Xuất hiện hoa Ưu đàm 3000 năm mới nở ở TP.HCM?

Google News

(Kiến Thức) - Anh Toàn, một KTS ở TP.HCM trong khi đi dạo quanh công ty vô tình phát hiện loài hoa lạ, giống hoa Ưu Đàm truyền thuyết.

Theo anh Toàn, vào một buổi chiều cách đây một năm, anh đi dạo trong khuôn viên của công ty Kiến trúc HTT Group chi nhánh TPHCM có trụ sở ở quận 2, TP.HCM thì tình cờ nhìn thấy những bông hoa nhỏ li ti màu trắng mọc lên một chiếc lá cây. Vì đã từng đọc được một số thông tin về loài hoa Ưu Đàm trên các phương tiện truyền thông nên lúc đó anh Toàn đã ngờ ngợ về loài hoa đặc biệt này.

Xuat hien hoa Uu dam 3000 nam moi no o TP.HCM?
 Loài hoa lạ được anh Toàn phát hiện rất có khả năng là hoa Ưu Đàm trong truyền thuyết được nhắc đến nhiều thời gian gần đây. Ảnh: Anh Toàn cung cấp 

Rất ngạc nhiên và phấn khích, anh Toàn đã chụp ảnh những bức ảnh về loài hoa này. Sau hôm đó, anh Toàn đem cất loài hoa lạ vào một chiếc hộp nhỏ và để cẩn thận vào hộc tủ xem như một kỷ niệm và cũng quên bẵng đi.

Tuy nhiên, mới đây khi chuyển nhà, trong lúc sắp xếp đồ đạc anh Toàn đã thấy chiếc hộp cất giữ hoa. Loài hoa đặc biệt này lại một lần nữa khiến anh ngạc nhiên tột độ. Chiếc lá cây mà những bông hoa mọc trên đã khô héo từ lâu nhưng những cây hoa vẫn còn sống và tươi như lúc ban đầu anh Toàn phát hiện cách đây một năm.

Khi được hỏi về việc có tin vào truyền thuyết hoa Ưu Đàm 3000 năm nở một lần hay không anh Toàn vui vẻ trả lời rằng thật sự thì anh không tin vào truyền thuyết vì không có cơ sở, tất cả chỉ là sự truyền miệng và ở Việt Nam cũng như một số quốc gia khác trên thế giới cũng đã nhiều lần phát hiện loài hoa lạ này.
Xuat hien hoa Uu dam 3000 nam moi no o TP.HCM?-Hinh-2
 Những bông hoa đặc biệt mọc trên một chiếc lá cây. Ảnh: Anh Toàn cung cấp 

Mặc dù vậy, anh Toàn không phủ nhận sự kỳ lạ của loài hoa đặc biệt này, theo anh, loài hoa này không cần ánh sáng, không cần chất dinh dưỡng mà vẫn sống khỏe, rất tươi tốt trong một thời gian rất dài.

Theo truyền thuyết về hoa Ưu Đàm, loài hoa này còn gọi là ưu đàm bát la, ưu đàm ba la… là phiên âm Hán-Việt của từ "udumbara" trong tiếng Phạn hay tiếng Pali, có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời”, có truyền thuyết nói rằng "3000 năm mới nở một lần". Theo Kinh Phật, hoa Ưu Đàm nở để báo hiệu một vị Phật giáng sinh.

Việc đề cập thời gian nở của hoa Ưu Đàm 3000 năm một lần mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó. Kinh Phật có ghi vào thời khắc Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời có hoa Ưu Đàm nở, tức là thể hiện sự hiếm hoi nhân loại mới gặp được một vị Phật tại thế.

Tuy vậy, gần đây liên tiếp có những thông tin về sự xuất hiện của loài hoa lạ được cho là hoa Ưu Đàm này. Ở Việt Nam, loài hoa này đã được phát hiện ở Đà Nẵng, Vũng Tàu, Quảng Nam, Phú Yên, Hải Phòng, Nha Trang, Thái Nguyên, Nam Định... và đang khiến dư luận xôn xao.

Đáp lại những băn khoăn của dư luận, các nhà khoa học đã nhận định những bông hoa lạ này thực chất là một loại nấm. Đặc điểm lạ của loài thực vật này là có thể mọc trên bất cứ vật liệu nào, chẳng hạn trên các loài cây khác nhau, trên kim loại, trên kính, trên tượng Phật. Chính vì thế nên nó được đồn thổi là hoa Ưu Đàm gắn với truyền thuyết trong Kinh Phật.
Xuat hien hoa Uu dam 3000 nam moi no o TP.HCM?-Hinh-3
 Loài hoa đặc biệt này có thể mọc trên mọi vật liệu. Theo anh Toàn dù không có ánh sáng, không có chất dinh dưỡng, loài hoa này vẫn sống tốt. Ảnh: Anh Toàn cung cấp 

Căn cứ kinh sách và các từ điển Phật Giáo, các nhà Phật học cũng khẳng định hoa Ưu Đàm trong Phật Giáo được xem là một loại trong truyền thuyết, chưa ai được nhìn thấy hoặc nếu có thì là loại cây thuộc họ cây Sung(dịch từ Udumbara. Căn cứ vào kinh văn nhà Phật người ta khẳng định nếu có cây hoa Ưu Đàm trong thực tế thì loại cây này cũng phải có tán đủ lớn để cho người ngồi được dưới gốc. Do vậy loài hoa lạ này không thể là hoa Ưu Đàm trong truyền thuyết Phật Giáo, và không nên gọi nó là hoa Ưu Đàm.

Theo nhận định của các nhà khoa học Việt Nam, thực chất loài hoa lạ được đồn thổi là loài hoa Ưu Đàm truyền thuyết, 3000 năm nở một lần là một loài sinh vật bậc thấp, chưa có cấu trúc mô. Có thể gọi tên đúng của “hoa” này là nấm nhầy bởi cơ thể là một khối nhầy.

Đinh Ngân

Bình luận(0)