Giải mã số phận “long đong” của chùa Một Cột

Google News

Lần giở trang sử cũ mới thấy số phận của ngôi chùa có kiến trúc độc đáo - biểu tượng văn hóa của Hà Nội, từng trải qua nhiều biến cố.

Trong buổi trao đổi về Dự án tu bổ tôn tạo quần thể di tích chùa Diên Hựu - Một Cột, GS Phan Khanh tiết lộ: “Chùa Một Cột từng đứng trước nguy cơ xóa sổ”. Lần giở trang sử cũ mới thấy số phận của ngôi chùa có kiến trúc độc đáo - biểu tượng văn hóa của Hà Nội, từng trải qua nhiều biến cố.

 Chùa Một Cột trên bưu thiếp.

Sự độc đáo của kiến trúc Chùa Một Cột là một lầu gỗ hình vuông đặt trên một cột đá trồng giữa một hồ nước. Lầu được củng cố bằng một hệ thống con sơn sóc nách bằng gỗ. Tất cả tượng hình cho một bông sen vươn lên khỏi mặt nước, do đó mà có tên là Liên Hoa Ðài.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn ghi vào tháng 10 năm Kỷ Sửu- 1049, vua Lý Thái Tông cho dựng chùa Diên Hựu ở vườn Tây cấm (bên phía Tây cấm thành Thăng Long). Năm 1105 vua Lý Nhân Tông cho sửa sang, tô điểm Liên Hoa Ðài, đào thêm hồ, xây tháp báu ở phía trước.

Như vậy, quần thể di tích thường được gọi tắt là chùa Một Cột phải gọi đầy đủ là chùa Diên Hựu – Một Cột (Liên Hoa Đài – tức “hoa sen nghìn cánh nở trên cột đá”).

Hình ảnh “tượng Phật đội nón tránh mưa” được các phóng viên ghi lại là ở chùa Diên Hựu, chứ không phải chùa Một Cột như một số báo đã lầm tưởng.

Những năm 1840 – 1850, Kinh lược Hoàng Cao Khải trong đợt tu bổ cổ tích thay cầu thang bằng gỗ lên Liên Hoa Đài bằng gạch. Ðến năm 1923, chùa Một Cột được trường Viễn Ðông Bác Cổ xây cất lại và xây bao lan bọc quanh 4 phía hồ. Nha bưu điện Đông Dương nhiều lần phát hành tem có hình chùa Một Cột. Hình ảnh ngôi chùa “hoa sen nghìn cánh” được truyền đi khắp thế giới.

Thật trớ trêu, “tháng 9/1954, đúng ngày rằm tháng 3 khi người Pháp sửa soạn rút quân khỏi Hà Nội, có kẻ lạ mặt đặt thuốc nổ phá hủy chùa Một Cột. Liên Hoa Đài bị phá hủy từ mặt sàn trở lên” GS. Phan Khanh cho biết.

Sau khi tiếp quản Hà Nội, chính quyền quyết định phục hồi chùa. GS Nguyễn Bá Lăng người của Sở Bảo tồn Cổ tích được giao nhiệm vụ nghiên cứu họa đồ và điều khiển công trường. Chùa Một Cột như chúng ta thấy hôm nay, được dựng lại vào năm 1955.

Tới năm 1962, nhà nước công nhận chùa Một Cột cùng chùa Diên Hựu là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên. Năm 2006, chùa được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam. Năm 2012, tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất.

Tháng 4/2013, Đại đức Thích Tâm Kiên có “tối hậu thư” gửi lãnh đạo UBND quận Ba Đình (Hà Nội) về sự xuống cấp của chùa Diên Hựu – Một Cột. Ngay từ năm 2011, dự án trị giá 31 tỷ đồng đã được lập mà theo dự kiến “triển khai năm 2012, hoàn thành vào quý I năm 2013”. Nay đã là quý II năm 2013, việc tu bổ, tôn tạo quần thể di tích này vẫn phải chờ.

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

TIN BÀI LIÊN QUAN


Theo Tiền Phong

Bình luận(0)