|
Ảnh minh họa. |
Hỏi: Bác sĩ ơi! Vợ em 28 tuổi, mới sinh 1 bé. Vừa rồi, vợ em đi khám phát hiện bị bướu tuyến giáp phải mổ cắt bỏ. Xin bác sĩ tư vấn giúp: Bị bướu tuyến giáp như vợ em có ảnh hưởng gì đến việc mang thai lần thứ hai không? Bệnh này chữa có khó không? - Hồ Minh Tuấn (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An).
TS.BSCK II Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM trả lời: Phụ nữ trong thời gian mang thai nếu thiếu chất iốt trong chế độ ăn rất dễ dẫn đến "bướu cổ". Thực tế, trong hầu hết các trường hợp đây không phải là "bướu" thật sự mà chỉ là sự phình to ra của tuyến giáp nhằm tăng khả năng hấp thu và chuyển hóa iốt thành chất thyroxin, là một chất nội tiết quan trọng cần cho chuyển hóa của tế bào, tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Khi tuyến giáp bị phình quá to, hoặc có nhiều "cục" lổn nhổn bên trong, gây khó khăn cho ăn uống hoặc ảnh hưởng thẩm mỹ, cần thiết phải phẫu thuật. Phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp phình to, hoặc ở thùy tuyến giáp có mang các "cục' này thường được lựa chọn. Rất ít khi cắt toàn bộ tuyến giáp vì dễ dẫn đến suy giáp, đòi hỏi phải dùng thyroxin suốt đời.
Nếu mang thai lần hai, cần lưu ý phải bổ sung đầy đủ iốt trong chế độ ăn. Cung cấp đầy đủ iốt có thể giúp phòng ngừa bệnh này. Bệnh không lây lan và không mang tính di truyền, tuy nhiên có thể có nhiều thành viên trong gia đình cùng mắc bệnh do có cùng chế độ ăn như nhau.