Ở làng Nhồi (tên gọi cũ) nay là phố Nam Sơn (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có một khu lăng mộ cổ bằng đá, được xây dựng cách ngày nay khoảng 200 năm. Khu lăng mộ được vua Khải Định cho xây dựng để thờ Quận công Lê Trung Nghĩa, người có nhiều công trạng đối với đất nước.
Khao dân làng chạch đồng vàng ươm
Để tìm hiểu về nguồn gốc khu lăng mộ của hoạn quan Lê Trung Nghĩa, chúng tôi tìm gặp cụ Lê Đình Thìn 70 tuổi – hậu duệ của cụ Lê Trung Nghĩa. Cụ Thìn, hiện sống trên mảnh đất xưa kia cụ Nghĩa sinh ra và lớn lên.
Ngược dòng thời gian, cụ Thìn nhớ lại: “Tôi được các cụ cao niên trong dòng họ kể nhiều chuyện về cụ Nghĩa. Xưa kia, theo tục lệ ở làng trong gia tộc dòng họ phân công mỗi năm, một gia đình phải nấu một nồi chè để mời dân làng ăn. Tục lệ đó có từ lâu đời. Các dòng họ trong làng cứ thế mà luân phiên thay nhau thực hiện. Năm đó, đến lượt gia đình cụ Nghĩa phải ra đình nấu chè đãi dân làng. Từ chiều hôm trước cụ đã thay mặt gia đình nhận nồi về nhà để chuẩn bị nấu chè, nhưng do gia cảnh nghèo khó quá, không có tiền mua gạo nấu. Cụ đánh liều không nấu chè cho dân làng mà mang chiếc nồi đi cầm cố, lấy tiền thi cử”.
|
Bàn thờ khu mộ không còn được như xưa. |
Khi cụ Nghĩa vác chiếc nồi đến chợ Quán Cháo (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) cụ vào quán nhỏ bên đường, đói khát quá cụ nói với chủ quán cầm cố chiếc nồi này để lấy tiền ăn học. Cảm động trước việc cậu học trò nghèo có ý chí học hành thi cử, chủ quán đã cho cậu ở lại ăn ở để học hành. Thời gian sau, Lê Trung Nghĩa ra Quốc tử Giám đi thi. Cụ vượt qua rất nhiều kỳ thi và đỗ học vị tiến sĩ. Không phụ lòng yêu quý của người chủ quán năm xưa cưu mang mình, Lê Trung Nghĩa đã về tạ ơn ông. Sau đó, người chủ quán gả cô con gái xinh đẹp cho ông và trả lại chiếc nồi đã giữ trước đây.
Cụ Thìn kể, lúc bấy giờ triều đình thông báo về làng cụ Nghĩa đỗ tiến sĩ, chuẩn bị về kinh đô làm quan. Người dân nơi đây bảo, đất sỏi đâu có chạch vàng, cậu học trò nghèo, bao nhiêu năm bỏ đi xa xứ làm sao có thể đỗ đạt cao như thế. Nhưng khi thấy quan quân triều đình về hạ chỉ của nhà vua thì ai nấy cũng phải bái phục. Sau đó, cụ Nghĩa đã làm cỗ khao dân làng ăn uống. Cụ cho người săn tìm hàng yến chạch đồng vàng ươm về nấu cho mọi người ăn.
|
Trong lăng mộ có rất nhiều tượng được khắc bằng đá. |
Thánh chỉ ban xây lăng mộ cho hoạn quan
Theo cụ Thìn, có sử sách ghi cụ làm quan thái giám trong triều, là bậc thân tín tin cậy của nhà vua. Vì thế, công việc gì cụ cũng được nhà vua trao đổi trước khi quyết định. Có sách chép lại vào năm 1786, vua Lê Chiêu Thống và chúa Trịnh Bồng đã xảy ra xung khắc với nhau. Vua Lê Chiêu Thống đã sai tướng Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An kéo quân ra hộ giá. Lúc này, Lê Trung Nghĩa đang làm trấn thủ tại Thanh Hóa được giao nhiệm vụ đem quân chặn đánh Nguyễn Hữu Chỉnh ở địa phận huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Cụ Lê Trung Nghĩa bại trận và bị giết chết. Tuy nhiên, đến nay chưa ai biết chính xác cụ mất ở đâu.
“Vua Khải định sau này nhiếp chính, biết cụ Lê Trung Nghĩa có nhiều công trạng phò vua giúp nước khi xưa. Vì thế, đã tặng sắc phong cho cho cụ Nghĩa, ghi nhận công lao đó. Đây là sắc phong cuối cùng của các triều đình phong kiến Việt Nam ban cho cụ Nghĩa. Tính tổng thể, cụ Nghĩa có tới 10 sắc phong được vua ban tặng. Sau đó, vua Khải Định ra thánh chỉ ban cho dòng họ Lê Trung 6 ha đất, cho hàng trăm quan tiền để xây dựng cho cụ Nghĩa một khu lăng mộ kiến trúc bằng đá. Nơi đây là nơi mọi người thờ tự cụ”, cụ Thìn cho biết.
|
Cây cỏ mọc um tùm trong lăng mộ. |
Cả làng làm lăng mộ
Ông Lê Đình Nhung (68 tuổi), được dòng tộc giao trọng trách trông nom khu lăng mộ cho biết: Xưa kia, vua Khải Định chọn những người giỏi trong ngành kiến trúc về thiết kế lăng mộ cho cụ Nghĩa. Lăng mộ được thiết kế có quy mô lớn, trong khu mộ không chỉ có đá mà còn có rất nhiều đồ vật bằng đồng quý giá, chỉ tiếc rằng lợi dụng quản lý lơi lỏng, kẻ xấu đã đến lấy đi. Hiện trong lăng mộ chỉ còn 4 văn bia được viết bằng chữ Hán, ghi trích lục đất của 4 làng, tổng cộng là 6 ha. Hằng năm, người dân của 4 làng này phải trích một phần hoa lợi diện tích đất đó lấy tiền trang trải, hương hỏa khu lăng mộ.
Ông Nhung bảo, trước đây trong lăng có hàng trăm pho tượng, nhưng do bom đạn và con người tàn phá, đến nay chỉ còn số lượng ít. Từ xưa, mọi người khắp nơi về thăm khu lăng mộ của cụ Lê Trung Nghĩa đều tấm tắc khen ngợi sự tài hoa của các nghệ nhân nơi đây. Đến thợ đá ở cố đô Hoa Lư khi vào thăm lăng cũng phải thốt lên rằng: “Thợ đá làng Nhồi thật tài hoa, chúng tôi không thể làm khu lăng mộ bằng đá như thế này được”.
|
Hiện cụ Thìn vẫn còn giữ nhiều sắc phong vua ban cho cụ Lê Trung Nghĩa. |
Để làm được khu lăng mộ này, người dân làng Nhồi đều phải bắt tay vào làm. Mọi công việc đều làm bằng thủ công, từ việc lên núi xẻ đá, tập kết đá về khu mộ đến tạc tạo nên pho tượng đều làm bằng đôi tay. “Tôi được các cụ kể, khi đó trong làng phải tuyển những thợ có tay nghề cao mới được làm lăng. Người thợ chỉ có duy nhất chiếc đục, đục từng khối đá để tạo các hình thù trong khu mộ. Đến mức, khi muốn cho hai mặt đá được nhẵn nhụi, người thợ không có cách gì khác ngoài cho hai hòn đá áp mặt vào nhau, ở giữa cho nước và cát vào để mài cho mặt đá nhẵn thì thôi”, ông Nhung kể.
Người thợ đá làng Nhồi nức tiếng gần xa, không chỉ vì sự miệt mài, chịu thương chịu khó, mà còn bởi sự điêu luyện trong từng đường tạo hình các pho tượng. Đến những văn bia ghi chép trích lục đất cũng được các thợ đá nơi đây khắc bằng tay trên khối đá. Tuy nhiên, nhìn những chú voi, ngựa cùng quân binh được thợ đá khi xưa tạo ra mà ông Nhung xót xa: “Các pho tượng trong lăng mộ xuống cấp hết rồi, nhiều năm nay lăng mộ ít được chính quyền quan tâm, nên khi xuống cấp cũng không được tu bổ. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm cai quản, không có tiền tu bổ”.
Theo các cụ cao niên nơi đây, nhờ khu lăng mộ của cụ Lê Trung Nghĩa mà dân làng tránh được nhiều bom đạn của đế quốc Mỹ. Trong chiến tranh, quân Mỹ thả nhiều bom đạn hủy hoại dân làng, nhưng may mắn nó thường chệch ra ngoài đồng. Vì thế, giảm nhiều thiệt hại cho người dân. Người trong dòng họ Lê Đình, dù số lượng tham gia nhập ngũ trong chiến tranh nhiều nhất làng, nhưng họ đều lành lặn trở về nhà.