Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù gỡ vướng các dự án giao thông

Google News

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường giao thông đi qua địa phương…

Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Chinh phu de xuat co che dac thu go vuong cac du an giao thong
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình (Ảnh: Quochoi.vn).
Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm 5 cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (Dự thảo).
Trong 5 nhóm chính sách đề xuất, Chính phủ đề nghị tăng tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tức tăng 20% (mức quy định hiện nay 50%). Đây cũng là chính sách được Quốc hội cho phép áp dụng tại TP HCM, theo Nghị quyết 98.
Chính phủ lý giải, thực tế một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao nên cần sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.
Ngoài ra, có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều chiếm tỉ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu áp dụng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư để triển khai theo phương thức PPP.
Chính phủ cũng đề xuất thẩm quyền thực hiện đầu tư cao tốc, quốc lộ qua các địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Chính sách này mở hơn quy định hiện nay (địa phương không được phép là cơ quan chủ quản, dùng vốn ngân sách đầu tư dự án cao tốc, quốc lộ). Chính phủ đề nghị Thủ tướng sẽ quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án, dùng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác.
Quy định hiện hành không cho phép một địa phương quyết định chủ trương đầu tư, bố trí vốn cho dự án đi qua địa bàn tỉnh khác. Trong khi thực tế nhiều dự án giao thông qua nhiều địa phương, hoặc đi qua ranh giới hai địa phương bằng cầu, hầm. Nếu mỗi địa phương đầu tư một nửa cầu, hầm sẽ lãng phí bộ máy, thời gian, thủ tục đầu tư.
Thực tế, nhiều dự án giao thông gặp khó khăn về vật liệu xây dựng trong thi công, giá vật liệu bị đẩy lên cao, đầu cơ. Vì thế, Chính phủ đề nghị có cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường.
Chính phủ đề nghị được áp dụng các cơ chế đặc thù trên tới hết năm 2025. Với mỗi cơ chế sẽ kèm theo danh mục dự án cụ thể được áp dụng tại các địa phương. Ngoài ra, đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng một lần cơ chế đặc thù với dự án dự án từ nguồn thu tăng thêm ngân sách Trung ương 2022.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết.
Về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương, trước đây, chính sách này được áp dụng cho một số dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43. Song, năng lực của các ban quản lý điều hành dự án tại các địa phương chưa đồng bộ, có địa phương làm tốt, có nơi gặp khó khăn.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá sơ kết triển khai chính sách này trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43 để thêm cơ sở thuyết phục các đại biểu Quốc hội. Đồng thời, đề nghị rà soát lại cơ chế đặc thù cho dự án dùng vốn từ nguồn tăng thêm ngân sách Trung ương 2022, bảo đảm không dàn trải, thất thoát, lãng phí.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm:

(Nguồn: VTV4)

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)