“Thảm họa tiếng Việt” trong “Hỏi xoáy, đáp xoay“

Google News

"Điều làm tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao chương trình được giới trẻ hâm mộ này lại có quá nhiều lỗi tiếng Việt đến vậy"

"Điều làm tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao chương trình được giới trẻ hâm mộ này lại có quá nhiều lỗi tiếng Việt đến vậy" – TS Phan Quốc Linh từ Bungari.

Có thể có người biện hộ rằng muốn vui vẻ hài hước thì không thể theo chuẩn mực ngôn ngữ thông thường.. Điều đó có thể có lý nào đó. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó. Việc tác giả kịch bản chương trình "Hỏi xoáy đáp xoay" cứ nhầm lẫn để xóa bỏ từ (khái niệm), điều cốt lõi của ngôn ngữ tức là coi tiếng nói sẽ chỉ còn là tiếng hú, vô nghĩa, vô cảm.
 
“Vsichki vlak ima putnik si” (Mọi con tàu đều có hành khách của mình -ngạn ngữ Bungari). Hỏi xoáy đáp xoay, tương tự, cũng có khán giả của mình, thậm chí còn có người thần tượng TS Xoáy, GS Xoay: cặp đôi hoàn hảo!

Việc phản hồi là quá khó đối với lớp trẻ, khi mà họ chưa đủ trình độ vốn tiếng Việt và vốn sống chưa đủ sức đề kháng, thanh lọc trước những hiện tượng kiểu như thế này với lối ”tuyên truyền” kiểu ”đều như vắt chanh”. Ý tôi định nói là chuyện gì nói mãi cũng phải nghe, dù đúng hay sai.

Về một phương diện khác, với tư cách là một nhà chuyên môn ở lĩnh vực này, hay nói chung là người có trình độ tiếng Việt, có lẽ những người như vậy đã không có thời gian và độ kiên nhẫn để có thể theo dõi chương trình này để rồi phê bình, góp ý. Cá nhân tôi, nói thật là cố gắng lắm, bức xúc lắm nên tôi đã cố gắng ngồi viêt bài này, dù chưa có đủ thời gian và điều kiện để xem ”toàn tập” chương trình này qua Youtube.

Chỉ xin đơn cử 5 thảm họa ngôn ngữ tiếng Việt trong "Hỏi xoáy, đáp xoay" qua một số clip đã xem.

1. Nhầm lẫn âm tiết với đơn vị từ; coi mỗi âm tiết= 01 từ

Có quá nhiều kịch bản trong "Hỏi xoáy đáp xoay" lại dựa theo tình trạng bất cập nhầm lẫn giữa từ và âm tiết:

Trong clip số 11, 6/11/2010, trả lời câu hỏi: Làm thế nào để các cháu 3 tuổi trở lên thích xem quảng cáo?
 
Sau đây là trích đoạn:

TS Xoáy: - Về bản chất của quảng cáo trong tiếng Việt là gì?
GS Xoay: - Quảng cáo có hai phần là quảng và cáo? Quảng là thần thông quảng đại.
TS Xoáy: Thế còn cáo? Là con cáo à?
GS Xoay: - Là không có nghĩa gì cả, thì thế này thôi: Bây giờ chúng ta có một chương trình quảng cáo nhưng nó không có chữ cáo thì chúng ta đọc chương trình quảng thôi, nghe chừng hơi cụt, đúng không? Bây giờ chúng ta phải thêm chữ cáo vào; thì chúng ta thêm chữ cạo có được không? Không được!. Cảo?! Không! Không được! Đâm ra chúng ta thêm chữ cáo vào đọc là quảng cáo nghe nó rộng mồm, nghe nó xuôi tai...

Trường hợp cụ thể trên đây, quảng cáo là một từ gồm hai âm tiết là quảng và cáo. Với tư cách là âm tiết, chúng không có nghĩa tự thân, riêng biệt. Đồng nghĩa là GS Xoay giải thích linh tinh.

Quảng cáo (advertisement) có nghĩa là công bố, truyền bá, phát hành rộng rãi hình ảnh về đối tượng...

Còn nhiều kịch bản theo cách giải nghĩa kiểu như trên đây: thâm nho = thâm (vết thâm) + nho (quả nho), (clip 29/10/2011); hở hang = hở+ hang (clip 20/8/2011), v.v...

Âm tiết và từ là những yếu tố cơ bản nhất cấu thành ngôn ngữ, giống như hạt cơ bản trong vật lý, cấu tạo nên vật chất vậy. Việc nhầm lẫn của "Hỏi xoáy đáp xoay’ thật là tai hại.

Cầu gì biết chạy? Cầu thủ. Hoa gì biết khóc? Hoa hậu (clip 2/7/2011). Lịch gì dài nhất? Lịch sử. (Clip số 45/13/8/2011)...Cầu hôn là gì? Là hôn nhau trên cầu. Hoàng hôn là gì? Là hôn hoàng hậu. Hôn thú là gì? Là hôn một con vật nào đó (clip 11/8/2012)...Sau đây xin phân tích một ví dụ.

Hoàng hôn là thời điểm mặt trời sắp lặn, một hiện tượng thiên nhiên, đồng nghĩa là chẳng liên quan gì đến cái hôn của con người cả. Vậy tại sao họ vẫn trả lời Hoàng hôn là hôn hoàng hậu? Giải thích rất đơn giản: Là vì họ đã chia tách hoàng hôn= hoàng + hôn, rồi gán cho âm tiết = 1từ (khái niệm). Thế cho nên mới cho rằng (âm tiết) hôn = (từ/khái niệm) hôn (cái hôn) và (âm tiết) hoàng = (từ/khái niệm) hoàng hậu. Đến đây là một bước sai lầm, nhầm âm tiết= 1từ, sai lầm tiếp theo là ghép từ Việt theo kiểu Hán Việt, do đó mới có kết quả như trên.

Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, không nên hướng mọi người, nhất là giới trẻ, tư duy bằng thứ ngôn ngữ ảo, vô nghĩa vô cảm như thế này được.

Với cách làm này, thiết nghĩ chuẩn mực tiếng Việt chắc phải...bắc thang lên hỏi ông trời!

2. Nhầm lẫn vị trí giữa tính từ định tính (tính từ đi kèm danh từ) và số từ định lượng (số từ đi kèm danh từ)

Clip ngày 29/10/2011, ”nghệ thuật chơi chữ của vua Hùng” là một kịch bản dựa vào típ chơi chữ giữa từ đồng âm khác nghĩa.

Với việc ”dựng chuyện” Sơn Tinh, bằng sức mạnh vô song của mình đã ghè ngà, cựa, hồng mao của các con vật (mỗi thứ 2 chiếc) vào chảo mà luộc chín (nhưng con vật vẫn sống), để nói rằng lễ vật của chàng vẫn đúng như quy ước của vua Hùng (voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao). Ý của tác giả kịch bản là muốn ”chơi chữ” về từ đồng âm khác nghĩa của từ chín (luộc chín) với số 9 (chín) là có thể thay thế được cho nhau.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng tác giả kịch bản này đã nhầm về nguyên tắc kết hợp từ tiếng Việt, cụ thể:

+ Số từ định lượng luôn luôn đứng trước từ mà nó làm định ngữ:voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao, là những đối tượng (ngà voi, cựa gà, hồng mao) với số lượng xác định (9 cái).

+ Tính từ định tính luôn luôn đứng sau danh từ mà nó kết hợp,chẳng hạn, người Việt mình nói quả xanh, quả chín, quả ương...mà không nói theo cấu trúc ngược (như trường hợp một số hệ ngôn ngữ khác) là xanh quả, chín quả, ương quả (tính từ đứng trước danh từ)...

Theo đó, ở kịch bản này cho rằng Sơn Tinh luộc chín ngà voi, luộc chín cựa gà, luộc chín hồng mao (của) ngựa, lúc đó chín sẽ được hiểu là luộc chín (tính từ định tính) chứ không ai hiểu chín là số 9 (số từ định lượng). Theo đó,cần thiết diễn đạt rõ hơn như sau: luộc chín ngà voi = ngà voi chín; luộc chín cựa gà= cựa gà chín; luộc chín hồng mao (của) ngựa = hồng mao ngựa chín.

Thế nên dù trong kịch bản, tác giả cố gán ghép kiểu như luộc chín ngà voi, luộc chín cựa gà, luộc chín hồng mao ngựa với ý đồ muốn khán giả hiểu chín (luộc chín)= 9 (số lượng) là không thể được. Đồng nghĩa là kịch bản này bị ”đổ”.

Điều đáng nói là tác giả kịch bản này có ý muốn ”cải biên” cốt truyện truyền thống ”Sơn Tinh, Thủy Tinh”, một cốt truyện vốn đã ăn sâu trong tâm khảm người Việt hàng ngàn đời nay, là một việc không nên làm, càng không nên đùa giỡn, thiếu nghiêm túc với vốn văn hóa cổ truyền, là những giá trị đang được khuyến khích bảo tồn và phát huy trong đời sống của thế giới hiện đại.

Việc không đâu lại đi thay các chi tiết trong truyện cổ là việc không được phép, là vi phạm ”bản quyền” (bản được sử dụng chính thức), gây đảo lộn nhận thức của cộng đồng về một giá trị truyền thống, đặc biệt là với thế hệ trẻ trong đó đáng chú ý là trẻ em, dễ nẩy sinh tâm lý hoang mang, hoài nghi về những gì đã tiếp thu một cách chính thống qua các kênh chính thức.

3. Nhầm lẫn cấu trúc giữa từ Hán Việt và từ thuần Việt

Trong clip số 47,27/8/2011, GS Xoay và TS Xoáy gặp sai lầm nối tiếp sai lầm (sai lầm kép) khi cho rằng đầu to = thủ đô (!).

Thoạt tiên, là sai lầm khi tách đầu to thành các âm tiết rồi gán cho mỗi âm tiết với chức năng là một từ (khái niệm); sai lầm tiếp theo là ”Hán hóa” từ Việt, vì thế, theo họ đầu có nghĩa là thủ, đô có nghĩa là to, sơ bộ có thể viết dưới dạng đẳng thức sau:

Đầu to = đầu(thủ)+ đô(to) = thủ đô (!)

Việc coi âm tiết = từ (từ đơn) mặc nhiên là bất khả kháng,trên thực tế là không thể vì đấy là hai thực thể thuộc hệ quy chiếu khác nhau. Âm tiết thuộc đơn vị ký tự/ngữ âm, không có giá trị và chức năng của từ (khái niệm). Nói cách khác, âm tiết không phải là từ(khái niệm) tức là không có ngữ nghĩa, vậy là sao có thể dịch sang ngôn ngữ khác được.

4. Nhầm lẫn ngữ nghĩa từ nói ngọng và từ phát âm chuẩn

TS Xoáy: - Xin GS cho biết giấy phép lái xe của VN được cấp gồm những hạng nào?
GS Xoay: - Có các loại giấy phép cấp như sau: a, b, c, d, e và s.
TS Xoáy: - Thế giấy phép lái máy bay thì thuộc hạng nào?
GS Xoay: - Tôi nghĩ là z
TS Xoáy:- Tại sao lại z ạ?
GS Xoay: - Tôi nghĩ là máy bay bay trên cao, mà trên cao chắc là lạnh, mà lạnh thì chắc là z (lạnh= rét= zét).
TS Xoáy: - Thế nghĩa là bằng z (!)

Trong khi thủ đô Hà Nội đang bỏ ra một số tiền không nhỏ để chữa ngọng trong các trường PTTH thì trên VTV3 lại khai thác chuyện nói ngọng để làm vui!

5. Khai thác ngôn từ nghĩa đen thay cho nghĩa bóng

Đặc điểm riêng, hết sức sinh động của thư ngôn ngữ này là từ, những từ, những câu, những mệnh đề tưởng chừng quá đổi bình thường nhưng với ngữ nghĩa chuyên biệt (nghĩa bóng) nó trở lên phong phú, huyền ảo, biến ảo vô cùng sâu sắc, tinh tế, sống động...

Tuy nhiên, với cách sử dụng, xử lý kịch bản khai thác ngôn từ nghĩa đen thay cho nghĩa bóng của nó, các tác giả của chương trình Hỏi xoáy đáp xoay vô tình kéo lùi sự phát triển của loại hình ngôn ngữ đặc biệt này.

“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh’’ là câu châm ngôn rất hay trải qua bao đời nay lại được các tác giả trần tục hóa bằng cách tếu táo, rằng nghệ tinh là nghề thủy tinh, vinh là con người cụ thể có tên như vậy mà thôi. Ăn cơm trước kẻng vốn vẫn dùng theo nghĩa bóng, có nghĩa là sự việc đi trước mức cần thiết, và rất hay được hiểu gắn với hiện tượng xã hội là cặp đôi làm chuyện vợ chồng trước khi cưới.

“Cái răng cái tóc là góc con người”, có nghĩa là tóc, răng là cái tạo dáng, tạo phong cách cho cái đẹp ngoại hình của mỗi người, lại được các tác giả khai thác ở góc độ vô cùng lạ lùng, cho rằng cái đẹp của con người là phụ thuộc vào góc nhìn của người đối diện, chẳng hạn nhìn từ cao xuống thì khác hay nhìn nghiêng cũng sẽ khác...

“Yên tâm kê cao gối mà ngủ” thì cắt hẳn hai chữ đầu ”yên tâm” để rồi chỉ giảng giải theo chuyên môn y học, cho rằng đó là động thái ngủ dành cho những người bị bị bệnh hẹp phế quản, người cao tuổi, người bị viêm xoang...

Thực tế, để hiểu được các câu theo nghĩa bóng cũng không phải dễ, thì việc khai thác kịch bản theo hướng này khác gì muốn kéo lùi sự phát triển của thể loại ngôn ngữ này, bằng cách bắt chúng trở lại ngữ nghĩa ban đầu, từ nghĩa đen, ở vạch xuất phát.

Cuối cùng tôi xin mượn câu châm ngôn của chương trình "Hỏi xoáy, đáp xoay" để gửi tới độc giả của mình: ”Luôn luôn lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ, dù đúng hay sai...”.

(Khám Phá)
 
[links()]

Bình luận(0)