Nỗi khổ người đàn bà bị lợn rừng cắn cụt hai tay

Google News

Lên 6 tuổi, bà Nhàng vào rừng chăn trâu đã bị lợn rừng cắn cụt hai cánh tay khiến cho cuộc sống hơn 40 năm qua của bà trăm bề khổ sở.

- Đó là hoàn cảnh thương tâm của bà Triệu Thị Nhàng (sinh năm 1964, người dân tộc Dao) ở xóm Tân Lập, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Lên 6 tuổi, bà Nhàng vào rừng chăn trâu đã bị lợn rừng cắn đứt hai cánh tay khiến cho cuộc sống hơn 40 năm qua của người phụ nữ này trăm bề khổ sở.

Kẹp dao vảo cổ kiếm củi

Để đến được nhà bà Nhàng, chúng tôi phải đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ đường rừng, băng qua nhiều ngọn núi, dốc đứng. Ngôi nhà của bà làm bằng  những tấm gỗ tạp, từng mảnh ghép lại với nhau, nằm heo hút giữa bạt ngàn núi rừng.

Trong căn nhà lụp xụp, ẩm thấp, bà Nhàng kể lại những bất hạnh của cuộc đời: “6 tuổi, tôi đi chăn trâu ở trong rừng, bỗng nghe một tiếng súng nổ, rồi từ bụi cây có một con vật gì đó trên người đầy máu đang lao đến chỗ tôi. Con vật lông đen, to gấp đôi cái cối giã gạo ở nhà tôi, lớn lên tôi mới nghe mọi người gọi là lợn rừng. Sau khi bị một phát bắn nữa, nó lao như điên đến người tôi cắn đứt 2 tay”.

Cháu ngoại của bà vạch chiếc áo màu đục bà đang mặc để lộ 2 cánh tay bị cụt. Cánh tay phải của bà chỉ còn chừng 20 cm, phía trên thịt xoắn lại như con ốc vặn và thâm đen. Bên trái bị mất đến bả vai, giờ chỉ còn là một cục thịt nhô ra teo tóp.

v
Cánh tay phải của bà Nhàng còn một đoạn ngắn.

Bà Nhàng nói: “Ngày trước, đã có lúc tôi không còn muốn sống vì không có tay đi lại khó khăn lắm, cơ thể mất thăng bằng, tôi bị ngã lên ngã xuống.

Rồi cũng thành quen, cái khó ló cái khôn chú à, không có tay nhưng tôi có thể giặt được quần áo, lấy củi, nấu cơm, thái rau cho lợn bằng… đôi chân”.

Khi giặt quần áo đôi chân to xù xì của bà Nhàng khá thành thục, dùng ngón chân kẹp lấy gáo múc từng gáo nước đổ vào chậu thau, bà ngồi xuống dùng hai chân để cọ quần áo vào nhau.
 
v
Bà Nhàng dùng chân để giặt quần áo.

Vừa ngồi giặt quần áo bà Nhàng kể: “Khó khăn nhất là công việc đi lấy củi, tôi phải kẹp chặt phần vai vào cổ để giữ con dao, mỏi cổ lắm, mỗi lần đi lấy chỉ được mấy cành nhỏ bằng ngón tay cái thôi”.

Con gái biệt tích, lại nuôi cháu ngoại


“Tôi lấy chồng từ năm 25 tuổi, lấy nhau được hai mặt con, nhưng suốt ngày suốt đêm chồng làm bạn với rượu, không chịu làm ăn, lúc say còn đánh tôi tím tái hết người. Ông ấy chết được 2 năm rồi!

Tôi có người con gái lớn là Triệu Thị Cầu (sinh năm 1993) lấy người ở bản bên và đã có cháu Triệu Minh An (sinh năm 2008), nhưng khổ quá, trông mặt chồng nó hiền lành mà cứ suốt ngày uống rượu rồi đánh đập con bé, lại hay đi lang thang không ở nhà. Không chịu được cảnh hành xác dã man của chồng, hai đứa bỏ nhau rồi. Ở nơi rừng thiêng nước độc này, không sống nổi với cây ngô, cây sắn nên nó gửi con cho tôi rồi biệt tích đi đâu không về”, giọng bà Nhàng nghẹn lại.
 
v
Bà Nhàng dùng đoạn tay cụt nâng siêu nước.
Bà Nhàng nói tiếp: “Ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này, điện không có, thiếu thốn trăm bề, quanh năm chỉ trông chờ vào cái bắp, củ khoai, cả năm chỉ cấy được một vụ bởi không có nước, tôi không có tay, lắm lúc không có gì mà ăn.

Mỗi tháng nhà nước cho 360 nghìn đồng tiền trợ cấp, đủ mua 25 kg gạo, không có tiền mua thức ăn nên tôi thường phải đi hái rau rừng về ăn. Quanh năm suốt tháng chỉ ăn cơm độn ngô. Tôi thì chẳng sao, khổ nỗi thương cháu An. Mẹ nó để lại con cho tôi, bỏ đi từ tháng 4, bặt vô âm tín, tiền cũng không gửi về, tôi biết sống sao đây”.
 
v
Bữa ăn của bà Nhàng và cháu ngoại.

Ông Trần Hữu Cao, Trưởng xóm Tân Lập, xã Sảng Mộc cho biết: “Gia đình bà Triệu Thị Nhàng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bà Nhàng bị lợn rừng cắn cụt cả hai tay từ năm 6 tuổi. Hiện tại bà phải nuôi thêm một đứa cháu nhỏ, con của cô con gái cả. Còn người con thứ hai là Triệu Thị Liêu (sinh năm 1995) nhưng cũng đi lấy chồng, thi thoảng mới về thăm, cuộc sống cũng khó khăn nên không giúp gì được cho mẹ”.
 
Chúng tôi bước chân ra về, bà Nhàng nói với theo: “Các chú đi có thấy cái Cầu bảo nó về với tôi nhé”. Tôi ngoảnh lại cũng đánh liều hứa với bà mà trong đầu chưa biết nên làm thế nào...
 

Mọi hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:

1.  Bà Triệu Thị Nhàng, xóm Tân Lập, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

2. Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức

Địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.

Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức

Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển đến tận tay.

Trân trọng!


Đình Hường - Văn Mạnh - Việt Đức
 

Bình luận(0)