Nhiều phát ngôn “sốc” về tham nhũng: mừng hay lo?

Google News

(Kiến Thức) - Các thành viên UBTVQH đều cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng còn mang tính hình thức, thậm chí, tồn tại tham nhũng ngay trong quá trình xử lý tham nhũng.

"Nếu không tham nhũng thì quan chức lấy tiền đâu đi nhậu"
Mở đầu phiên thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ngày 18/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt vấn đề: “Nếu không tham nhũng thì quan chức lấy tiền đâu đi nhậu, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia, không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy”.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Internet
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ những khuyết điểm trong báo cáo của Chính phủ: “Báo cáo chưa thấy nói rõ trong lực lượng đấu tranh PCTN có tiêu cực bỏ sót, bao che không, có tham nhũng trong PCTN hay không? Lực lượng đi làm mà không nghiêm thì thôi rồi”.
Ông Hùng tiếp tục đặt câu hỏi: “Người dân nào mà không muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hay vấn đề là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì. Báo cáo cần phải đánh giá vấn đề này nữa”.
“Còn né tránh, nể nang xử lý người đứng đầu”
Cũng trong phiên họp ngày 18/9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện, cho biết, có nhiều địa phương từ 2010 đến 2013 chỉ nhận được 1-2 đơn tố cáo tham nhũng (Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình…). Nguyên nhân, theo ông Hiện là do, nhiều người dân vẫn cho rằng phát hiện tham nhũng là việc của cơ quan nhà nước, e ngại tố cáo vì sợ bị trả thù, chỉ khi ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi thì họ mới tố cáo.
Cũng theo ông Hiện, việc khen thưởng người tố cáo tham nhũng vẫn còn hình thức (Sở Y tế TP Hà Nội thưởng thành tích tố cáo tham nhũng tại BV Đa khoa huyện Hoài Đức 320.000 đồng/người). Có trường hợp người tố cáo vụ tham nhũng tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam từ chối nhận khen thưởng vì cho rằng có biểu hiện bao che (tham nhũng vài tỉ đồng nhưng nộp lại tài sản phạm tội thì được đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự...).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện. Ảnh: TTXVN 
Về trách nhiệm của các cơ quan đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay: “Kiểm toán, thanh tra hàng ngàn vụ, phát hiện nhiều sai phạm, lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng chuyển sang điều tra rất ít, chủ yếu xử lý hành chính, vậy thì có tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý không? Rồi đình chỉ điều tra nhiều vụ án, xét xử đưa ra mức án dưới khung hình phạt, vậy có tiêu cực không? Đó là những câu hỏi rất khó trả lời”.
Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, cơ quan thẩm tra dẫn chứng, có địa phương, trong 2 năm, thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện 1-2 vụ tham nhũng nhỏ và kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính. Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp đánh giá, kết quả chưa dáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện phê, một số nơi cấp ủy, chính quyền còn né tránh, nể nang trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
“Dân ăn cắp 2 triệu… đi tù, cán bộ tham nhũng tiền tỷ chỉ… án treo”
Trong phiên họp ngày 18/9, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, đặt vấn đề: “Dân trộm cắp 2-3 triệu đồng thì đi tù, còn cán bộ tham nhũng tiền tỷ mà chỉ xử lý hành chính hoặc án treo thì có công bằng?”
 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước. Ảnh: VOV
Ông Ksor Phước đề nghị: “Cần tập trung vào các trọng điểm những nơi có nhiều tiền, nhiều quyền là nơi dễ tham nhũng nhất và là tham nhũng lớn. Chúng ta cứ đi đánh lơ vơ ở đâu đấy, nên đánh thẳng vào đó, đấy mới là “con cá” lớn”.
Dân nghèo, sao tỉnh xây trụ sở như... cung điện?
Cũng liên quan tới việc PCTN, khi cho ý kiến về việc thực hiện luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 19/9, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước - cho biết, ông đi nhiều nơi thấy nhiều tỉnh nghiêm túc trong xây trụ sở, nhưng không ít tỉnh xây trụ sở như cung điện, như địa điểm để du lịch.
“Dân đang nghèo, tại sao mình làm to như thế!" - ông Phước, thốt lên. Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc đề nghị Chính phủ, thời gian tới phải chuẩn hóa việc xây dựng này, không thể để trụ sở thành nơi du lịch.
 Lễ hội tổ chức hoành tráng, trụ sở khánh thành khang trang, gây lãng phí cho ngân sách. Ảnh minh họa.
Ông Phước cũng bức xúc: “Đề nghị công bố công khai cho cả nước biết. Kể cả trụ sở Tỉnh ủy của các đơn vị xây dựng lãng phí, tổ chức Đảng mà xây dựng nhà lộng lẫy, xa hoa là không được, chúng ta công khai để bảo vệ Đảng, giữ được niềm tin với nhân dân”.
Qua phiên họp thứ 21 của UBTVQH, có thể thấy rằng, vấn đề PCTN thực sự thu hút cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Với những số liệu được công bố trong phiên họp, cùng những phát ngôn “sốc” về thực trạng công tác PCTN từ các thành viên UBTVQH, người dân cũng không biết nên mừng, hay lo? Sau phát biểu, thảo luận của các vị chính khách, công tác PCTN, liệu có chuyển biến nào tích cực?
Tiểu Phong (tổng hợp)

Bình luận(0)