"Bởi thế, xếp hạng PISA cao là tốt, nhưng đừng lấy đó làm mừng", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ quan điểm.
Đeo đẳng mãi cái tư duy cổ hủ
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả kỳ thi của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2012 vào ngày 3/12/2013. Kết quả, Việt Nam có thành tích về khoa học đứng thứ 8 với 528 điểm, toán học đứng thứ 17 với 511 điểm và đọc hiểu đứng thứ 19 với 508 điểm. Việt Nam đã lọt vào danh sách 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có khả năng khoa học tốt nhất thế giới, vượt qua rất nhiều quốc gia phương Tây có nền giáo dục lớn mạnh như Mỹ, Anh. Ông có vui mừng với kết quả này?
Tố chất người Việt rất thông minh, cần cù, chịu khó. Ngược dòng lịch sử thấy rằng biết bao vị anh hùng tài trí thông minh làm nên nghiệp lớn. Ngày nay cũng có nhiều nhà khoa học đã thành công. Trong các cuộc thi quốc tế, người Việt Nam cũng luôn đạt những điểm số rất cao, là niềm tự hào dân tộc. Những thành tựu đó không có gì là ngạc nhiên, bởi tố chất của người Việt là như thế. Nhưng nó không nói lên hiện trạng nền giáo dục nên cũng không có gì đáng để mừng.
Nhưng rõ ràng nó cũng phản ánh một góc nào đó của nền giáo dục?
Nền giáo dục đại trà ở mức độ rất thấp kém. Cứ nói giáo dục phải hội nhập, phát huy trí tuệ người học... nhưng có làm được đâu. Mà trong giáo dục, quan trọng nhất là chất lượng giáo dục đại trà chứ không phải một vài con "gà nòi". Mà cái góc "gà nòi" như trong báo cáo kia, thì đương nhiên nó là cao rồi.
Tôi nhìn nhận việc này giống i như hình ảnh một người đang chết đuối mà có cái phao liền chụp lấy, bám lấy nó và kêu lên: "Tôi sống rồi". Đừng nghĩ rằng đó là bước ngoặt của nền giáo dục. Không có đâu!
Ông nói vậy không sợ người ta bảo "đổ gáo nước lạnh vào mặt" sao?
Ngành giáo dục phải nhìn vào thực tế. Trước nay người ta kêu ca về nền giáo dục là rất đúng. Giờ thử nhìn vào nền giáo dục xem, trẻ con thì không có thời gian nào dành cho vui chơi, học một mớ kiến thức nhồi nhét. Cái cần thì không học, cái không cần lại học đêm ngày. Các kỹ năng sống, giao tiếp, ngoại ngữ... thì bỏ quên, toàn là học cái trên trời dưới đất gì gì đó. Học sinh khổ sở vật lộn với bài vở. Sao lại cứ đeo đẳng mãi cái tư duy giáo dục cổ hủ ấy?
|
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT. |
Bầy gà và mấy con gà
Thực tế, các gia đình, nhất là ở các thành phố lớn, đầu tư cho con cái đi học rất nhiều. Mọi điều kiện tốt nhất là dành cho con để đi học. Có phụ huynh đặt câu hỏi, phải chăng kết quả kia là thành quả từ những nỗ lực ấy?
Tôi khẳng định rằng đó không phải là thành quả từ sự đổi mới hay chuyển biến gì của ngành giáo dục. Kết quả này rất đáng mừng và rõ ràng ở góc độ nào đó, chính các gia đình đã tạo nên thành quả này. Các vị phụ huynh cần mẫn ngày đêm đưa đón, tìm tòi các lớp học thêm, các giáo viên giỏi nhất cho con theo học... Tố chất của các em vốn đã tốt rồi, lại được đầu tư chăm sóc thì kết quả cao là đương nhiên. Nhưng có mấy gia đình làm được như thế? Cái quan trọng là cả bầy gà chứ đâu phải mấy con gà nòi.
Nhưng theo những người làm ra báo cáo PISA thì đánh giá này là ngẫu nhiên và khách quan?
Tôi nghĩ đánh giá này dựa trên một nhóm học trò cụ thể nào đó chứ không phải là kết quả đánh giá đại trà được. Tôi quá hiểu nền giáo dục này.
Chính lãnh đạo ngành giáo dục cũng đã phát biểu rằng "rất bất ngờ" với kết quả này, có lẽ bởi chính trong ngành giáo dục họ cũng nhìn nhận thực trạng giáo dục chưa tốt như kết quả khảo sát này?
Không có bất cứ một sự đổi mới nào trong thời gian vừa qua để có thể có những kết quả khó tin đến như thế. Tôi hy vọng không vì cái sự bất ngờ này để tự ru mình rằng chất lượng giáo dục như thế là đã được rồi, không cần phải cố gắng đổi mới nữa.
Người Việt dù có nghèo có khổ, dù không có ăn thì vẫn bóp mồm bóp miệng cho con cái đi học, dành những điều tốt nhất cho con cái. Thế nên gia đình nào có điều kiện cũng sẽ cho con đi du học, hoặc là thuê gia sư, thuê giáo viên học riêng. Lịch học lúc nào cũng kín mít. Nói thế để thấy nếu được đánh giá cao thì thành quả đó thuộc về các gia đình. Chứ ngành giáo dục đừng nghĩ là thành quả của mình, đừng nghĩ rằng mình đã thực hiện đổi mới, cải cách đủ để gặt hái thành quả rồi. Và nếu nền giáo dục đã tốt rồi thì hẳn là không cần phải có công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nữa.
Nếu nói đó không phải là công lao của ngành giáo dục thì sẽ chứng minh bằng cách nào?
Ngành giáo dục phải làm cho cả nền học vấn của đất nước có sự thay đổi. Nếu chỉ chăm chút vào một số rất nhỏ, đạt những kết quả cao nhất, thì đó cũng lại là một cái sai.
Đem cô giáo đi giấu vì sợ thanh tra
Cái thừa và cái thiếu của nền giáo dục như ông vừa nói, cụ thể là thế nào?
Tôi có sang Singapore, học sinh tiểu học của họ được trang bị ngoại ngữ rất hoàn thiện. Học sinh lớp 1 đã biết đến 2.000 - 3.000 từ. Thậm chí học đến 2 - 3 thứ tiếng. Còn ở Việt Nam thì thế nào, thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 nhưng làm cũng rất lời phời. Chắc không ở đâu có cái chuyện buồn cười là có một trường mầm non có tiền thuê một giáo viên nước ngoài về dạy tiếng Anh. Đến khi có đoàn kiểm tra về đột xuất, nhà trường phải đem cô giáo giấu đi, nếu không thì sẽ bị phạt. Quy định là từ lớp 3 trở đi mới được dạy tiếng Anh. Đấy, những cái chủ trương rất buồn cười đến như thế, bao giờ giáo dục phát triển?
Vì sao lại có sự buồn cười đó?
Đó là những sự cứng nhắc đến khó lý giải. Người Việt Nam vốn rất thông minh, vấn đề là làm thế nào để phát huy được cái thông minh ấy. Cách giáo dục hiện nay đang làm hạn chế cái thông minh đó. Một cái cây có hạt giống tốt nhưng phải được vun trồng chăm bón tốt thì nó mới phát triển được chứ.
Đặt giả sử kết quả đánh giá PISA là đúng và khách quan, một vấn đề đặt ra là nếu chất lượng học sinh cao như vậy thì vì sao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu lại chưa cao?
Là bởi học trong trường thì nhồi và nhét. Một mớ kiến thức hàn lâm đầy trong đầu, có thể thuộc làu cả một đoạn văn dài, thế nhưng kỹ năng sống, việc ứng dụng kiến thức đó vào thực tế, những thứ cần thiết cho công việc, cho cuộc sống cụ thể lại không có. Lấy đâu ra những kỹ năng làm việc tốt và năng lực làm việc cao được. Bởi vậy tôi mới nói học trò rất giỏi, tố chất của chúng rất tốt, có điều giáo dục có làm sống dậy, có tạo môi trường cho các tố chất đó phát triển hay không mà thôi.
Xin cảm ơn ông!
PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá hiệu quả và chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông. Sau hơn một năm chuẩn bị, tháng 5/2011, Việt Nam đã tiến hành khảo sát thử nghiệm PISA tại 40 cơ sở giáo dục thuộc 9 tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định.