Cha tật nguyền, con nhỏ ăn rau sống để tồn tại

Google News

(Kiến Thức)-“Nó kia kìa, thằng Thành con ông Lương tật đấy. Nó nhìn nhát như cáy mà ngoan ngoãn, học giỏi. Từ ngày mẹ nó bị lừa bán sang Trung Quốc, nó côi cút chăm sóc bố bệnh tật. Có ai được như nó đâu!”.

Đó là lời bà con hàng xóm khen ngợi cậu bé Đinh Xuân Thành (9 tuổi) chăm người cha tật nguyền của mình tại xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội.

Cảnh nhà vắng lạnh

Cha Thành là anh Đinh Xuân Lương, 40 tuổi, bị tật nguyền từ khi còn nhỏ. Suốt hơn ba mươi năm qua, thương tật do tai biến mạch máu não đã để lại trong anh những biến dạng cơ thể và mất khả năng làm việc. Ngỡ tưởng suốt đời anh sẽ phải ở với mẹ già nhưng cơ duyên đã đưa chị  Phạm Thị Hải - người cùng thôn trở thành vợ anh Lương.

Bố Thành bị tật nguyền, hai tay lúc nào cũng co quắp. Hàng ngày Thành vẫn đỡ bố tập đi lại.

Bố Thành bị tật nguyền, hai tay lúc nào cũng co quắp. Hàng ngày Thành vẫn đỡ bố tập đi lại.


Nắng ấm, bố Thành vẫn tự giặt những đồ nhỏ, mỏng đỡ cho con trai.

Nắng ấm, bố Thành vẫn tự giặt những đồ nhỏ, mỏng đỡ cho con trai.

Bà Nguyễn Thị Hằng - Cán bộ Ban chấp hành Hội người khuyết tật huyện Đông Anh cho biết: “Anh Lương là một trong những hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhất của Hội người khuyết tật huyện Đông Anh. Bị tật cả chân lẫn tay nhưng anh vẫn cố gắng để chăm sóc cho con trai. Cuộc sống của hai bố con giờ rất khó khăn, bố tàn tật không làm được gì, con trai thì còn nhỏ. Điều chúng tôi lo nhất là cuộc sống sau này của cháu, bố cháu thì thế... Bây giờ cuộc sống của hai bố con chỉ nhờ vả vào ông bà nội trong khi ông bà đã già lại khó khăn, bệnh tật luôn". 
Anh Lương chia sẻ: “Ngày ấy, tôi và Hải yêu nhau. Ai trong làng cũng nói tôi “vớ được vàng”. Tôi cũng lấy làm hạnh phúc lắm khi ông trời ban cho mình may mắn đó. Năm 1999  chúng tôi có tổ chức đám cưới để cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
 
Lấy nhau rồi, mọi việc trong gia đình, vợ tôi đều lo toan, gánh vác hết. Tôi cũng giận bản thân mình nhiều lắm vì không giúp được gì, nhất là nhìn cảnh vợ tôi mang bầu bụng to vượt mặt vẫn giã gạch vồ, vẫn đạp xe chạy chợ,… không ca thán câu gì. Có lúc tủi thân, tôi muốn chết đi rảnh nợ đời cho vợ, cho con. 

Năm 2003 vợ tôi sinh cháu Thành, tôi vui lắm. Nhưng đây cũng là lúc khó khăn nhân lên gấp bội. Bởi thế hàng ngày tôi tập tễnh lết ra chợ kiếm cơm. Nhìn thấy tôi khó nhọc, vợ tôi nói là xót lắm, cô ấy chưa nằm hết cữ đã dậy chạy chợ đi kiếm miếng cơm miếng cháo cho gia đình.
 
Đến khi cháu Thành, con trai tôi được hai tuổi, vợ tôi nghe được ở làng có người làm ăn bên Trung Quốc về khấm khá lắm. Người ấy còn về làng động viên mọi người sang đó làm công nhân cho bớt khổ. Thế rồi vợ tôi bỏ đi từ ngày ấy vẫn chưa về". 

Hai bố con tôi vẫn đợi…

Anh Lương ngậm ngùi hồi tưởng: "Tôi còn nhớ rõ lắm, hôm đó Hải vẫn đi làm đồng. Tối về cứ ôm con khư khư rồi khóc. Tôi hỏi nhất quyết không nói. Trong lòng tôi linh cảm có chuyện gì bất an. Sáng hôm sau, khi thức dậy tôi chỉ thấy mảnh giấy nhỏ: “Em đi sang Trung Quốc làm đây. Em nghe họ nói làm công nhân bên đó có nhiều tiền. Sang đó em sẽ làm rồi gửi tiền về cho hai bố con mua gạo, còn cứ ở nhà thế này thì chết đói mất…”

Thành khoe đây là chiếc áo mới duy nhất của em được các cô Hội khuyết tật tặng lấy cái đi học.

Thành khoe đây là chiếc áo mới duy nhất của em được các cô Hội khuyết tật tặng lấy cái đi học.


Sau một thời gian vợ tôi đi, chính quyền địa phương điều tra, tôi mới biết vợ mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. 

Hai cha con tôi sống lay lắt cho qua ngày. Bữa thì có cơm, có khi ăn cháo, thậm chí ăn rau sống cho qua ngày. Tay chân tôi tật nguyền, không thể chăm sóc cháu được. Khi cháu còn quá bé, mọi cái đều nhờ đến bà nội, bà ngoại và hàng xóm. Nhiều khi cháu bị ốm đau, cam sài, ghẻ lở... tôi cũng không biết phải làm sao. Thôi thì lạy ông trời, “trời sinh voi trời sinh cỏ”.

Cháu Thành nó sống lặng lẽ lắm, có lẽ do háu thiếu sự chăm sóc, yêu thương của mẹ. Cháu phải chật vật lo toan cuộc sống của hai bố con nên không còn được cái vẻ thảnh thơi như những đứa trẻ khác".

Khao khát lớn nhất của Thành là được học để sau này kiếm tiền nuôi cha và đi tìm mẹ.

Khao khát lớn nhất của Thành là được học để sau này kiếm tiền nuôi cha và đi tìm mẹ.

Giọt nước mắt của người cha cứ rớt đều xuống má: “Tôi thương cháu lắm vì cháu còn quá nhỏ để có thể tự lo toan cho cuộc sống của mình. Tôi bị bệnh này chết lúc nào cũng không biết được. Bố con tôi sống nhờ cả vào ông bà nội. Giờ ông bà cũng đã già yếu, bệnh tật, ốm đau luôn. Tôi không biết phải làm sao nữa!

Tội thân, cháu nó chăm chỉ học lắm. Cháu bảo: "Con chịu khổ cũng được, nhịn ăn cũng được nhưng bố đừng bắt con nghỉ học nhé. Sau này nếu không có điều kiện cho con học cao, con đi kiếm tiền để học cho bằng được". Cháu nó nghĩ chỉ có học sau này mới làm có tiền để chăm bố, đi tìm mẹ thôi! Mong sao mẹ cháu còn ở cõi đời này để về với cha con tôi".

Mọi hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:

Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức

Địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.

Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức

Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển đến tận tay.

Trân trọng!
 
 


Ngọc Liên- Nga Trịnh

Bình luận(0)