Đại biểu Quốc hội: Thận trọng trước khi thông qua Luật Đất đai

Google News

Các đại biểu cho rằng, còn có các phương án khác nhau, chưa thống nhất nên cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua Dự án luật Đất đai.

Thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua
Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Góp ý tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) cho biết, Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước.
Dai bieu Quoc hoi: Than trong truoc khi thong qua Luat Dat dai
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng).
Đại biểu đề nghị cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của luật Đất đai, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại, từ yêu cầu mới của thực tiễn.
Cụ thể, khoản 2, 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể, xong trên thực tế, vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, cách áp dụng khác nhau. Kỳ họp lần này dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đại biểu cho rằng cần rà soát để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột. 
Ngoài ra, khoản 5 Điều 65 của dự thảo luật quy định: Thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Trường hợp quy hoạch đô thị được phê duyệt sau khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì không phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà chỉ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị cho thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch đô thị ở các thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tại các kỳ họp trước. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật trình tại kỳ họp lần này, đại biểu thấy còn nhiều nội dung nhiều phương án khác nhau chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Do đó, kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật này.
Thận trọng, song cần thông qua kịp thời
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho biết, qua dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cho thấy UBTVQH và Chính phủ đã tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu tối đa, có giải trình ý kiến của ĐBQH, nhất là nêu được rõ nhiều vấn đề và cũng giải trình được nhiều vấn đề đã nêu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình tại Kỳ họp này.
Dai bieu Quoc hoi: Than trong truoc khi thong qua Luat Dat dai-Hinh-2
 Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang).
Với tính chất của luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nội dung có liên quan chặt chẽ với nhiều luật khác trình thông qua tại Kỳ họp này như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
"Do vậy, tôi cho rằng dự thảo luật cần được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Song cũng rất cần phải được xem xét thông qua kịp thời để đảm bảo hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai cũng như các lĩnh vực có liên quan và nhất là đáp ứng được yêu cầu rất cấp thiết của thực tiễn", đại biểu Hà nêu ý kiến.
Cùng quan điểm với đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luật một cách thận trọng song cũng phải hết sức khẩn trương để giải quyết càng sớm càng tốt những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra bởi những bất cập của Luật Đất đai hiện hành.
Đồng thời tránh những khó khăn phát sinh do tâm lý chờ đợi Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành bảo đảm đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật liên quan. 
Nêu vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn đòi hỏi cần được giải quyết triệt để hơn thông qua việc sửa luật lần này, đại biểu đề nghị tại Điều 79 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn việc liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể sẽ chưa bao quát hết.
Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Vì vậy, đại biểu đề xuất với Quốc hội xem xét chỉnh sửa, bổ sung điều chỉnh các điều khoản liên quan trong dự thảo luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nói về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6:
 Video do PV Tr i thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)