Theo thông tin mới nhất, đến chiều 15/5, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng chục loại tàu hộ tống (tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu hải tuần, tàu vận tải đổ bộ...) và bố trí thành bốn lớp bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Mỗi khi các tàu cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận giàn khoan để tuyên truyền, yêu cầu đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam thì ngay lập tức các tàu Trung Quốc tăng tốc, cản phá.
Trước đó, khoảng 8h sáng 15/5, khi các tàu cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục tiến sâu vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan làm nhiệm vụ nhưng bị các tàu Trung Quốc ngăn cản.
|
Tàu Trung Quốc liên tục tăng tốc, cản phá tàu Việt Nam làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Cụ thể, lúc 8h30, khi tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003 cách giàn khoan 7,5 hải lý thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc 3411 theo sát, ngăn cản. Tàu hải cảnh Trung Quốc 3411 tăng tốc cắt mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam 2016 rồi tăng tốc tiến thẳng về tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003. Cùng lúc đó, 2 tàu chấp pháp Trung Quốc số hiệu 2112, 31101 tăng tốc bám sát tàu 8003 với tốc độ 9 - 13 hải lý/giờ.
Đến 9h, tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 2112 bất ngờ tăng tốc, bám sát tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003 với vận tốc 13-15 hải lý/giờ. Có lúc, tàu Trung Quốc 2112 lao thẳng vào hướng tàu 8003 và chỉ cách 180m! Đồng thời, lúc này tàu hải cảnh Trung Quốc 3411 tăng tốc bám sát, cùng với tàu 2112 đã áp sát mạn trái và mạn phải tàu 8003 của cảnh sát biển Việt Nam. Nhiều ngày nay, tàu hải cảnh Trung Quốc 3411 luôn bám sát, cản trở tàu 8003 của cảnh sát biển Việt Nam.
Khi biên đội tàu Việt Nam tiến vào hỗ trợ tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003 thì hai tàu hải cảnh Trung Quốc 2112 và 3411 giảm tốc độ, đổi hướng quay gần khu vực giàn khoan.
Ông Vũ Đức Tạo, chỉ huy biên đội tàu kiểm ngư Vùng 4, cho biết tàu Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều hơn, kể cả tàu quân sự, tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, tàu cá bán vũ trang... và liên tục tấn công, truy đuổi các tàu Việt Nam.
Cự ly mà các tàu Trung Quốc truy đuổi các tàu Việt Nam cũng tăng lên. Cụ thể, trong những ngày đầu thì các tàu của Trung Quốc truy cản tàu Việt Nam ở vị trí cách giàn khoan khoảng 5 hải lý.
Nhưng khi Trung Quốc điều thêm tàu thì việc truy đuổi các tàu chấp pháp của Việt Nam diễn ra xa hơn, cách giàn khoan 7-8 hải lý. Càng vào gần giàn khoan thì càng nhiều tàu Trung Quốc truy đuổi quyết liệt.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Tạo, các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển đang tránh và hạn chế thấp nhất tổn thất về vật chất cho các tàu Việt Nam. Lý do là các tàu Việt Nam sau hai tuần thực hiện nhiệm vụ tại Hoàng Sa đã có nhiều kinh nghiệm hơn.
Những ngày qua, tình hình tại ngư trường khai thác thủy hải sản truyền thống của ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa đang rất phức tạp do những hành động của Trung Quốc. Được biết, các tàu cảnh sát biển Việt Nam đã tăng cường, bám sát, hỗ trợ bà con ngư dân, cung cấp thêm lương thực thực phẩm, nước ngọt, thuốc men, nhiên liệu và an toàn hàng hải để bà con ngư dân yên tâm đánh bắt thủy hải sản.
Ở một diễn biến khác, trong cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XIII) tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng chiều 15/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam sẽ làm hết sức mình để giữ chủ quyền và hòa bình.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề biển Đông, nhất là sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mục tiêu của Việt Nam là Trung Quốc phải rút giàn khoan, rút tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế. Đồng thời Việt Nam phải giữ ổn định chính trị xã hội đất nước để phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, làm hết sức mình để giữ hòa bình, ổn định, hữu nghị với Trung Quốc. "Chúng ta phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, nhưng ta với người dân Trung Quốc, với doanh nghiệp Trung Quốc cũng như doanh nghiệp các nước khác phải hợp tác cùng nhau phát triển kinh tế cùng có lợi. Phải đảm bảo an toàn, an ninh cho các nhà đầu tư", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.