|
Ảnh minh họa. |
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, quá nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) sẽ gây nhiễu loạn cho cả người quản lý và giáo viên, học sinh. Tốt nhất là chỉ nên tập trung đầu tư vào 3 - 4 bộ sách thật chuẩn, thống nhất để sử dụng.
Về chương trình dứt khoát phải do Bộ GD&ĐT ban hành, soạn thảo, tổ chức theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Bắt buộc phải có một chương trình cụ thể được Bộ biên soạn theo quy trình chặt chẽ và công bố sau đó mới viết sách chứ không thể “trăm hoa đua nở”.
Về việc biên soạn sách, Bộ vẫn phải là cơ quan đứng ra tổ chức và các đơn vị trong bộ máy của Bộ cũng đăng ký với Bộ làm sách như là một tổ chức độc lập xin viết SGK theo chương trình mới. Nếu Nhà nước có hỗ trợ gì về tài chính, cơ sở vật chất thì Bộ nên phân bổ bình đẳng, công bằng. Tránh cơ chế xin - cho, để xảy ra tham nhũng thì bao nhiêu tâm huyết của các nhà giáo dục sẽ đổ xuống sông biển.
Nói nhiều bộ SGK thì không biết là bao nhiêu bộ, nên chăng xác định rõ sẽ có bao nhiêu bộ SGK. Tối đa nên là 3 - 4 bộ sách mới, đồng thời quy định ai sẽ đứng ra chọn sách. Theo kinh nghiệm của nhiều nước thì người ta quy định cụ thể, ví dụ, do tổ trưởng bộ môn với tập thể bộ môn ở trong trường cùng chọn sách; hoặc là Hội đồng chuyên môn của một trường đứng ra chọn sách; trường hợp thứ ba là Phòng GD&ĐT của một quận, huyện đứng ra tổ chức để chọn sách. Rồi phải quy định khi tổ chức kiểm tra đánh giá, thi cuối năm phải theo chương trình chứ không phải theo sách.
Chúng ta đã từng biên soạn nhiều bộ SGK và đã hình thành một quy trình chặt chẽ, có thể dựa vào đó để làm SGK mới. Khi tôi làm Bộ trưởng đã có 2 bộ sách khác nhau cho 2 môn Văn - Toán. Chính tôi là người trực tiếp đi mời các tác giả viết sách, không có đồng tiền nào của Chính phủ cho cả. Đó là năm 1988, 1989 sau đó đến 2001 thì Quốc hội hủy bỏ. Phải rút kinh nghiệm bài học trước đây đã làm, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của thế giới họ đã làm mấy thập kỷ nay rồi. Nói thế để thấy rằng chúng ta có thể làm được một bộ SGK tốt, một chương trình chuẩn, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào mà thôi.
Chúng ta không thiếu người giỏi viết sách, vấn đề là có mời được những người có trình độ tâm huyết tổ chức cho người ta tiến hành công việc. Đó là nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT. Công tác tổ chức của Bộ GD&ĐT chứ không phải chỉ là người chỉ đạo. Phải vận động, tìm người, lên kế hoạch sao cho đúng đắn. Nếu tổ chức đúng thì động viên được các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục thì sẽ thành công.
Nhà nước sẵn sàng đầu tư để có những bộ sách tốt, chuẩn, đáp ứng được yêu cầu giáo dục. Việc xã hội hóa cũng rất cần thiết để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, nâng cao nội dung và cả hình thức của các bộ SGK.