Am Ngọa Vân từ hai năm về trước...
Cách đây hai năm, tôi cùng các đồng nghiệp "phượt" về Am Ngọa Vân. Có lẽ tôi không bao giờ quên những cung đường hiểm trở, chúng tôi phải "trèo đèo, lội suối" mất gần cả ngày đường mới lên được tới Am Ngọa Vân.
Để đến Am Ngọa Vân phải đi qua dốc Đỗ Kiệu, theo lối Thông Đàn. Xuất phát từ Trại Lốc, đoạn đường trước khi đến dốc Đỗ Kiệu không quá khó đi, vì phần lớn là đi theo lối mòn. Nhưng con dốc Đỗ Kiệu thì quả không sai với ý nghĩa của cái tên. Dốc dựng đứng và không có bậc, xưa kia kiệu của vua Trần khi đi theo lối này, đến đây Kiệu cũng đành dừng lại.
|
Đường lên Am Ngọa Vân. |
Thở hết dốc và thêm một chút nữa là tới Thông Đàn. Cái tên này được giải thích do khi xưa, đây là một dải rừng chỉ trồng toàn thông. Các vị vua cùng các nhà sư từ đời Trần đã lựa chọn nơi này bởi lẽ, vào đến đây, tiếng thông reo vi vu trong gió tựa có cả dàn nhạc đang được tấu lên. Có phải vì vậy mà mang tên Thông Đàn?
Cũng có giả thiết khác cho rằng, sở dĩ có tên Thông Đàn là vì, Thông Đàn là giống thông mang từ Ấn Độ sang, và giống thông này được trồng duy nhất ở khu vực này, do vậy trên dãy Yên Tử không nơi nào có giống thông như vậy.
Thông Đàn có địa thế phong thủy rất đặc trưng, đó là khối kiến trúc gồm một tòa tháp tọa giữa hai gốc thông cao vút. Nền đá còn lại của Thông Đàn cho thấy rõ đây đã từng là một rừng tháp quy mô lớn.
Qua Cửa Phủ đường đi càng ngày càng khó, cây cối mọc chằng chịt, nhiều đoạn chưa có lối mòn, đi qua những tảng đá rất trơn, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị ngã. Thật nguy hiểm biết bao…
Bên cạnh việc đường sá gặp nhiều khó khăn, chúng tôi bắt gặp rác rưởi, đồ ăn, thức uống, túi nilong, áo mưa của những người hành hương, người dân đi rừng vứt bừa bãi dọc con đường dẫn lên Am Ngọa Vân...
... đến nay
Tuy nhiên, cách đây hơn một tháng trước trong chuyến đi công tác tại Quảng Ninh. Tôi được một anh phật tử ở chùa Trình (Quảng Ninh) mời đi Am Ngọa Vân.
Trở lại Am Ngọa Vân kỳ này, tôi không khỏi bất ngờ ngạc nhiên trước sự đổi thay đến “kỳ diệu”.
|
Tháp Am Ngọa Vân. |
Con đường của các bậc tiền nhân đã đi xưa đã được nâng cấp. Đi từ đập Trại Lốc, ô tô có thể vào đến cửa Phủ. Cung đường này được trải bê tông theo vòng cung quanh hồ Trại Lốc vào đến Cửa Phủ.
Từ Cửa Phủ lên đến Thông Đàn thì đã được xây thành các bậc đá thuận lợi cho bước chân du khách, nếu như trước đây cung đường này phải đi hết nhiều giờ đồng hồ, thì nay chỉ mất độ non tiếng đã đến nơi.
Tuyến đường hành hương tiếp theo từ Thông Đàn lên đến chùa Ngọa Vân cũng đã được mở rộng, và thông thoáng hơn trong rừng trúc chằng chịt để nhẹ nhàng nâng bước chân du khách hành hương về đất Phật…
Trong suốt hành trình đi lên Am Ngọa Vân, tôi nhận thấy ở đây không ồn ào náo nhiệt như những nơi khác. Và có lẽ trong tâm mỗi du khách đã đặt chân tới nơi này thì đây không chỉ là cuộc leo núi đơn thuần. Họ đang lắng mình trải nghiệm với Ngoạ Vân Am, để có được những khám phá bất ngờ nơi đất Phật linh thiêng.
Khoảng sân chùa Ngọa Vân nay đã rộng hơn bởi các công trình tạm bằng gỗ được phật tử dựng lên trước đây như nhà Tăng, ni, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, bể nước…đã được di chuyển xuống phía dưới. Đồng thời, trên con đường lên Am đã có các thùng đựng rác được đặt hai bên lối đi, những điểm di tích làm cho vệ sinh môi trường ở đây sạch sẽ hơn nhiều.
Lên đến Am Ngọa Vân, ngồi uống trà cùng người bạn, và ngắm đất trời linh thiêng nơi dãy núi phía Tây Yên Tử. Mới thấy hết công đức to lớn của biết bao người đã làm đổi thay cung đường gian lao thành cung đường kỳ diệu, giúp du khách nhẹ nhàng bước chân khoan thai ngắm núi rừng Yên Tử.
Nếu trước đây, do sự khó khăn của đường sá, Am Ngọa Vân mỗi năm chỉ đón vài ngàn lượt khách đi phượt, ưa khám phá hoặc phải thật có sức khỏe và tâm thành mới lên được nơi linh thiêng này. Thì nay cùng với cung đường mới, rồi đây sẽ có hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt khách biết đến nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập cõi niết bàn – Am Ngọa Vân.
Nếu bạn đã từng đi Am Ngọa Vân trước khi có con đường này thì đều biết, cung đường từ Cửa Phủ đến Thông Đàn là đoạn đi theo các con dốc đứng, nhiều dòng thác và suối cắt ngang, rất hiểm trở và khó khăn. Người dân sở tại luôn ví von cung đường này là cung đường “thử thách lòng người”. Để đi được qua cung đường này, ngoài việc phải phát tán các giây leo bám chằng chịt vào rừng trúc, bạn phải leo lên từng bậc dốc đứng, rất trơn do rừng trúc quanh năm sương phủ nên độ ẩm ướt khá cao.
Còn nay, thì đã có các bậc đá và hai bên lối đi đã được phát quang, lại còn cả cả các thùng đựng rác được trải đều dọc cung đường.
Cung đường dốc tọa trên địa hình hiểm trở, đi người không còn khó khăn, thì việc vận chuyển hàng trăm tấn nguyên vật liệu lên đây sẽ khó biết chừng nào? – Đem thắc mắc hỏi anh bạn phật tử, thì được anh bạn cho biết: Đoạn đường này mới được xây dựng trong 6 tháng của năm 2012, do Thượng tọa Thích Thanh Quyết Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, trụ trì chùa Đồng Yên Tử triển khai thực hiện. Trong vòng nửa năm, hàng ngàn bậc đá đã được xây dựng, đó là cả một sự diệu kỳ mà ngay cả những người dân ở xã An Sinh, Bình Khê của huyện Đông Triều thường ví von chỉ có thay áo mới, mặc áo mới thì mới nhanh và đẹp như vậy.
Một cách ví von thật hay, vì có may áo mới nhịp độ và thay đổi mới nhanh và “kỳ diệu” đến vậy, việc này đã làm đổi thay bộ mặt của quần thể di tích phía Tây, kết nối với Đông Yên Tử tạo thành một quần thể du lịch tâm linh viên toàn của vùng đất Phật linh thiêng…