Thầy giáo tát học sinh thắng kiện 231 triệu đồng

Google News

(Kiến Thức) - Sa thải thầy giáo tát học sinh, một trường học tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bị tòa án buộc phải bồi thường trên 231 triệu đồng cho quyết định xử lý quá nặng tay này.

TAND TP Đà Lạt vừa cho biết, đã tuyên hủy quyết định sa thải ông Lê Cao Tánh của Trường THPT bán công Nguyễn Du Đà Lạt (nay là Trường THCS Nguyễn Du Đà Lạt), buộc trường này nhận ông Tánh trở lại làm việc; phải thanh toán cho ông Tánh 231,847 triệu đồng, khôi phục lại mọi chế độ bảo hiểm cho ông Tánh theo đúng quy định. Ngoài ra, trường này còn phải công khai xin lỗi nạn nhân trên báo chí địa phương và trung ương, đài PTTH Lâm Đồng.
Nguyên nhân là do trước đó nhà trường đã đuổi việc thầy Lê Cao Tánh không đúng quy định của pháp luật.
 Trường THCS Nguyễn Du Đà Lạt phải bồi thường cho ông Lê Cao Tánh trên 230 triệu đồng.
Năm 2007, lúc đó ông Lê Cao Tánh đang dạy hai môn tại Trường THPT bán công Nguyễn Du Đà Lạt là Ngữ văn và Giáo dục công dân. Trong giờ ra chơi, thầy đang đi ở sân trường thì nghe tiếng gọi từ phía sau “Tánh… Tánh… Tánh!...” của một cậu học trò lớp 10 vốn có tiếng là hư hỏng trong trường. Thầy Tánh cố lơ đi và nhẫn nại chịu đựng, trong lòng nghĩ khi hết giờ học sẽ yêu cầu học sinh này ở lại viết tường trình làm rõ ngọn ngành.
Thấy thầy không nói gì, cậu học trò hư hỏng kia tiếp tục “được nước” lớn tiếng giữa sân trường chửi thầy Tánh là “Thằng mất dậy!...”. Lần này thì không thể nhẫn nhục chịu đựng hơn được nữa, thầy Tánh yêu cầu học sinh này lên phòng hội đồng nhà trường làm việc. Và rồi một cái tát vào mặt cậu học sinh cá biệt kia đã xảy ra trong lúc thầy không giữ được bình tĩnh vì bị xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự ngay giữa sân trường.
Không lâu sau, thầy Tánh phải nhận quyết định kỷ luật số 03/QĐ-KL, ngày 2/6/2007 của Trường THPT bán công Nguyễn Du Đà Lạt, với hình thức sa thải.
Biết mình bị đuổi việc oan ức, với cây bút và lá đơn, thầy Tánh cậy nhờ tất cả vào các cơ quan chức năng địa phương để đòi lại công bằng, lẽ phải, nhưng câu trả lời mà người thầy nghèo sa cơ lỡ vận nhận được từ họ là “bác đơn” hoặc “không có căn cứ” giải quyết. “Bước đường cùng”, bất đắc dĩ thầy Tánh đành phải nhờ vào sự can thiệp của tòa án. Thế nhưng, ở cả hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, phần thua kiện vẫn là thầy.. Lòng yêu nghề, nhớ trường, thương lớp, nhớ tiếng nói của các em học sinh đã thôi thúc thầy rời xa Đà Lạt đi tìm công lý ở các cơ quan Trung ương ngoài Thủ đô.
Còn ít tiền dành dụm được sau nhiều năm làm thầy, chiếc xe gắn máy “cà tàng” là tài sản lớn nhất của ông giáo nghèo nay trở thành phương tiện “dìu” thầy vượt trên 1.200km ra đất Bắc đi đòi công lý. Đặt chân ra Hà Nội, việc làm đầu tiên của thầy Tánh là viết đơn xin Giám đốc thẩm bản án, tiếp đó là đi kêu oan ở Văn phòng tiếp dân Trung ương Đảng, khi thì sang Văn phòng Chính phủ, lúc tới trụ Sở Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong lúc mọi người đã biết tới ông Tánh với tư cách là vị luật sư hơn là một người thầy lỡ vận, thì tháng tháng 6/2011, VKSND Tối cao đã có quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa Lao động TAND Tối cao đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm. Theo VKSND Tối cao, hành vi tát học sinh của ông Tánh chỉ có thể bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức khiển trách hoặc kéo dài thời hạn nâng lương (theo khoản 1a Điều 84 Bộ luật Lao động) hay chuyển công việc khác trong thời hạn tối đa sáu tháng (theo khoản 1b Điều 84 Bộ luật Lao động).
Ngày 27/9/2011, TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm vụ án “tranh chấp kỷ luật sa thải” của ông Tánh. Tòa này đã hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại. Vậy là sau nhiều năm vất vả đi tìm công lý, cuối cùng ông giáo nghèo bị đuổi dạy oan sai đã được các cơ quan thực thi pháp luật đền đáp xứng đáng.
Ngày 17/9/2013 vừa qua, TAND TP Đà Lạt đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “Kiện quyết định xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải”, tòa tuyên ông Lê Cao Tánh toàn thắng.
Khắc Lịch

Bình luận(1)

Minh Hiền

Dinh Duc Hung

Tôi là 1 cựu học sinh ở thành phố Đà Lạt, đọc qua bài báo này rất thương Thầy, cả cuộc đời vì sự nghiệp trồng người, có ai? Tòa án nào trả lại công bằng cho Thầy?