Dùng xạ trị điều trị ung thư vòm hầu

Google News

Tôi nên điều trị bệnh ung thư vòm hầu bằng cách xạ trị hay phẫu thuật?

 

Tại Việt Nam, ung thư vòm hầu là loại ung thư rất thường gặp trong vùng đầu - cổ. Đặc biệt hơn nữa, Đông Nam Á là một trong hai vùng dịch tễ của bệnh ung thư vòm hầu (vùng còn lại trên thế giới là Bắc Phi châu). Nếu diễn tiến tự nhiên, bệnh sẽ lan rộng tại chỗ, di căn vào hạch cổ, xâm lấn nền sọ hoặc nội sọ, trễ hơn nữa là di căn đến các cơ quan khác như phổi, gan, xương.
Bệnh nhân thường đến khám bệnh trong các tình huống sau: chảy máu mũi, khạc ra máu, ù tai, đau tai, nổi hạch cổ, nhức nửa bên đầu, lé (lác) mắt. Để dễ nhớ, chúng ta có thể chia thành các nhóm triệu chứng chính:
- Triệu chứng tai - mũi – họng : chảy máu mũi, khạc ra máu, ù tai, đau tai.
- Hạch cổ, thường nằm cao ngay dưới tai hoặc góc hàm.
- Triệu chứng thần kinh : nhức nửa bên đầu, lé (lác) mắt.
Đối với các bác sĩ ung bướu, khi có một bệnh nhân trên 40 tuổi đến khám vì có một trong các triệu chứng kể trên, chúng tôi sẽ đề nghị soi vòm hầu ngay.
Phẫu thuật không có vai trò trong việc điều trị bệnh lý ung thư này vì những lý do sau đây:
- Như đã mô tả ở trên, vòm hầu là vùng cơ thể nằm rất sâu và liên quan nhiều cấu trúc quan trọng của cơ thể. Phẫu thuật thường không thể thực hiện đủ rộng để bảo đảm an toàn về ung bướu học. Nếu như cố gắng phẫu thuật đủ rộng sẽ gây nhiều tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan lân cận.
- Ung thư vòm hầu rất hay di căn vào hạch cổ hai bên, và những khối hạch này nằm rất sâu. Phẫu thuật nạo hạch cũng không thể bảo đảm lấy hết các hạch di căn.
- Loại tế bào thường gặp trong ung thư vòm hầu rất nhạy với xạ trị (đáp ứng rất tốt với xạ trị).

Phương pháp điều trị chủ yếu và có thể nói duy nhất hiện nay với ung thư vòm hầu là xạ trị. Trong một số trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ kết hợp xạ trị với hóa trị để tăng thêm hiệu quả. Thời gian sống thêm của bệnh nhân tùy thuộc giai đoạn bệnh khi phát hiện. Nếu phát hiện càng sớm, cơ may khỏi bệnh càng cao.

 
Theo Hyvong.com.vn

Bình luận(0)