo chí không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về cá nhân nhà báo thì cũng sẽ phải xin lỗi người bị xâm hại trên chính tờ báo đã đăng tin, tương tự như đối với cơ quan báo chí đã nói ở trên. Ngoài ra, nếu qua điều tra, xác minh thấy rằng nội dung thông tin của nhà báo và cả các cá nhân cung cấp thông tin cho nhà báo là sai sự thật dẫn đến việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác thì có thể xử lý về tội “vu khống” theo Điều 122 Bộ luật Hình sự.
Đối với trường hợp người bị xâm phạm là người nước ngoài thì đây không phải là tình tiết giảm nhẹ hay tặng nặng trách nhiệm pháp luật đối với cơ quan báo chí và bản thân nhà báo.
Riêng đối với việc bồi thường thiệt hại thì do bà Ngọc là người nước ngoài nên sẽ được xác định đây là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, việc áp dụng pháp luật của nước nào trong việc giải quyết vấn đề này sẽ phức tạp hơn.
Theo Điều 773 Bộ luật Dân sự thì có thể áp dụng pháp luật nước nơi có hành vi vi phạm (tức pháp luật Việt Nam) hoặc nơi xảy ra thiệt hại (có thể là nước Mỹ, vì khi hành vi vi phạm (nếu có) xảy ra người bị xâm phạm đang ở bên Mỹ). Việc này thì cần đối chiếu cả pháp luật Mỹ nữa để xác định điều khoản dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật.
Về phía Đại sứ quán Mỹ, họ sẽ có những biện pháp ngoại giao theo pháp luật quốc tế và pháp luật Mỹ để bảo vệ công dân của mình theo tinh thần của Công ước Viên 1961.
Minh Hiếu

Bình luận(0)