Bùng nổ chiến tranh tiền tệ trên toàn cầu?

Google News

2013 có thể là 1 năm đầy khó khăn và thử thách. Cuộc đua đang diễn ra trong khi các nước đều muốn tác động tới tỷ giá hối đoái để có thể duy trì lợi thế thương mại.

Shinzo Abe – Thủ tướng sắp nhậm chức của Nhật Bản – vừa “đổ thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh căng thẳng trên thị trường tiền tệ toàn cầu đang ngày càng tăng cao khi cho rằng Nhật Bản phải tự phòng vệ trước nỗ lực giảm giá đồng nội tệ của các chính phủ khác.

Hôm qua (23/12), ông Abe vừa kêu gọi NHTW Nhật Bản hãy đứng lên chống lại các động thái hạ giá đồng nội tệ gần đây của Mỹ và châu Âu. “Các NHTW trên khắp thế giới đều đang in tiền để hỗ trợ nền kinh tế cũng như xuất khẩu. Trong đó, Mỹ là nước đi đầu”, ông Abe nói. Gần đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bơm tiền ồ ạt vào thị trường thông qua động thái mua vào lượng lớn trái phiếu kho bạc cũng như các tài sản khác. Do đó, đồng yên tăng giá là điều chắc chắn sẽ xảy ra và không thể tránh khỏi.

Trước đó, thống đốc NHTW Anh Mervyn King đã cho rằng 2013 có thể là 1 năm đầy khó khăn và thử thách. Cuộc đua đang diễn ra trong khi các nước đều muốn tác động tới tỷ giá hối đoái để có thể duy trì lợi thế thương mại.

Cả ông Abe và King đều bày tỏ lo ngại về việc phạm vi tiền tệ bị bóp méo đang ngày càng lan rộng ra trên toàn cầu. Trung Quốc – nước đã luôn cố gắng giữ đồng nhân dân tệ ở mức thấp so với đồng USD nhằm tăng cường xuất khẩu – từ lâu nay đã trở thành mục tiêu công kích của dư luận toàn cầu.

 Chiến tranh tiền tệ toàn cầu bùng nổ?

Tuy nhiên, kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra, nhiều nước khác (như Thụy Sĩ, Israel và Hàn Quốc) cũng đã nỗ lực ngăn không cho đồng nội tệ tăng giá quá nhanh vì lo ngại nguy cơ mất đi lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Áp lực cũng đang đè nặng lên các nhà hoạch định chính Australia.

Theo số liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lượng dự trữ ngoại hối của các NHTW trên toàn cầu đã tăng từ 6.7000 tỷ USD trong năm 2007 lên 10,5 nghìn tỷ USD vào giữa năm 2012 – tăng 57% trong vòng chưa đến 5 năm. Trong đó, Thụy Sĩ là nước ghi nhận mức tăng mạnh nhất. Đây chính là dấu hiệu cho thấy các NHTW trên toàn thế giới đang tích cực dự trữ ngoại tệ để ngăn chặn xu hướng tăng giá của đồng nội tệ.

Thực chất, nước Mỹ không hề tìm kiếm 1 đồng USD yếu. Các gói nới lỏng định lượng của Fed có tác dụng phụ là đồng USD bị giảm giá do lượng cung trên thị trường toàn cầu tăng lên. Tuy nhiên, trong những năm qua, gần như đồng bạc xanh không thay đổi. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư đổ nhiều tiền vào trái phiếu kho bạc và coi đây là 1 bến đỗ an toàn.

Chính sách lãi suất siêu thấp cùng với các gói nới lỏng định lượng như Fed đang thực hiện là một trong những nguyên nhân khiến đồng nội tệ giảm giá. Tuy nhiên, một số nước lại dùng cách khác : can thiệp vào tỷ giá bằng cách bán ra nội tệ và mua vào ngoại tệ. Trong tháng 11 vừa qua, NHTW Hàn Quốc đã bán ra đồng won và mua vào ít nhất là 1 tỷ USD trên thị trường tiền tệ để ngăn chặn đà tăng giá của đồng won. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp trên thị trường tiền tệ chỉ mang lại những hiệu ứng nhất định và thường vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước khác.

Trong khi đó, Edwin Truman, chuyên gia kinh tế đến từ Viện nghiên cứu Peterson, lại cảnh báo rằng những động thái này có thể khiến sự ổn định của các đồng tiền bị lung lay nếu như mọi thứ đi quá xa. Hơn nữa, hạ giá đồng nội tệ quá nhiều cũng khiến chiến tranh thương mại bùng nổ.

Chiến tranh thương mại (trong đó các nước hạn chế xuất khẩu từ nước khác) là chính sách đã được áp dụng phổ biến trong những năm 1930 và khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị hạn chế.

Theo TTVN

Bình luận(0)