Người Việt mất liên lạc ở Anh: Sao gia đình T.N nhận lại 1 tỷ đồng, giấu “đầu mối” trả tiền?

Google News

(Kiến Thức) - Hiện bố mẹ chị T.T.N (người mất liên lạc ở Anh) vẫn đang giấu thông tin về việc nhận lại 1 tỷ đồng từ người môi giới. Luật sư cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc thỏa thuận số tiền 1 tỷ trên để đưa người khác ra nước ngoài.

Vụ việc 39 người tử vong trong container tại hạt Essex, ngoại ô London, Anh, nghi có nạn nhân là người Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh những thông tin liên quan đến danh tính các nạn nhân và số phận của những người được cho rằng mất tích tại Nghệ An, Hà Tĩnh, dư luận cũng quan tâm đến việc điều tra, xử lý những kẻ môi giới, tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép?
Đáng chú ý, ngày 31/10, ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông (TP Vinh, Nghệ An) xác nhận việc người thân gia đình chị T.T.N (19 tuổi, trú tại xã Hưng Đông, một trong những nạn nhân được gia đình trình báo mất tích) cho biết có người môi giới trả lại cho gia đình số tiền hơn 1 tỷ đồng sau khi N. mất liên lạc trên đường đi Anh.
Tuy nhiên, bố mẹ của N. không nói ra thông tin trên và vẫn đang giấu, kể cả khi gặp phóng viên báo chí, bố chị N. vẫn từ chối chia sẻ về thông tin trên, dù thông tin ấy nếu thật sẽ là manh mối để tìm ra những đối tượng môi giới, tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao gia đình chị T.N nhận lại 1 tỷ đồng lại giấu "đầu mối" trả lại tiền?
Nguoi Viet mat lien lac o Anh: Sao gia dinh T.N nhan lai 1 ty dong, giau “dau moi” tra tien?
Con ngõ dẫn vào nhà chị T.T.N. Ảnh: VNN 
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc xuất cảnh, nhập cảnh công dân Việt Nam ra nước ngoài hoặc người nước ngoài vào Việt Nam phải thực hiện theo quy định về thủ tục xuất nhập cảnh để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý hình sự.
“Sự việc 39 người tử vong trong Container gây chấn động thế giới, từ đó cũng phơi bày ra một thực trạng tồn tại mấy lâu nay là những tổ chức môi giới, đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép tồn tại ở nhiều địa phương gây mất an ninh trật tự, đe dọa đến an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác. Bởi vậy, hiện nay cơ quan điều tra ở nhiều địa phương đang có các kế hoạch kiểm tra rà soát xử lý các đối tượng môi giới, tổ chức người khác đi ra nước ngoài trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật, tránh những hậu quả đáng tiếc như vậy xảy ra...”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cho dù gia đình chị N. có giấu thông tin nhận 1 tỷ đồng từ người môi giới khi N. mất liên lạc sau vụ việc xảy ra tại Anh, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc thỏa thuận số tiền 1.000.000.000 trên để đưa người khác ra nước ngoài.
“Trong trường hợp có căn cứ cho thấy số tiền đó là chi phí để thực hiện hoạt động đưa người ra nước ngoài trái phép thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý các đối tượng tổ chức đưa người khác ra nước ngoài trái phép theo quy định của pháp luật. Những đối tượng chủ mưu cầm đầu, giúp sức, xúi giục và những đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội đều bị xử lý với vai trò đồng phạm”, Luật sư Cường cho biết.
Nguoi Viet mat lien lac o Anh: Sao gia dinh T.N nhan lai 1 ty dong, giau “dau moi” tra tien?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
Ngoài ra, theo Luật sư Đặng Văn Cường, nếu hành vi nhận tiền, hứa hẹn được người khác và nước ngoài trái phép theo hình thức lao động, học tập nhưng không được phép của cơ quan có thẩm quyền thì cũng có thể xử lý các đối tượng này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự.
“Pháp luật quy định nghĩa vụ bắt buộc tố giác tội phạm đối với những tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và có những quy định cụ thể để xử lý hành vi che giấu tội phạm. Bởi vậy, đối với vụ việc trên nếu gia đình đó biết rõ đối tượng giao nhận số tiền 1.000.000.000 đó đã thực hiện hành vi phạm tội ở mức độ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà vẫn không tố giác, thậm chí che giấu thì sẽ bị xử lý về tội không tố giác tội phạm hoặc tội che giấu tội phạm theo quy định pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Điều 18. Bộ Luật hình sự 2015 quy định về che giấu tội phạm:
1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Điều 19. Không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)