Làm sao có thể nhầm lẫn 34.000 tỷ biên tập SGK?!

Google News

(Kiến Thức) - “Sao người ta lại có thể nhầm lẫn lên tới con số 34 nghìn tỷ! Người dân thấy cực kỳ lạ! Đến những người buôn thúng bán mẹt, không có trình độ cũng bức xúc!” – ông Thanh chia sẻ.

Sự nhầm lẫn trị giá… 34 nghìn tỷ
Là một cử tri, ông nhìn nhận thế nào về phát ngôn “đá” nhau của tư lệnh và phó tư lệnh ngành giáo dục?
Tôi không thể nào hiểu nổi. Khi xây dựng một đề án, một chính sách nào đó, người ta phải có chủ trương. Không ai tự dưng bịa ra con số đó được cả. Nên nghe trả lời của Bộ trưởng tôi thấy nó không thỏa đáng. Tôi chưa thấy trách nhiệm, ý thức của một tư lệnh ngành trong việc giải quyết các vấn đề của ngành mình. Chắc chắn con số 34.000 tỷ đồng không từ trên trời rơi xuống. Một số tiền ngân sách quá lớn như vậy mà bảo chỉ là sự nhầm lẫn thì tôi cũng thấy quá khó hiểu với những người làm chính sách.
Nhưng đây đúng là sự nhầm lẫn?
Nếu dư luận không có ý kiến, báo chí không lên tiếng thì ắt hẳn là vấn đề này sẽ lại “lọt” như biết bao nhiêu dự án đề tài khác “đốt tiền ngân sách” mà chẳng ai can ngăn nổi. Hồi 1.000 năm Thăng Long, nếu không có dư luận thì mấy chục tỷ đồng cho cái cổng chào cũng đi tong. Gần đây nhất là người ta tính chuyện phá bỏ cầu Long Biên, không có dư luận thì cầu đã là đống sắt vụn rồi. Sự nhầm lẫn trị giá 34 nghìn tỷ ấy bắt đầu từ đâu, ai đã nghĩ ra con số khủng khiếp ấy? 
Ông Bùi Xuân Thanh, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. 
Đến người buôn thúng bán mẹt cũng bức xúc
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng còn điều gì “khó nói” sau việc đề xuất dự án đó?
Thực tế có những dự án người ta xin để “xà xẻo”. Chỉ cần một phần rất rất nhỏ thôi của cái dự án đó cũng xây được biết bao nhiêu nhà lầu, mua được bao nhiêu xe hơi. Vậy thì người ta cứ xin chứ, được thì sung sướng, không được thì cũng có mất gì đâu. Thêm dự án là thêm cơ hội để tham nhũng. Việc đưa ra một con số bất kỳ chả làm chết ai nên người ta cứ làm thôi!
Ông có nghĩ rằng 34 nghìn tỷ không phải là một số tiền nhỏ để mà có thể nhầm lẫn và dư luận bức xúc cũng là dễ hiểu?
Nhiều người phản ứng với việc này lắm. Dân đang mong mỏi bệnh viện rộng hơn, trường học nhiều hơn để trẻ nhỏ bớt khổ. Vậy mà người ta lại có thể nhầm lẫn lên tới con số 34 nghìn tỷ! Người dân thấy cực kỳ lạ! Đến những người buôn thúng bán mẹt, không có trình độ gì người ta cũng bức xúc với chuyện này, thì tôi không hiểu là những người có trình độ cao, họ nghĩ gì về những việc họ làm.
Là người từng tham gia đấu tranh chống tham nhũng nhiều vụ việc ở phường Nghĩa Đô, ông nhìn nhận thế nào về “tham nhũng chính sách” ở ta hiện nay?
Tự dưng không thể có con số đó được. Phải có một chủ trương chỉ đạo làm. Không ai bỗng dưng đưa ra một con số vô thưởng vô phạt đó cả. Đây chính là tham nhũng chính sách và dường như rất khó để dẹp bỏ nó.
Đó chỉ là những suy đoán, bức xúc của những người dân. Còn thực tế gần như không thể chứng minh đó là tham nhũng chính sách?
Tất nhiên. Nhưng chứng minh thế nào là việc của các cơ quan chức năng. Chỉ cần 1% của 34 nghìn tỷ cũng là khủng khiếp rồi. Khi xem trả lời của Bộ trưởng Luận, ở góc độ người dân, người quan tâm tới ngành giáo dục, tôi nghĩ đó là một hành động bao che cho cấp dưới. 

Vừa khổ dân, vừa thất thoát ngân sách
Đổi mới giáo dục đã được bàn đến nhiều, là một người có con cháu đang đi học, ông đánh giá thế nào về những đổi mới này?
Khoan hãy bàn đến việc đổi mới những cái to tát như chương trình, sách giáo khoa, đổi mới toàn diện nền giáo dục, hãy bắt đầu từ cái nhỏ nhất là xây dựng trường để giảm tải, xây thêm để bệnh viện đỡ khổ. Chứ đừng vội nghĩ đến làm cái cổng chào ngốn hàng mấy chục tỷ, làm lại cái cầu mới trong khi cầu cũ vẫn dùng được, vẫn cần bảo tồn như cầu Long Biên... Đó là những việc không cần thiết, vừa khổ dân, vừa thất thoát ngân sách. 
Cái thiếu, cái cần đó thể hiện trong thực tế ông nhìn thấy như thế nào?
Tôi đã đi thực tế ở rất nhiều địa phương. Ngay ở Hà Nội này, trường mầm non thiếu rất nhiều. Lớp quá tải thì đâu đâu cũng thấy. Học trò chen nhau ngồi, phụ huynh chen chân xin học cho con. Đấy, những cái nhỏ như thế mà không giải quyết, thì đừng nói đến cải cách giáo dục. Đừng đổ tiền ra để làm những thứ nó quá to tát ấy. Tôi thấy rất nhiều người đã nói, đã có ý kiến về việc này, nhưng hình như việc tiếp thu của các lãnh đạo có phần hạn chế thì phải. 
Theo ông thì những đầu tư cho giáo dục là chưa trúng?
Đúng thế, rồi các ông bà ấy cứ ra rả suốt ngày là cấm được học thêm, cấm được dạy thêm, thế nhưng người ta vẫn cứ ngấm ngầm dạy và học đấy thì làm gì được. Ở trường tiểu học mà tôi biết, số học sinh nó quá đông, chen chúc nhau. Đấy, tiền đầu tư sao không đổ vào đấy. Dân bức xúc lắm!
Như ông nói, phải chăng ông cho rằng năng lực và tầm nhìn của lãnh đạo đang có vấn đề?
Thực ra không phải do năng lực, họ biết nhưng vẫn cố tình làm. Vì lợi ích, vì tham nhũng, vì cá nhân họ thôi. Ở cái tầm cao như thế thì họ phải biết quá đi chứ!
Xin cảm ơn ông!
Bộ GD&ĐT theo phân công sẽ xây dựng Đề án về biên soạn chương trình, SGK phổ thông mới trong đó có nêu tất cả các công việc liên quan, định mức, quy định mức chi tiêu, số tiền, các nguồn lực khác cần phải có. Đề án sẽ được công bố rộng rãi để xin ý kiến công luận và chuyên gia, xin ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục. Các bộ ngành sẽ thẩm định. Chính phủ sẽ thảo luận. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, ban hành quyết định theo thẩm quyền, hoặc sẽ báo cáo với Quốc hội nếu công việc vượt thẩm quyền.
Tại buổi họp với Thường vụ Quốc hội vừa qua, về kinh phí thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Để xây dựng chương trình và SGK, dạy thử nghiệm và đại trà... sẽ cần 34.275 tỷ đồng. Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện…”. Sau đó, trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” phát sóng trên VTV tối 20/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời những thắc mắc về con số 34.000 tỷ đồng được cho là kinh phí để đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Theo đó, Bộ thừa nhận có sai sót về con số 34 nghìn tỷ đồng biên soạn chương trình, đổi mới sách giáo khoa. Con số này được tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia khác nhau, chỉ là sự nhầm lẫn.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)