Nga củng cố vị thế trên thị trường vũ khí ĐNA

Google News

(Kiến Thức) - Với việc lập trường dạy tiếng Nga cho binh lính Myanmar, đây được xem là bước đi nhằm củng cố vị thế thị trường vũ khí Đông Nam Á của Nga.

Tờ Izvestia đưa tin, mùa Thu năm 2013 Nga sẽ mở ở Myanmar trung tâm dạy tiếng Nga cho quân nhân nước này. Theo chương trình, các học viên khoá học sẽ phải nắm được tiêu chuẩn học tập “Tiếng Nga như là ngoại ngữ-1 (RKI-1) và học thuộc các cách nói quân sự như “chúc thủ trưởng khoẻ”, “trước thẳng”, “nghiêm”, cũng như cấp bậc quân hàm, tên gọi các loại quân trang, cách trả lời chỉ huy theo điều lệnh… Theo tin của Bộ Quốc phòng Nga, những kiến thức này sẽ giúp củng cố vị thế của Nga ở Đông Nam Á.

Giáo viên của trung tâm ngôn ngữ tương lai ở Myanmar Olesya Lapshina cho biết: “Có một giáo trình chuyên dụng, được gọi tên là “Chúc thủ trưởng khoẻ”. Giáo trình này chứa đựng vốn từ quân sự cơ bản gồm cấp bậc quân hàm, các khẩu lệnh theo điều lệnh và các câu nói chủ yếu. Chúng tôi thực tế đã dùng giáo trình này dạy toàn bộ học viên sĩ quan đến từ Venezuela, Angola, Lào, Algieria và các nước khác. Ngoài ra, chúng tôi sẽ sử dụng giáo trình “Con đường dẫn đến nước Nga”, chứa đựng vốn từ dân sự”.

Cũng theo bà Lapshina, chương trình tiếng Nga ở Myanmar có 900 giờ học, mỗi ngày 3 cặp tiết học, mỗi tuần 6 ngày học từ tháng 10 (năm trước) đến tháng 7 (năm sau). Trong thời gian này, theo tiêu chuẩn của RKI-1, học viên sẽ phải nói được bằng tiếng Nga với tốc độ 120-150 âm tiết/phút, nhớ được ít nhất 780 từ và biết viết bài văn đến 200 từ.
Với việc học tiếng Nga ngay trong nước, binh lính Myanmar sẽ rút ngắn thời gian học tập tại Nga.

Ngoài ra, người học nước ngoài sẽ phải dễ dàng tham gia vào các đề tài không phức tạp, đặt các câu hỏi đơn giản, thể hiện mong muốn và nhu cầu, cũng như bày tỏ thái độ đối với người, đồ vật hay sự việc.

“Chúng tôi bắt đầu dạy từ phát âm. Đến cuối khoá học, học viên đã có thể tự viết báo cáo xin nghỉ phép, xin ra ngoài doanh trại, điền các giấy tờ”, bà Olesya Lapshina cho biết thêm.

Dự kiến, những kỹ năng này sẽ tạo thuận lợi cho các sĩ quan Myanmar khi học trong các trường Đại học Quân sự Nga. Đại diện Tổng cục hợp tác quân sự quốc tế GUMVS (Bộ Quốc phòng Nga) cho hay, trong khuôn khổ hợp tác thì Nga sẽ bán cho Myanmar xe tăng, súng pháo, xe chiến đấu bộ binh BMP và trang bị kỹ thuật không quân.

Cho đến nay sĩ quan và binh lính sẽ sử dụng chúng được huấn luyện tại các trường đại học quân sự Nga. Thay cho học hai năm, người nước ngoài phải học ba năm.

“Myanmar chi phí mỗi năm vài trăm nghìn USD để đào tạo quân nhân của mình ở Nga. Và cho năm thứ 3 thì nước này sẽ phải chi thêm cho các học viên của mình ăn và ở vài trăm nghìn USD nữa. Nếu dạy tiếng Nga ở trong nước thì chi phí giảm đi nhiều lần vì chỉ phải trả lương cho 2 giáo viên người Nga. Vì vậy mà đã có thoả thuận là trước tiên chúng ta giúp họ học tiếng ở trong nước, sau đó nhận họ sang Nga học trực tiếp lĩnh vực quân sự”.

Thư ký Bộ Quốc phòng Nikolai Pankov giải thích, trung tâm ngôn ngữ sẽ giúp phát triển quan hệ Nga - Myanmar.

“Việc thành lập trung tâm đã được phê duyệt trong hiệp định liên chính phủ được ký mùa Xuân năm nay trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tới Myanmar. Chúng ta phát triển quan hệ với quốc gia này. Và chúng ta quan tâm làm sao cho sự hiện diện của chúng ta ở đó đa dạng hơn so với hiện nay”.

Theo lời ông Pankov, Nga đang chi tiết hoá chương trình thiết lập trung tâm. Hai tuần tới sẽ phê duyệt nơi xây dựng, cũng như mức chi để duy trì hoạt động của nó. Trong trường hợp cần thiết Nga sẵn sàng nhận thanh toán một phần chi phí.

Nga muốn củng cố vị thế ở Đông Nam Á

Chuyên gia quân sự Vyacheslav Tseluyko cho biết, hiện Nga chú trọng không phải đến các hợp đồng lớn đơn lẻ với các nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc…, mà chú trọng đến các hợp đồng với một lượng lớn các nước nhỏ. Như vậy phía Nga cố gắng củng cố vị thế của mình trên thị trường vũ khí ở Đông Nam Á.
Tiêm kích MiG-29 mà Myanmar mua của Nga.

“Myanmar là nước không giàu. Nước này không đủ tiền mua số lượng lớn vũ khí phức tạp. Song, khi có được vị thế vững chắc ở đó, Nga sẽ có thể dần dần bán vũ khí cho Banglades, Lào, Indonesia, tăng cường hợp tác với Việt Nam… Thậm chí nếu như do sự thay đổi tình hình chính trị một hợp đồng nào đó bị tan vỡ thì dẫu sao vẫn còn lại số lớn đối tác”, ông Tseluyko nói.

Myanmar bắt đầu hợp tác về kỹ thuật quân sự với Nga ngay từ những năm 1990. Giới quân sự Myanmar đã mua hàng trăm xe tăng T-72, trực thăng Mi-17, máy bay tiêm kích MiG-29 và nhiều loại vũ khí khác.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Nguyễn Vũ

Bình luận(0)