Tránh “vách đá tài chính”, Mỹ thỏa sức vung tiền mua vũ khí

Google News

(Kiến Thức) - Tránh được thảm họa cắt giảm ngân sách, Lầu Năm Góc đang tiếp tục những khoản chi tiêu hàng trăm tỷ USD.

Lầu Năm Góc hoan hỉ

Trước thềm năm 2013, nước Mỹ dấy lên cơn sốt và lo lắng khi họ phải đối mặt với “vách đá tài chính” khi nhiều đạo luật về giảm thuế từ thời Tổng thống Bush sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2012. 

Nhiều chuyên gia quan ngại, Mỹ sẽ tiến vào cơn suy thoái mới khi đồng tiền bị thu hẹp trong nền kinh tế cùng với việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế để giảm bội chi ngân sách.

Tuy nhiên, đúng vào phút chót trong cuộc thảo luận căng thẳng tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ, giới chính khách nước này đã thông qua đạo luật về tránh “vách đá tài chính”. Với số phiếu thuận áp đảo, đạo luật sẽ nới lỏng việc tăng thuế, hỗ trợ cho phần lớn người dân Mỹ và trì hoãn việc cắt giảm ngân sách.

Lầu Năm Góc tiếp tục được "rót tiền" mua sắm vũ khí trang bị cho quân đội. 

Hoan hỉ nhất với đạo luật này là Lầu Năm Góc, ngân sách khổng lồ cho quân sự sẽ tiếp tục ổn định như các năm gần đây với con số 1,75 tỷ USD/ngày (khoảng 630 tỷ USD/năm) theo như mức đã được Thượng viện phê duyệt. 

Hơn nữa, vấn đề này tiếp tục nhận được sự đồng thuận hiếm có của hai đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội. Bằng chứng lớn nhất chính là việc chỉ có 11 thượng nghĩ sĩ bỏ phiếu chống lại việc phân bổ ngân sách cho năm tài chính 2013.

Hệ quả của đạo luật mới là, Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục những đầu tư khủng vào công nghệ mới như máy bay không người lái, tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới USS Gerald Ford (CVN-78) hay thế hệ chiến đấu cơ mới như F-35. 

Chi nhiều, thu ít

Khi việc cắt giảm ngân sách chưa đụng tới nền quốc phòng, Lầu Năm Góc vẫn sẽ tiếp tục những khoản đầu tư lãng phí. Điển hình chính là việc đầu tư chế tạo tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald Ford (CVN-78). Năm 2012, chi phí của dự án đã bội chi gần 1 tỷ USD và vị thượng nghị sĩ John McCain gọi nó là “nỗi nhục quốc gia”.

Chiến đấu cơ F-35 còn tồi tệ hơn với một nguồn ngân sách vô tận. Việc mua 2.400 chiến đấu cơ đã “gọt” đi 400 tỷ USD của người nộp thuế, trong khi việc vận hành bảo dưỡng tiêu tốn thêm 600 tỷ USD. Mức chi tiêu nghìn tỷ quá lãng phí khi mà vị thế độc tôn về không quân của Mỹ khó bị đe dọa, ngoài ra nền kinh tế không chịu được mức chi phí này.

Còn vô vàn vấn đề khác phần lớn liên quan đến bội chi quá mức. Một cuộc kiểm toán năm 2009 do Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ thực hiện chỉ ra rằng, 96 thương vụ mua bán quốc phòng bội chi 300 tỷ USD, cao hơn 40% giá trị hợp đồng. Con số này bằng toàn bộ ngân sách quốc phòng do cựu Tổng thống Bill Clinton đệ trình ở nhiệm kỳ cuối cùng của ông.

"Kẻ tội đồ" F-35. 

Mức chi tiêu này tăng gấp đôi từ sự kiện 11/9, trong khi dù xếp toàn bộ những nhóm mà Mỹ coi là kẻ thù (mạng lưới al Qaeda ở Iraq, Libya, Mali, Yemen) vào chung một nhóm vẫn không bằng nhân lực của Lục quân Mỹ.

Hay như vấn đề Iraq, Mỹ chi hơn nghìn tỷ USD và bây giờ quân Mỹ rút về trong khi mạng lưới al Qaeda vẫn tồn tại. Tương tự là khoảng 500 tỷ USD chi cho chiến trường Afghanistan và thu được kết quả tương tự.

Hơn nữa, nhìn trong bối cảnh nhu cầu cho các cuộc chiến lớn hơn, phần lớn đầu tư quốc phòng của Mỹ tập trung vào các hệ thống vũ khí tương đối cũ trong khi những nước khác đang có bước tiến khác. 

Ví dụ, Hải quân Trung Quốc dành tiền cho tên lửa chống hạm siêu thanh, thủy lôi thông minh để có thể tiếp cận mục tiêu nhanh và hiệu quả hơn. Có thể thấy, Quân đội Mỹ chi ngày càng nhiều hơn và thu lại ngày càng ít đi.

3 câu hỏi

Dù mức chi tiêu quốc phòng quá lớn nhưng vẫn tiếp diễn, thủ phạm chính là quy định của quốc hội về việc bảo lãnh cho chi tiêu liên bang cho dự án quốc phòng. Nó cho phép quân đội được phê chuẩn mọi thứ yêu cầu.

Một lí do khác là việc chi tiêu này nằm dưới sự kiểm soát của số ít các nhà thầu quốc phòng “cỡ bự”.  Các công ty này chuyên nghiên cứu, phát triển, chế tạo bất cứ điều gì mà quân đội nói rằng nó là cần thiết. Không chỉ có thể, chính họ là những người chủ động đưa ra những sáng kiến để quân đội duyệt ngân sách thực hiện.

Giới chuyên gia nhận định, để thay đổi được tình trạng này, Mỹ cần trả lời 3 câu hỏi: lực lượng vũ trang nên cơ cấu thế nào? Những hệ thống nào cần đưa vào sọt rác và hệ thống nào cần cải tiến? Và những lực lượng này sẽ hoạt động thế nào trong thời bình, khủng hoảng và chiến tranh.

ĐANG ĐỌC NHIỀU: 
TIN LIÊN QUAN: 
Mạnh Thắng

Bình luận(0)