Tiết lộ những đột phá trong cách làm bảo tàng

Google News

(Kiến Thức) - Không có hiện vật vài nghìn USD, nhưng ba bảo tàng Việt Nam lại lọt top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Điều gì làm nên kỳ tích này?

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là ba bảo tàng được đưa vào top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Liệu "cú hích" này có tạo ra bước đột phá mới trong cách làm bảo tàng hiện nay ở nước ta?
Thành công từ... chiếc khăn, bức thư
Bảo tàng không phải chỉ là nơi trưng bày đổ cổ, hiện vật, mà còn là nơi kể những câu chuyện về đời sống, văn hóa, lịch sử. Hiện vật cũng không nhất thiết phải đắt tiền, có khi chỉ là cái khăn, bức thư của một cựu tù Côn Đảo...
Kể được câu chuyện của đời sống
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người đã có công trong việc tạo ra cuộc cách mạng về trưng bày cho bảo tàng cho biết: So với các bảo tàng khác ở Việt Nam cả 3 bảo tàng nêu trên đều có sự khác biệt.
Đầu tiên là 3 bảo tàng này đều không quá chú trọng đến việc đơn thuần bày hiện vật mà quan trọng là thông qua những hiện vật để kể lại những câu chuyện có thật. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không có những hiện vật, cổ vật đáng giá hàng nghìn USD, hiện vật được trưng bày ở đây chỉ là những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của các dân tộc Việt Nam trong quá trình thực hành hoạt động mưu sinh và văn hóa của mình.
Ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng không có những hiện vật cồng kềnh mà chỉ là những hiện vật sống động nhằm tái hiện tội ác của Mỹ ngụy trước kia cũng như sự mất mát mà chiến tranh mang lại. Ở đây, thậm chí do thiếu kinh phí nên chưa thực hiện trưng bày thường xuyên mà mới chỉ có các trưng bày theo chuyên đề, tuy nhiên vẫn đông khách tham quan...
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, hiện vật trưng bày không nhất thiết là những cổ vật có giá trị mà có thể chỉ là bức thư hoặc một cái khăn của một cựu tù ở Côn Đảo... Điều quan trọng là những hiện vật ấy phải có thông tin để người xem có thể hiểu và cảm thụ được hết ý nghĩa của hiện vật. Ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, thông tin về hiện vật chỉ là những bài viết có rất ít ký tự (khoảng 800 - 1.200 ký tự, tối đa là 1.600 ký tự), nhưng được người xem đánh giá rất cao.
Bảo tàng Dân tộc học.
Để nhân vật tự kể chuyện
Đối với bảo tàng hiện đại, video clip là một phương tiện vô cùng quan trọng, giúp bảo tàng có thể tương tác tốt với khách tham quan. Tuy nhiên, việc làm video hiện nay ở một số bảo tàng vẫn theo cách cũ. Họ làm video clip theo dạng vô tuyến, cũng có hình ảnh, con người, nhưng video clip đó lại được xây dựng theo dạng dàn dựng, lời bình viết sẵn, sau đó thuê nghệ sĩ đọc, dù truyền cảm nhưng không lay động được lòng người. Thay vì lời bình, hãy để chính những nhân vật trong video clip kể lại câu chuyện hay nói những suy nghĩ của mình. Một thí dụ thành công ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là toàn bộ các video clip về đạo Mẫu đều sử dụng những lời nói trực tiếp của những người trong cuộc. Những video clip này rất ngắn, chỉ khoảng 3 - 4 phút. Cán bộ bảo tàng đến tận nơi, gặp nhân vật để nghe và ghi hình họ kể lại câu chuyện. Cách làm này dễ gây xúc động hơn nhiều so với nghe các giọng đọc lời bình chuyên nghiệp.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, hiện vật trưng bày không nhất thiết là những cổ vật có giá trị.
Học cách làm của siêu thị, nhà hàng
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, các bảo tàng có được thành công một phần cũng nhờ nhận thức rõ về việc thiết kế trưng bày với tư duy mới. Công việc này vừa là khoa học vừa là nghệ thuât. Xây dựng lộ trình cho khách tham quan phải khoa học, hợp lý, có kết cấu, nhịp điệu, điểm nhấn... Vấn đề đồ họa trong trưng bày phải thể hiện được bản sắc riêng của bảo tàng. Đồ họa cho hệ thống pa-nô, bài viết đều có quy chuẩn và nguyên tắc rõ ràng với các cấp độ khác nhau, quy định chặt chẽ từ về cỡ chữ cho tiêu đề, bài viết, kích cỡ ảnh cho đến mầu sắc.
Bên cạnh đó là vai trò của hệ thống chiếu sáng. Ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cơ bản sử dụng đèn chiếu rọi, ở trên trần đều lắp đặt hệ thống thanh ray để chiếu đèn làm nổi bật hiện vật qua các tủ kính nhằm kích thích thị giác của người xem. Về chiếu sáng, các bảo tàng nên học ở các nhà hàng, siêu thị, trung tâm plaza. Ở đó nghệ thuật chiếu sáng rất cập nhật với thời đại. Đừng để bảo tàng lỗi nhịp với thành tựu công nghệ hiện đại.
Việc trưng bày cái gì, hiện vật đặt ở đâu, đặt thế nào, thông tin minh họa ra sao... đều thiết kế và thực hiện một cách nghiêm túc. Thực tế chỉ riêng cỡ chữ to hay nhỏ hoặc màu sắc của chữ trên nền màu cũng ảnh hưởng tới hiệu quả về thị giác.
Hoa Lê

Bình luận(0)