Di tích cố đô Huế sẽ biến mất sau 2.000 năm?

Google News

Một dự án nghiên cứu vừa công bố cho biết 136/720 di tích văn hóa trên thế giới “có thể sẽ biến mất sau 2.000 năm do mực nước biển dâng”.

Trong đó có quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận tháng 12/1993.
Theo báo Anh Guardian, nghiên cứu dựa trên mô hình khí hậu cho thấy các di tích văn hóa ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhiều nhất do mực nước biển dâng. Ngoài ra, các địa danh văn hóa nổi tiếng khác trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng như tượng Nữ thần Tự do (New York, Mỹ), tháp London (Anh) và nhà hát Opera Sydney (Úc).
 Quần thể di tích cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận di tích văn hóa tháng 12/1993. Ảnh: ibtimes.com.
Báo cáo cho biết khi nhiệt độ trái đất tăng thêm khoảng 3 độ C làm băng ở hòn đảo viễn Bắc Greenland và Nam cực tan chảy nhanh dẫn đến mực nước biển dâng tương ứng khoảng 7m trong vòng hai thiên niên kỷ sắp tới thì có thể “hủy hoại” các di sản thế giới trên, trang ibtimes.com trích đăng.
 Tượng Nữ thần Tự do (New York, Mỹ). Ảnh: ibtimes.com.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khí hậu học tại ĐH Innsbruck (Áo) và Viện nghiên cứu những tác động do biến đổi khí hậu Potsdam (Đức) và mới được công bố ngày 4-3 trên tạp chí Nghiên cứu môi trường Environmental Research Letters.
“Con người thường nghĩ về những tác hại về môi trường, hệ sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra. Do đó, nghiên cứu này mở ra góc nhìn mới về những tác động của biến đổi khí hậu đến các di tích văn hóa, lịch sử và sẽ không quá muộn nếu chúng ta có kế hoạch bảo tồn những di tích này”, nhà khí hậu học Ben Marzeion - tác giả chính của nghiên cứu, làm việc tại ĐH Innsbruck - nói.
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(0)