Giấy tái chế chứa chất tăng trắng cao

Google News

(Kiến Thức) - Thử nghiệm ngẫu nhiên trên 10 loại giấy ăn, vệ sinh tái chế lưu hành trên thị trường cho thấy: hầu hết những mẫu này đều chứa chất tăng trắng huỳnh quang.  

9/10 mẫu chứa chất huỳnh quang
Theo khảo sát nhỏ của phóng viên, giấy tái chế hiện đang là bài toán nan giải trong việc sử dụng nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Loại giấy này chiếm phần lớn thị phần giấy ăn tại các cửa hàng ăn, đặc biệt là những quán vỉa hè bởi giá thành rẻ, tiện dụng do đã cắt xếp, giao hàng đến tận nơi... Bên cạnh đó, tại các nhà vệ sinh công cộng, giấy tái chế cũng chiếm phần lớn. Dù muốn hay không, hầu hết người dân đều phải sử dụng loại giấy này khi vào các cửa hàng ăn uống, nhà vệ sinh... 
Ngoài ra, cũng vì yếu tố giá thành rẻ nên nhiều hộ gia đình, sinh viên, công sở hướng đến sử dụng giấy tái chế trong cuộc sống. Thậm chí, chỉ với một cuộn giấy tái chế nhưng được sử dụng vào nhiều mục đích cùng lúc như làm giấy ăn, gói đồ ăn, lau đồ dùng, vệ sinh... 
Bà Nguyễn Thị Minh Phương (ngõ 105, Trương Định, Hà Nội) cho biết, nhà bà mua giấy vệ sinh dạng tờ vuông với giá khoảng 4.000 tập (gói). Vì dạng vuông nên có thể sử dụng cho các mục đích mà vẫn... lịch sự. Bởi làm giấy ăn cũng phù hợp, giấy vệ sinh cũng tiện lợi.
 
Trước thực tế đó, một lần nữa phóng viên đã thử nghiệm về giấy chứa chất tăng trắng huỳnh quang nhằm cảnh báo người tiêu dùng. Để làm rõ, chúng tôi lấy 10 mẫu giấy ăn, giấy vệ sinh tái chế được đóng gói trong bao nilon không nhãn mác và giấy ăn tại một số cửa hàng ăn uống. Sau khi soi dưới đèn tia cực tím, kết quả cho thấy, có 9 trong 10 mẫu cho ánh sáng xanh. Điều này phản ánh có chứa chất huỳnh quang tăng trắng. Một mẫu giấy ăn không đổi màu. 
Bắt nguồn từ hóa chất của giấy in  
Theo TS Đặng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo, bản chất giấy tái chế là sử dụng giấy đã thải loại để chế biến lại thành giấy đưa vào mục đích sử dụng như vệ sinh, giấy ăn. Trong đó, giấy văn phòng chiếm tỷ lệ cao. Trên thực tế, các loại giấy văn phòng hiện nay sau khi sử dụng chứa rất nhiều hóa chất độc hại. Có thể "điểm danh" các chất đó như kim loại nặng với chì, asen... có trong mực in. Các chất tẩy trắng, tăng trắng của giấy nguyên bản như photocopy, in... cũng đã có hàm lượng cao.
Lấy ví dụ, giấy photocopy nhập ngoại hiện nay chủ yếu có độ trắng cao từ 92 - 96. Với mức này, chắc chắn các nhà sản xuất phải sử dụng nhiều chất huỳnh quang tăng trắng. Khi người dân thải loại giấy này ra, người thu mua nhập lại, đưa về xưởng chế biến. "Công nghệ chế biến lạc hậu, sơ sài, không chú trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng nên các loại hóa chất này không được loại bỏ hoặc loại bỏ không triệt để. Vì thế, trong giấy tái chế hẳn nhiên vẫn còn hóa chất, đặc biệt là chất tăng trắng huỳnh quang", TS Đặng Sơn cho hay. 

Nhiều hộ gia đình sử dụng giấy tái chế trong sinh hoạt. 
Ở khía cạnh khác, chất tăng trắng huỳnh quang được đưa vào ngay trong quá trình tái chế. Nguyên nhân đưa vào nhằm mục đích "che dấu" sự kém chất lượng của giấy, làm tăng độ trắng sáng để đánh lừa người tiêu dùng. 
KS Lương Thị Hồng, Trưởng phòng Phân tích và Kiểm định chất lượng sản phẩm, Công ty TNHH Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo cũng cho hay, khăn giấy (giấy ăn) được xếp vào loại giấy tiếp xúc với thực phẩm ở giai đoạn ngắn. Bởi giấy này ngoài việc dùng để lau miệng còn được gói, bọc thức ăn... Đối với giấy tái chế, không chỉ ảnh hưởng bởi chất tăng trắng mà còn dư lượng các chất độc khác hoặc không đảm bảo về vi sinh. Vì thế, khó tránh được nguy cơ ảnh hưởng đến người sử dụng. 
Một mẫu giấy tái chế sáng xanh gây loá dưới ánh đèn tia cực tím. Theo khảo sát của phóng viên, chất tăng trắng được dùng cho giấy in, giấy viết, giấy photocopy và giấy vệ sinh. Có nhiều dạng như bột ánh tím, nước trung tính, bột trung tính... Các chất này được sử dụng trong quá trình phần ướt, ép keo và tráng phủ. Theo các tài liệu của ông Đỗ Ngọc Chính, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, khi hấp thụ  chất tăng trắng huỳnh quang tinopal có thể làm tổn thương mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. 
Hiền Dung

Bình luận(0)