Vụ nổ mìn tang thương mới đây nhất xảy ra vào khoảng 18h ngày 11/9, tại ngôi nhà cấp 4 ở tổ 5, khu 4A, phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Lúc đó, người dân quanh khu vực nghe thấy 2 tiếng nổ lớn liên tiếp vang lên, mọi người chạy qua thì thấy 2 vợ chồng chủ nhà tên Chi và Đào bị thương nặng, nằm trên vũng máu. Bà Đào thân thể bị dập nát và cụt 2 cánh tay, mù hai mắt, trong khi ông Chi cụt một cánh tay, rách bụng. Cả hai được người dân đưa đi cấp cứu đặc biệt tại bệnh viện.
Theo thông tin ban đầu, trước đó, giữa bà Đào và ông Chi sống trong ngôi nhà nói trên xảy ra mâu thuẫn liên quan đến chuyện tiền nong. Ông Chi bảo không muốn chung sống với bà Đào nữa và yêu cầu bà đưa cho mình vài chục triệu để đi khỏi nhà. Vì bị khước từ, ông Chi đã kích nổ mìn thứ nhất khi vợ mình đi tắm. Ông Chi còn ốp quả mìn thứ hai vào vợ, châm lửa, khiến cả hai bị thương nặng. Trong lúc giằng co, bà Đào đã kịp hô hoán người con riêng của mình thoát ra ngoài...
Trước đó, hồi giữa tháng 7/2013, tại thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cũng xảy ra một vụ chồng nổ mìn giết vợ tương tự. Nghĩ rằng mình đã bị HIV giai đoạn cuối, Nguyễn Văn Quý (SN 1983) liên tục đề nghị vợ cũ là chị Thắm về ở chung để chăm sóc hắn trong những ngày cuối đời. Yêu cầu không được chấp nhận, Quý đã ôm mìn đến khu trọ tìm vợ rồi kích nổ. Một tiếng nổ lớn phát ra làm rúng động cả khu vực. Sau tiếng nổ vang lên, Quý đã “tan xác” trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả lực lượng công an đang can thiệp vụ việc.
|
Liên tiếp nhiều vụ chồng nổ mìn giết vợ thời gian qua khiến dư luận bàng hoàng. |
Cũng tại Thái Nguyên, hồi giữa tháng 5/2013, một vụ nổ mìn do người chồng gây ra vì mâu thuẫn với vợ. Vụ việc xảy ra tại địa phận xóm 2, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ngay cạnh đường Quốc lộ. Người chồng tên Nguyễn Văn Long (sinh năm 1988) vì nghi ngờ vợ phản bội và cãi nhau với vợ là chị N.T.N đã châm ngòi nổ mìn giết vợ. Sau tiếng nổ lớn vang lên, hai nạn nhân bị hất ra xa, người chồng tử vong ngay tại chỗ. Mặc dù được người dân nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng người vợ cũng không qua khỏi.
Được biết, chị N làm việc tại công ty Núi Pháo. Hai vợ chồng chị N cưới nhau được hơn 4 năm và có một đứa con trai 3 tuổi. Trong cuộc sống hằng ngày đôi vợ chồng trẻ thường xảy ra mâu thuẫn, hiện tại, hai người đang sống ly thân. Tuy nhiên, do cay cú vì cho rằng vợ phản bội, anh Long đã dùng thuốc nổ, chặn đường vợ.
Vào trưa cùng ngày, khi chị N. đang trên đường đi làm thì Nguyễn Văn Long đã đón đường để nói chuyện. Giữa hai vợ chồng tiếp tục xảy ra mâu thuẫn lớn. Trong lúc tranh cãi, người chồng đã kích hoạt thuốc nổ để chết cùng vợ.
Lúc đó, một người đi cùng chị N. là chị Nguyễn Thị Ninh khi biết anh Long chuẩn bị nổ mìn thì không còn cách nào đành phải chạy thục mạng. Chị Ninh chạy được 3 mét thì nghe một tiếng nổ vang trời, ngoảnh lại thấy anh Long chết ngay tại chỗ, chị N bị dập toàn phần mông và lưng. Nhìn lại mình, chị Ninh thấy quần áo be bét máu, thịt bám vào người. Mấy ngày sau chị vẫn còn bị sốc và khiếp sợ, hoang mang.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý tổng đài 19006222, những vụ việc nổ mìn để cảnh cáo, giết hại nhau ngày càng xuất hiện nhiều, không chỉ vợ chồng nổ mìn giết nhau mà còn là các vụ nổ mìn trả thù anh em, hàng xóm, người yêu cũ, đồng nghiệp… Nguyên nhân dẫn đến những vụ việc này là do đời sống xã hội ngày càng có nhiều thách thức, các mâu thuẫn trong gia đình ngày càng tăng, cộng với sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân khiến họ có hành động nông nổi, sai trái, dẫn đến hậu quả đau lòng.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, cho rằng, sở dĩ những vụ nổ mìn cảnh cáo, trả thù nhau liên tiếp xảy ra thời gian qua là do công tác quản lý chất nổ cũng như các nguyên liệu sản xuất mìn, thuốc nổ quá lỏng lẻo, nên hầu như ai có nhu cầu cũng có thể mua được. Việc chế tạo mìn cũng không phải là khó, kể cả một anh nông dân chỉ cần tìm hiểu qua cũng có thể làm được. Do đó, cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý việc kinh doanh mặt hàng này hơn.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn là do nhân cách của con người, do lòng vị kỷ và suy nghĩ, nhận thức hạn hẹp, dẫn đến có những hành động nông nổi bất chấp hậu quả.
"Hiện các tổ chức xã hội, phi chính phủ, từ thiện có rất nhiều những chương trình tuyên truyền, giáo dục cho người dân để giúp họ nâng cao nhận thức, suy nghĩ, kỹ năng sống, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, xã hội… Thế nhưng những chương trình này cần đến đúng địa chỉ, đối tượng thì sẽ mang lại được kết quả cao hơn. Trong đời sống cộng đồng, cần phải quan tâm hơn nữa tới nhóm người dễ bị tổn thương, kích động", PGS.TS Trịnh Hòa Bình khuyến nghị.