Đằng sau chuyện "tất tần tật" báo cáo Chánh án TAND TP Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Các vụ án hình sự, vụ việc dân sự... phải báo cáo Chánh án TAND TP Hà Nội. Ông Chánh án có thời gian nghe hết, bảo đảm sự khách quan vụ việc?

Nói về Quyết định Ban hành Quy định báo cáo nghiệp vụ xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các khiếu kiện hành chính với Chánh án TAND TP Hà Nội ngày 23/01/2013 (Quyết định số 13/QĐ-CA) của TAND TP Hà Nội, vừa được các ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chánh án TAND Tối cao làm rõ, ông Đỗ Văn Chỉnh cho rằng đó là quyết định “quá coi thường năng lực, trình độ của thẩm phán”.
Chẳng ai tin không có tiêu cực
- “Nhiều quy định lạ lùng” là lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga, khi đề cập đến Quyết định số 13/QĐ-CA của TAND TP Hà Nội. Ông bình luận gì về điều này?
Sau khi đọc quyết định này, tôi thấy rằng nhận định của bà Lê Thị Nga là có cơ sở. Bởi mấy vấn đề sau: Thứ nhất, quyết định quá coi thường năng lực, trình độ của thẩm phán khi yêu cầu hầu như tất cả các vụ án đều phải báo cáo Chánh án. 
Thứ hai, quy định như vậy cho thấy ông Chánh án không làm nhiệm vụ của mình mà luật pháp quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Điều 40 của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Cứ tạm tính mỗi ngày, mỗi một tòa án của TP Hà Nội chỉ xử một vụ thì sẽ có 34 vụ án (30 vụ án do tòa án cấp quận, huyện xử và 4 vụ án do các tòa thuộc TATP (tòa dân sự, hình sự, kinh tế, lao động) xử) cần phải báo cáo Chánh án TAND TP trong ngày, ông Chánh án có thời gian mà nghe hết không? Chưa kể mỗi vụ án có hàng chục, thậm chí hàng chục nghìn trang tài liệu thì ông Chánh án phải cực khoẻ về thần kinh, cực kỳ khoẻ về trí tuệ mới làm nổi. Liệu ông có bảo đảm sự khách quan của việc nghiên cứu hồ sơ?
- Nhưng quyết định như thế vẫn được đưa ra thì chắc nó cũng phải có căn cứ chứ?
Có thể mục đích của ông Chánh án TAND TP Hà Nội nhằm để tránh chuyện oan sai trong xét xử khi cấp dưới báo cáo lên và ông kịp thời điều chỉnh, nhưng cái cách hành văn như trong quyết định này thì làm người ta không thể hiểu như thế được. Nó không đúng nguyên tắc độc lập xét xử theo điều 16 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 (Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật). 
Thêm nữa, nguyên tắc khi xét xử phải tuân thủ theo điều 184 của Bộ luật này, nghĩa là phải căn cứ vào các tình tiết của vụ án được đưa ra trực tiếp ngay tại phiên tòa, nếu không sẽ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đằng này, quy định về việc báo cáo như thế khiến chẳng ai tin là không có tiêu cực cả. 
Ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Thẩm phán, Chánh thanh tra Tòa án nhân dân Tối cao. 
- Dại gì để lại dấu vết
Có người bảo với quyết định này thì đúng kiểu “hợp thức hóa” chuyện can thiệp vào bản án. Ông nghĩ sao?
Lâu nay vẫn có dư luận về việc can thiệp vào bản án khi phiên tòa chưa diễn ra nhưng hầu như thật khó để phanh phui vì người ta dại gì để lại dấu vết. Thường họ cũng chỉ chỉ đạo bằng miệng chứ hầu như không có văn bản nào. Cũng khó để nói ông Chánh án TAND TP Hà Nội sẽ can thiệp vào bản án theo quyết định này nhưng suy nghĩ coi đó là việc “hợp thức hóa” chuyện can thiệp vào bản án thì cũng có cơ sở. Cứ xem lại cách hành văn, người ta dễ dàng liên tưởng ra điều đó.
- Như ông biết thì đã có trường hợp nào can thiệp vào bản án mà bị xử lý chưa?
Như tôi biết thì hầu như chưa có ai bị xử lý vì can thiệp như thế cả.
- Nhưng dù chưa ai bị xử lý thì cũng không có nghĩa việc làm đó sẽ không gây ra những hậu quả? 
Đúng vậy. Hậu quả không những làm cho bản án bị sai lệch so với quy định của pháp luật, mà ngay chính bản thân người thẩm phán chủ tọa cũng bị liên lụy, thậm chí họ phải nhận hậu quả rất xấu. Bởi khi bản án xử xong mà có dấu hiệu sai phạm (do bị can thiệp từ cấp trên), nó sẽ bị hủy theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm thì đương nhiên thẩm phán chủ tọa phải chịu trách nhiệm rồi. Nhẹ thì trừ điểm thi đua, nặng thì khi tái bổ nhiệm sẽ gặp phải nhiều rắc rối, mất thời gian; trong khi người chỉ đạo xét xử sai vụ án thì có khi lại rạng ngời đường công danh. Tôi đi nhiều tòa án địa phương, lại từng giảng dạy ở Học viện Tư pháp 10 năm nên tôi biết chuyện đó không hiếm đâu.
Có những thẩm phán bản lĩnh lắm!
- Như ông nói thì có vẻ như chúng ta nên đồng cảm với những thẩm phán chủ tọa bị buộc phải tuân theo chỉ đạo của cấp trên trong xét xử?
Ở một góc độ nào đó thì đúng là cũng phải hiểu cho họ rằng họ buộc phải làm thế, nếu không sẽ bị “này nọ”. Nhưng dĩ nhiên, không phải thẩm phán nào cũng phục tùng cả đâu. Tôi biết có những thẩm phán bản lĩnh lắm! Chẳng hạn một thẩm phán ở TAND tỉnh Ninh Bình tên là Hoa đã kiên quyết không buộc tội cho một người là đồng phạm giết người theo ý kiến của cấp trên, chị ấy cũng chấp nhận chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định của mình nếu nó sai. Nhưng sau đó, tòa án cấp trên xử lại và giữ y nguyên bản án mà chị ấy tuyên. Cũng may chị ấy làm việc trong môi trường mà cấp trên biết lắng nghe đấy.
- Có vẻ, làm thẩm phán cũng chẳng khác nào chuyện may rủi khi “tốt số” thì được vào trong môi trường lãnh đạo biết lắng nghe? 
Nói theo cách dân gian là như thế. Còn dưới góc độ pháp luật, đó là những người lãnh đạo tôn trọng pháp luật.
Không khó phát hiện bản án bị can thiệp
- Theo ông thì vì sao việc can thiệp vào bản án tồn tại?
Nó có rất nhiều lý do. Người ta thích làm oai. Cũng có một phần vì thẩm phán không muốn mối quan hệ của mình với chánh án căng thẳng, nên khi nhận được ý kiến can thiệp vào bản án, họ đành phải chấp nhận. Nhưng suy cho cùng đó cũng là sự đánh đổi cả thôi, vì thẩm phán làm theo chánh án nên nếu có việc gì rắc rối đối với thẩm phán thì đã có chánh án lo rồi.
- Để phát hiện bản án bị can thiệp có khó không, thưa ông?
Nếu nhìn vào thực tế là dư luận lâu nay cho rằng có tình trạng can thiệp vào bản án nhưng vẫn chưa xử lý được ai thì thấy nó khó đấy. Nhưng với những người làm công tác xét xử, thừa hành luật thì chẳng dễ qua được họ đâu.
Theo ông, phải làm gì để tình trạng can thiệp vào bản án sẽ hạn chế, xa hơn nữa là chấm dứt?
Muốn vậy, chẳng gì khác ngoài làm tốt công tác tuyển chọn cán bộ; tăng cường giáo dục, nâng cao hiểu biết pháp luật cho chính những người thừa hành pháp luật. Bởi quy định của pháp luật đã có, vấn đề bây giờ chỉ còn là thực hiện cho đúng mà thôi.
Trân trọng cảm ơn ông.
Theo Quyết định số 13/QĐ–CA ngày 23/1/2013 của TAND TP Hà Nội thì các Phó Chánh án, Chánh tòa chuyên trách, Trưởng phòng nghiệp vụ TAND TP Hà Nội; Chánh án TAND cấp huyện; Thẩm phán, Thẩm tra viên phải có trách nhiệm báo cáo với Chánh án TAND TP Hà Nội nhiều loại án, trong đó có “các vụ án hình sự sơ thẩm dự kiến xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn hoặc cho bị cáo được hưởng án treo; các vụ án dân sự về thừa kế có kỷ phần chỉ được hưởng bằng giá trị; các vụ án khác mà Chánh án TAND TP Hà Nội thấy cần thiết...”.
Các thành viên tham gia báo cáo phải “có trách nhiệm bảo mật thông tin và chịu trách nhiệm cá nhân nếu để thông tin bị lọt, lộ ra bên ngoài”.


Bình luận(0)