|
Ảnh minh họa. |
Người bán, người mua cứ thản nhiên như không, như chưa hề có những cảnh báo về bệnh liên cầu lợn, như chẳng có những bệnh nhân người tím đen cả lại vì nhiễm trùng máu, cả những người đã chết vì căn bệnh này.
Mặc cho ai chết thì chết, người ta vẫn ăn tiết canh bừa bãi như thế. Đi qua mấy hàng cháo lòng vẫn thấy nhiều người xì xụp ăn tiết canh như thường. Có lẽ những người này họ nghĩ, không phải con lợn nào cũng có loại liên cầu này, những người chết kia ở mãi tận đâu đâu không liên quan gì đến họ và ông A, bà B có thể chết chứ nhất định không phải là họ. Chỉ đến khi nào chết thì mới biết!
Qua đây thì thấy còn lâu dân mình mới biết sợ, còn lâu mới biết quý cái mạng sống của mình. Cứ thích gì là ăn cho sướng mồm, chẳng nghĩ đến hậu quả của nó. Hải sản rồi nội tạng động vật, loại tươi tốt đã đành, đến loại ôi thiu phải ngâm hoá chất... cũng vẫn ăn như thường, rồi đồ nướng, đồ béo... ăn uống vô tội vạ dẫn đến tăng huyết áp, tim mạch, bệnh gút, ung thư... chỉ đến khi đổ bệnh nặng thì mới đến bệnh viện chứ chẳng chịu đề phòng.
Và cũng lấy làm lạ cho ngành y tế của ta, công tác phòng bệnh sao mà yếu đến thế. Những tuyên truyền cứ trôi vèo đi đâu chả đến được tai người dân để họ vẫn ăn bẩn, ở bẩn đến như vậy. Cứ hô hào giảm quá tải bệnh viện, trong khi gốc rễ của nó là làm sao cho người ta ít phải đến bệnh viện, tức là giúp họ phòng được bệnh tật thì lại không được quan tâm.
Ngay như công tác bảo hiểm y tế hiện nay chủ yếu là chi trả cho những chi phí khám chữa bệnh, chứ thực ra nếu làm tốt khâu đầu tiên là phòng bệnh thì còn tốt hơn. Tức là một phần số tiền chi cho khám chữa bệnh được đưa sang cho phòng bệnh để tuyên truyền giám sát những quy định về vệ sinh ăn ở, về vệ sinh an toàn thực phẩm để mỗi chợ không còn người bán hàng kém chất lượng, không bán rau nhiễm hóa chất, thịt nhiễm chất tăng trọng, không có thực phẩm bẩn... thì đỡ cho bao nhiêu người khỏi phải vào viện vì ngộ độc thực phẩm, vì ung thư.