Vụ việc bà Trương Thị Hải Yến - Phó hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT trường THPT Dân lập Phương Nam (lô 18, khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) bị "tố" vay 268 tỉ 8 trăm triệu đồng, cùng với 16 quyển sổ đỏ của 19 cá nhân, nhưng nhiều năm không trả, đang gây xôn xao dư luận.
|
Danh sách các cá nhân "tố" bà Yến lừa đảo 268 tỉ 8 trăm triệu đồng, cùng 16 quyển sổ đỏ. |
Trước thông tin của vụ việc, ngày 19/8, phóng viên Kiến Thức đã đến điểm trường THPT Dân lập Phương Nam để ghi nhận tình hình thực tế.
Tại đây nhiều “chủ nợ” vẫn ôm chiếu, ghế, trải trước cổng trường, sau đó dùng loa gọi vọng qua cánh cửa sắt đang khóa chặt phía bên trong, yêu cầu bà Trương Thị Hải Yến trả lại số tài sản đã vay mượn. Thậm chí còn nhiều gia đình mang cả chăn, gối, trẻ con đến ăn, ngủ, sinh hoạt ngay trong căng – tin của trường từ hôm 14/8.
|
Một số cá nhân vẫn "mai phục" trước cổng Trường THPT Dân lập Phương Nam để "đòi nợ" bà Trương Thị Hải Yến. |
Được biết, chiều 15/8, trường THPT Dân lập Phương Nam đã mời công an phường Định Công đến, kết hợp với tổ bảo vệ của nhà trường khuyên các gia đình này nên rời đi, tránh việc gây ảnh hưởng tới nhiều em học sinh đang theo học tại trường. Tuy nhiên, bất chấp mọi sự đe dọa ngắt nguồn điện, cắt nước…, các gia đình này vẫn kiên quyết “cố thủ” đợi bằng được bà Trương Thị Hải Yến ra mặt.
|
Nhiều gia đình nằm "cố thủ" trong căng - tin của trường. |
Là một trong những “chủ nợ” “cố thủ” nhiều ngày, bà Trần Nam Dung (C4- P707, Từ Liêm, Hà Nội) than thở: “Bà Yến kêu là người cùng quê với tôi, sau một thời gian quen biết nhau, Yến đã vay tôi 80 tỉ để đưa vào dự án của nhà trường, hẹn tới 8/2012 sẽ trả. Nhưng đến nay vẫn không thấy đâu, tôi nghe nhiều người kháo rằng bà Yến cố tình không trả, sau đó sẽ quỵt nợ”.
“Bà Yến còn hứa hẹn với tôi rằng, nếu không trả được hết số tiền cho tôi bà Yến sẽ dành cho một suất giúp tôi trở thành cổ đông của trường Mầm non tư thục Bình Minh (tổ 14, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân), sau đó bà Yến còn làm hợp đồng thỏa thuận, có chữ ký đàng hoàng” – bà Dung cho biết thêm.
Cũng lấy từ trong túi ra những “chứng cứ” đã được photocopy, bà Ngô Thị Anh Thư (trú tại B29, Lô 20, khu đô thị Định Công, TP Hà Nội) nói: “Tôi và bà Yến quen nhau từ năm 2008, khi bà Yến nói cần một số vốn để kinh doanh trường THPT Dân lập Phương Nam, nếu tôi cho bà Yến vay tiền, bà Yến hứa sẽ trả tôi với lãi suất là 6%/tháng. Tôi đã tin tưởng và chạy đi vay mượn được 140 tỉ, sau đó bà Yến viết cam kết và hẹn tới 25/7/2011 sẽ trả. Nhưng tới nay vẫn không thấy đâu, tôi biết xoay sở như thế nào mới lấy lại được số tiền đó để trả anh, em, bạn bè đây?”
|
Bà Ngô Thị Anh Thư đang cung cấp thông tin cho PV. |
Bày tỏ sự lo lắng, ông Lê Ngọc Đài (tổ 6, Phúc Lợi, Long Biên, TP Hà Nội) cho hay: “Tôi đã cho bà Yến vay 1,7 tỉ đồng, nhưng nhiều năm nay rồi bà Yến vẫn không trả, giờ chúng tôi biết làm thế nào đây? Cũng chỉ biết kéo nhau tới, nêu thấy bà Yến thì đòi chứ đợi biết đến khi nào bà ấy mới trả?”.
Bị 19 cá nhân tố cáo, trước đó bà Yến có khẳng định với báo chí rằng: “Việc nhiều người tố tôi quỵt nợ hoàn toàn là sự vu khống, tôi không được mượn sổ đỏ của bất kỳ ai”.
Phóng viên Kiến Thức đã vào trường THPT Dân lập Phương Nam liên hệ để được gặp bà Yến, nhằm trao đổi, làm rõ thêm một số thông tin, nhưng trường THPT Dân lập Phương Nam đã cử ông Phạm Văn Sơn (Trưởng Phòng hành chính), là người đại diện cho trường, đón tiếp.
Trao đổi với phóng viên Kiến Thức, ông Sơn đưa ra một tờ đơn do Hội đồng Trường THPT Dân lập Phương Nam gửi Cục trưởng Cục Báo chí, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng biên tập báo…, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, để tố cáo một tờ báo đăng bài viết “Nữ hiệu phó bị tố quỵt nợ hàng trăm tỉ” là “sai sự thật”. Trong đơn nêu rõ: “Bài báo có nội dung thiếu chính xác, sai sự thật, mang hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự, làm mất uy tín của nhà trường và cán bộ lãnh đạo nhà trường. Trường đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm minh để trả lại danh dự cho tập thể trường THPT Dân lập Phương Nam”.
Bên cạnh đó, đơn tố cáo còn ghi rằng, “trường sẽ gửi hồ sơ và tờ báo này ra pháp luật để xử lý và đề nghị thu hồi thẻ báo chí của phóng viên đã viết bài”.
Một điều khá băn khoăn ở tờ đơn tố cáo của trường THPT Dân lập Phương Nam, đó là trong đơn có đầy đủ con dấu nhà trường, chữ ký của các cán bộ, giáo viên, nhưng viết sai chính tả, "báo chí" thành "báo trí".
|
Đơn tố cáo của trường THPT Dân lập Phương Nam có dấu của trường, chữ ký các cán bộ, giáo viên, nhưng lại viết sai chính tả. |
Trả lời trước báo chí, Trung tá Nguyễn Văn Thăng (Trưởng công an phường Định Công, Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết: Phường đã yêu cầu tất cả các bên phải giữ bình tĩnh để đàm phán tìm ra phương hướng giải quyết thật đúng đắn, theo quy định của pháp luật. Nếu xét thấy có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các “chủ nợ” có thể gửi đơn lên công an để tiến hành điều tra, xử lý nghiêm minh.
Hiện tại, vụ việc vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt khi hai bên “tố” ngược lại nhau.