Chiều qua, kết thúc phiên xét xử theo thủ tục tái thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị số 01 ngày 4/11/2013 của Viện trưởng VKSND Tối cao: Hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và hủy bản án phúc thẩm của TAND Tối cao kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn tội “giết người” với bản án tù chung thân. Hội đồng Thẩm phán cũng quyết định điều tra lại vụ án theo quy định tại Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự. Với quyết định này, ông Chấn sẽ được minh oan trong thời gian tới.
|
Ông Nguyễn Thanh Chấn, người ngồi tù 10 năm oan khuất |
Để rộng đường dư luận, Kiến Thức lật lại bản án phúc thẩm của TAND tối cao, nhận thấy trong bản án này, mặc dù chứng cứ buộc tội bị cáo còn lỏng lẻo, thậm chí mâu thuẫn nhưng tòa vẫn kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn tội giết người có tính chất côn đồ, tuyên án chung thân do có tình tiết giảm nhẹ.
Định tội từ những chứng cứ đưa ra chỉ suy diễn
Trong bản án số 1241/PTHS của Tòa Phúc thẩm tại Hà Nội (TAND tối cao) ngày 27/7/2004 và bản tuyên án của Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 26/3/2004 với nhiều chứng cứ lỏng lẻo từ bản án sơ thẩm, tòa phúc thẩm vẫn căn cứ vào những chứng cứ đưa ra chỉ để suy diễn ấy để khép ông Nguyễn Thanh Chấn vào tội giết người có tính chất côn đồ và tuyên án chung thân do có tình tiết giảm nhẹ (ông Chấn là con duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Hữu Phấn).
Tóm tắt lại vụ việc giết người tại làng Me (xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) trong bản án Phúc thẩm số 1241 như sau, vào lúc 22h ngày 15/08/2003, cháu Nguyễn Văn Thanh, người thôn Me khi đi chơi cùng bạn về, qua nhà chị Hoan thấy khép cửa, không khóa, trong nhà tắt điện, có tiếng trẻ con khóc. Thanh đã đi gọi bà Hoàng Thị Hội (mẹ đẻ chị Hoan) đến nhà chị Hoan xem sự thể thế nào? Khi bà Hội đẩy cửa vào nhà và bật điện sáng bà choáng váng thấy chị Hoan đang nằm dưới nền nhà lát gạch trong vũng máu và chiếc gối ngủ còn đậy trên mặt. Lúc này, ông Nguyễn Đức Đệ là y sỹ kiêm Trưởng thôn Me trực tiếp kiểm tra, thăm khám sơ bộ cho chị Hoan, khẳng định nạn nhân đã chết.
Ngày 16/8/2003, cơ quan cảnh sát điều tra, công an tỉnh Bắc Giang tiến hành thủ tục khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường vụ án. Mô tả tại hiện trường, nạn nhân nằm trên vũng máu, xung khu vực dưới chân nạn nhân có mảnh trai vỡ và phát hiện một lưỡi dao (xác định là dao bấm) rơi cạnh xác nạn nhân.
Trên nền nhà có nhiều vêt chân trần dính máu – trong đó có một vết chân trái có kích thước (chiều dài 23cm, chỗ rộng nhất 8,6cm) cách tường nhà phía tây 1,55m; vết chân trái thứ 2 cách vết thứ nhất 60cm có kích thước (dài 23cm, rông 8,6cm); vết thứ 3 là chân phải sát vết chân thứ hai có kích thước (dài 23,5cm, rộng 9cm). Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, nạn nhân chết do chấn thương ở đầu, mặt, vết thương ở bụng làm đứt động mạch chủ và mất mấu cấp dẫn đến sốc, trụy tim cấp.
|
Bản án 1241 của Tòa phúc thẩm ngày 27/7/2004 xử vụ ông Chấn |
Từ những lời khai của nhân chứng, ông Nguyễn Thanh Chấn được đưa vào diện tình nghi. Ngay sau đó, cơ quan điều tra lấy dấu chân tại hiện trường gần giống của ông Nguyễn Thanh Chấn để kết tội.
Cụ thể, ngày 30/8/2003 cơ quan điều tra tiến hành xác định kích thước vết chân của Nguyễn Thanh Chấn thể hiện tái Biên bản ghi nhận kết quả có như ký của đối tượng tham gia (BL 27) cho thấy: Bàn chân trái của Chấn tính từ đầu ngón chân cái đến gót dài 22cm; chỗ bàn chân rộng bè nhất 8,8cm; bàn chân phải dài 23cm, chỗ rộng nhất 9,6cm. Khi cơ quan điều tra so sánh và đối chứng với kết quả xác định dấu chân của Nguyễn Thanh Chấn thuộc diện nghi vấn, về kích thước cơ học của 2 dấu bàn chân bên phải và bên trái gần đúng kích thước những dấu vết để lại hiện trường của vụ án mạng đêm 15/8/2003.
Từ những kết luận trên, bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đều căn cứ kết quả so sánh xác định kích thước dấu chân của ông Chấn "gần đúng” với kích thước dấu chân thu được tại hiện trường ấy để quy kết ông Chấn có mặt tại hiện trường, dù những chứng cứ ấy không có cơ sở khoa học. Bản án khẳng định: “Cơ quan điều tra xác định kích thước vết chân của Nguyễn Thanh Chấn cho thấy bàn chân trái của Chấn tính gần đúng với vết chân bỏ lại hiện trường”.
|
Nguyễn Thanh Chấn cho rằng mình bị ép cung phải nhận tội, tòa cho rằng đó là những lời ngụy tạo |
Cùng đó, tại hiện trường có lưỡi dao nhọn được cho là hung khí gây án nhưng phần chuôi cơ quan chức năng không thu giữ được. Việc cho ông Chấn nhận dạng lưỡi dao cũng không bảo đảm khách quan theo quy định tại Điều 134 Bộ Luật tố tụng hình sự.
Theo bản án, trên đường đi lấy nước, ông Chấn đi ngang qua nhà nạn nhân Nguyễn Thị Hoàn, thấy cô này đang trong nhà liền nảy ý định vào “trộm tình”. Nghĩ sao làm vậy, Chấn lẻn vào nhà, tay chộp vào ngực và đề nghị sỗ sàng: “cho anh một cái” nhưng liền bị cự tuyệt. Giận dữ, Chấn rút con dao thủ sẵn trong người ra đâm liên tiếp vào người, vào bụng chị Hoàn khiến chị này tử vong.
Về việc tiêu thụ thời gian của ông Nguyễn Thanh Chấn trong buổi tối ngày 15/8/2003 cũng chưa được làm rõ. Ngay những lời khai nhận của bị cáo và lời khai của các nhân chứng vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, Tòa vẫn căn cứ vào lời khai các nhân chứng Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Hữu Đồng, Thân Văn Bảo và chị Hoàng Thị Viễn: “vào lúc 19h30 Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn múc nước tại giếng nước nhà chị Hoàng thị Viễn, khoảng thời gian 20 phút từ 19h đến 19h25 phút Nguyễn Thanh Chấn đi đâu làm gì với ai thì bị cáo hoàn toàn không chứng minh được” để cho rằng đó chính là thời gian Chấn gây án. Mặc dù chỉ là lời khai nhân chứng, không đủ căn cứ để chứng minh Chấn gây án trong khoảng thời gian đó, nhưng tòa vẫn quy kết, đó là khoảng thời gian Chấn gây án.
Ngoài ra, trong vụ án, người nhà nạn nhân đã nói đến việc chị Hoan sau khi bị giết, số tài sản như nhẫn vàng, tiền của nạn nhân cũng chưa được làm rõ. Vì thế, việc toà án căn cứ vào các chứng cứ, lời khai trên để quy kết ông Chấn giết chị Hoan là không có cơ sở, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Bác lời khai bị ép cung của bị cáo
Bản án phúc thẩm đã dẫn một số lời khai, bản cung của Nguyễn Thanh Chấn và khẳng định những lời khai của Nguyễn Thanh Chấn phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường. Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và sau khi xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn đều kêu oan và cho rằng những lời khai trước là bị công an dùng nhục hình, ép cung, bắt buộc bị cáo phải nhận tội giết chị Hoan; sau đó được điều tra viên hướng dẫn khai báo sự việc, vẽ sơ đồ hiện trường và được tập luyện nhiều lần để thực nghiệm điều tra.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã bác bỏ lời khai của bị cáo khi cho rằng: “Nhận thấy lời ngụy tạo trên đây của Chấn không có căn cứ bởi tính manh nha, xảo trá của sự bịa đặt”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn cho rằng, cơ quan điều tra không thu hồi được chuôi dao tang vật theo lời khai của Chấn, do vậy việc thu thập chứng cứ là chưa đầy đủ, vững chắc. Tòa phúc thẩm đã bác bỏ điều này khi nhận định, mặc dù chuôi dao bấm không thu hồi được là do kẻ phạm tội đã cố tình tiêu hủy hoặc phi tang, nhưng phần lưỡi dao gãy rời để lại hiện trường phù hợp với chuôi dao đã mất vì thế khó có thể đòi hỏi điều gì hơn thế nữa.
|
10 năm tù ông Chấn chịu oan khuất, gia đình ông khánh kiệt, người vợ nhiều lúc tưởng phát điên |
Toà còn bác bỏ lời khai các nhân chứng như Phạm Thị Nhâm và Nguyễn Văn Thực rằng, khoảng 19h20 ngày 15/8/2003, bà Nhâm ra quán ông Chấn mua hàng thì gặp anh Thực vào gọi điện thoại ở quán, anh Chấn là người bấm máy cho anh Thực gọi, lúc đó trong quán còn có ông Quyền đến mua mắm.Anh Thực cũng xác nhận khoảng 19h30 anh gọi điện tại quán nhà anh Chấn, anh Chấn bấm máy cho anh gọi số máy 56609....
Trong phần tranh tụng, luật sư của anh Chấn đã trình Bảng kê điện tử, tự động thanh toán tiền điện thoại do Bưu điện cung cấp, thể hiện trong ngày 15/8/2003 từ số máy thuê bao nhà Nguyễn Thanh Chấn có cuộc gọi đi cho máy mang số 566609… với thời lượng từ 19h19’51” đến 19h20’31”. Tuy nhiên, Tòa đã bác bằng chứng này với lí do, cho dù tính khách quan và khoa học của bảng kê điện tử kể trên là không ai có thể phản bác hoặc phủ nhận về cuộc đàm thoại đã được ghi nhận nhưng tài liệu này không thể là bằng chứng khẳng định vào thời điểm thực hiện cuộc gọi, Nguyễn Thanh Chấn là người bấm máy. Còn lời khai của bà Nhâm, ông Thực về việc Chấn bấm máy cũng không có tài liệu nào khác hơn để kiểm chứng.
Đã vậy, tòa phúc thẩm còn kết tội Nguyễn Thanh Chấn rất đanh thép rằng: “Hành vi giết người của Chấn thể hiện sự hung hãn, tàn bạo và hết sức độc ác và y cố tình thực hiện tội phạm đến cùng.”. “Tòa án cấp sơ thẩm quy kết Nguyễn Thanh Chấn theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự về tội Giết người là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan như lời nại của y”.
Đồng thời, bản án phúc thẩm nhận định: “Thực ra Nguyễn Thanh Chấn cố tình chối tội bởi sự mặc cảm về tội ác mà y đã gây ra cho người khác cùng với sự gieo rắc đau thương tang tóc cho gia đình nạn nhân, mặt khác hòng lẩn tránh sự lên án của dư luận xã hội và sự trừng phạt nghiêm minh của luật pháp”.
Trong bản án phúc thẩm, căn cứ vào những luận cứ trên, tòa phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm, tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Chấn bản án chung thân về tội “giết người” theo điểm n, khoản 1, điều 93 Bộ luật hình sự, đã có xem xét tình tiết giảm nhẹ do bị cáo là con liệt sĩ.
Một bản án được kết luận từ những chứng cứ lỏng lẻo, bác bỏ những lời khai của bị cáo cũng như nhiều luận cứ mà các luật sư bào chữa đã đưa ra, đã đẩy một công dân vào vòng lao lý, oan thấu 10 năm trời.
Trách nhiệm của TAND Tối cao trong việc để án oan như trên là không cần bàn cãi. Việc kết luận của bản án phúc thẩm bắt nguồn từ sai phạm, thiếu xót, trong quá trình điều tra vụ án của cơ quan CSĐT, CA tỉnh Bắc Giang (10 năm trước). Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến quá trình điều tra lỏng lẻo, cũng như việc các điều tra viên khi đó đã ép cung bị cáo Nguyễn Thanh Chấn ra sao?