Cấm công chức ngồi quán xá: “La cà mới... ra tiền”

Google News

(Kiến Thức) - “Thỏa thuận thế nào, chia chác thế nào, cách nào để lách được luật pháp... là những thứ không thể bàn ở công sở, buộc phải ra quán”, ông Nguyễn Ty, nguyên Phó ban Nông nghiệp TƯ Đoàn nói. 

Ngồi quán để bàn chuyện… công sở
Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Trong các quy định về công tác cán bộ thì nhiều điều rất chặt chẽ. Để xây dựng cán bộ thì phải xây dựng bộ máy, chức năng nhiệm vụ, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ đó thì mới cần bao nhiêu biên chế. Những người trong biên chế đó phải hiểu được chức năng của mình, nắm được nhiệm vụ của mình. Nhưng thực tế thì biên chế luôn mang tính chất áng chừng, không hề có định mức công việc cho từng vị trí. 
Không ai quản lý về hiệu quả công việc họ làm. Cái gì cũng áng chừng. Chẳng có định mức nào nên họ cứ la cà, ngồi cơ quan cũng được, ngồi quán cũng được, chơi điện tử cũng được, bạn bè rủ ra quán uống bia, uống rượu cũng được. Đến muộn về sớm với hàng tỷ thứ lý do chính đáng.
Ý ông đây lại là vấn đề hệ thống?
Bởi phân công trách nhiệm không rõ ràng, có sản phẩm hay không có sản phẩm cũng không sao cả. Cá nhân kém, tập thể kém cũng không sao. Chức trách không rõ ràng, hiệu quả công việc không rõ ràng, đánh giá bằng cảm tính với nhau chứ không bằng những tiêu chí cụ thể. Khi những điều đó không rõ ràng, còn mù mờ, thì họ có nhiều thời gian. Có thời gian thì họ la cà, làm gì được.
Nhưng công chức ăn lương là để làm việc, đâu phải để la cà?
Họ bảo họ ngồi quán là để làm việc đấy, do nhiều mối quan hệ nên họ buộc phải la cà đấy. Làm ăn kinh tế thường gắn với chính trị. Ví dụ, muốn có một dự án thì phải có quan hệ với những người làm chính trị, phải mời họ đi ăn đi uống. Không quen thì nhờ bạn bè mình giới thiệu. Làm sao để mỗi bên đều có lợi là làm dù ngân sách nhà nước có mất. La cà ra quán xá là để có thể thông cảm với nhau, để mặc cả những điều kiện thỏa mãn cả hai bên. Thỏa thuận thế nào, chia chác thế nào, cách nào để lách được luật pháp mới là quan trọng. Những cái đó không thể bàn ở công sở, buộc phải ra quán. Thế là thành ra người kinh doanh cũng ở quán, người làm hành chính cũng ở quán.
Vậy ông đánh giá thế nào về giải pháp của Hà Nội?
Về lý thuyết thì ta có rất nhiều quy định, nhưng nó không đi vào thực tế. Trước tình hình phức tạp đó có lẽ Hà Nội muốn là địa phương đi đầu trong việc chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ công chức.
Ông Nguyễn Ty, nguyên Phó ban Nông nghiệp Trung ương Đoàn. 
Thực tế nó quá lộ liễu
Ông nhìn nhận thế nào về số lượng cán bộ công chức hiện nay?
Nhà nước cứ nói giảm biên chế cán bộ nhưng chẳng giảm bao nhiêu. Bộ máy cứ ngày càng phình ra, phình về tổ chức, phình về nhân sự. Số cán bộ cứ thế tăng lên mà không ai kiểm soát cả. Lãnh đạo nào cũng muốn có thêm cán bộ. Trong khi đó chưa lãnh đạo nào làm rõ được luận chứng là cần phải có cán bộ ở vị trí này, nếu có thì sẽ đem lại hiệu quả như thế nào... Còn có thêm cán bộ thì lãnh đạo chả mất gì, đấy là chưa kể quyền lợi còn là do mối quan hệ ngoại giao. Người ta không chỉ nói với nhau bằng nước bọt, ai cũng biết thế.
Ông có thể ví dụ cụ thể?
Có một cơ quan cụ thể tôi biết, ông này là một chuyên viên cao cấp được giao xuống một tổ chức đoàn thể để làm việc về vấn đề giảm hơn 50 nhân sự. Sau một hồi làm việc (tất nhiên là ngoài quán), ông ấy về trình bày với một ông vụ trưởng khác đề nghị giúp. Sau đó đưa ra một sơ đồ chức năng nhiệm vụ kế hoạch phát triển. Thế là cuối cùng, không giảm nhân sự nào, thậm chí còn tăng thêm hơn 60 cán bộ. Tăng một cách rất hợp lý. Thế mới thấy cái việc la cà quán xá nó quan trọng thế nào.
Thế thì cái việc cấm la cà quán xá giờ làm việc có khi lại ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cán bộ công chức?
Nói một cách hài hước thì là thế. Việc bây giờ tổ chức ra hẳn một bộ máy để đi dẹp mấy chuyện này chẳng qua là vì thực tế nó quá lộ liễu, người ta phải nghĩ cách để chấn chỉnh lại. Nhiều khi tuyển cán bộ bây giờ người ta không tuyển bằng năng lực. Đôi khi để phô trương thanh thế, hình ảnh của cơ quan, người ta tuyển một vài chị hát hay, một vài anh đá bóng giỏi, vài người biết đánh bóng chuyền... Ngay các biên chế ấy cũng rất buồn cười, ở các nước khác là không bao giờ có chuyện có biên chế cho những người đó. Bộ máy cứ ngày càng phồng ra, trương phềnh ra là thế.
Ít có khả năng thành công
Người ta vẫn nói lương cán bộ công chức thấp, không đủ sống, thế thì tiền đâu mà cán bộ la cà?
Cơ quan hành chính sự nghiệp chỉ có ngân sách, cán bộ nhận lương, không giống như doanh nghiệp là họ có tiền lợi nhuận kinh doanh. Vậy cán bộ lấy tiền đâu để mà ăn uống, chơi bời quán xá? Chính là từ các chương trình, dự án của nhà nước. Anh nào cũng thế, cơ quan này đến cơ quan khác, cố xin được thật nhiều chương trình dự án, rồi tranh thủ các dự án của quốc tế là họ có tiền. Nếu làm sòng phẳng thì làm gì có khoản dư nào để mà ăn. Khoản ấy là phải trích từ dự án ra, để có chứng từ hợp thức hóa thì phải làm việc với nhau, ngồi với nhau để thỏa thuận. Đương nhiên thỏa thuận những việc đó là phải ra ngoài quán rồi. 
Theo ông thì có cấm được công chức ngồi quán xá trong giờ làm việc?
Từ trước đến nay ta cấm nhiều lắm rồi. Cấm xe biển xanh được đi lễ hội, đi ăn uống ở các nhà hàng khách sạn, cấm vào các khu vực như Đồ Sơn, nhà nghỉ. Thế là các nhà hàng liền trang bị các tấm bạt, đậy kín xe lại. Quan chức đi Đồ Sơn không bằng xe công nữa, mà gợi ý một vài tư nhân hỗ trợ xe, có qua có lại. Thế là cấm không thành. Rồi cấm dùng xe công đi làm việc tư, rất nhiều nghị quyết cấm khác, nhưng sau đó nó cũng trôi đi, kể cả trong giao thông, uống rượu, bia trong giờ làm việc... Tôi chưa biết Hà Nội sẽ kiên quyết đến mức nào, nhưng khả năng thành công ít lắm, tôi nghĩ thế.
Ai kiểm soát được tất cả các cán bộ công chức, chắc là khó?
Rất khó kiểm soát. Quần áo đồng phục không có, biển hiệu thì họ có thể đút túi, chả ai biết là ai với ai cả. Họ có nhiều mẹo để có thể tránh được sự giám sát. Trước đây ở Nga tôi có chứng kiến câu chuyện ở bến xe điện hay rạp chiếu phim, họ có thiết bị đọc tự động. Cứ mỗi bóng người đi qua là máy nó quét để cửa mở ra. Vài người Việt Nam nghĩ ra mẹo là cõng nhau qua máy quét đó. Thế là máy vẫn chỉ quét 1 cái bóng, hai người chỉ mua 1 vé thôi. Đấy, công nghệ mà người ta còn thế. Người ta có trăm nghìn cách thiên biến vạn hóa, khó lường lắm.
Xin cảm ơn ông!
Giám đốc Công an TP Hà Nội vừa đề xuất lãnh đạo thành phố quyết định cấm cán bộ, công chức la cà hàng quán trong giờ làm việc nhằm chấn chỉnh tác phong của cán bộ công chức. Có người bảo, cán bộ công chức trong giờ làm việc thì phải làm, la cà quán xá thì đương nhiên là phải phạt, sao lại phải đề xuất cấm.

 


Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)