“Trang phục” ông Công, ông Táo tăng giá

Google News

Giá cả của mặt hàng thời vụ này tăng từ 10 - 20% so với năm trước, có giá từ 30 - 60 nghìn đồng/bộ

- Khác với cá vàng, tới giáp ngày 22, 23 tháng Chạp mới được mang ra chợ bán cho người dân mua về làm phương tiện đi lại cho ông Công, ông Táo về chầu trời, “trang phục” của các ông xuống chợ sớm hơn.

Người dân đã bắt đầu mua hàng mã cho ngày 23 tháng Chạp

 Tuy nhiên, giá cả của mặt hàng thời vụ này tăng từ 10 - 20% so với năm trước, có giá từ 30 - 60 nghìn đồng/bộ. Hàng đẹp có giá tới 120 nghìn đồng/bộ.

 

“Đã có nhiều khách hàng tới mua từ tuần trước. Chủ yếu khách hàng chọn mua loại lớn, giá 60 nghìn đồng. Loại đặc biệt giá 120 nghìn, chúng tôi cũng có bán nhưng lượng khách hỏi mua chưa nhiều. Loại hàng này được làm bằng loại giấy đẹp hơn, các đường nét cũng tinh xảo hơn…” - một chủ hàng trên phố Hàng Mã cho biết.

Hàng bán rong trên phố chủ yếu là hàng loại trung, có giá bán dao động từ 30 - 55 nghìn đồng/bộ. Vàng cây (vàng đại) bán kèm có giá từ 30 - 45 nghìn đồng/cây.

“Tôi đi chợ thấy hàng cũng khá đẹp nên mua luôn, chứ sợ tới giáp ngày 23 mới mua thì còn toàn hàng xấu. Nhiều năm tôi bị mua đắt vì cứ để muộn mới mua” - bác Thanh Hằng, phố Vĩnh Phúc cho biết.

Ngày 23 tháng Chạp năm nào cũng là mùa bội thu của những người làm vàng mã. Vào ngày này, nhà nào cũng sắm ít nhất 1 bộ về thắp hương. Vì nhu cầu khách hàng lớn nên ngay sau Rằm tháng 7, người làng nghề đã hối hả bắt tay vào làm đợt hàng mã phục vụ cho ngày này.

“Gia đình chúng tôi phải làm hàng từ 4 tháng trước mới kịp số lượng xuất, chủ yếu đi Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ. Số lượng khoảng  gần 10 nghìn bộ cho các tỉnh. Giá loại đẹp bán tại nhà 65 nghìn  đồng/bộ, loại bình thường chỉ 22 nghìn đồng/bộ thôi” - ông Nguyễn Đăng Thiệu, chủ cơ sở sản xuất hàng mã làng Đông Hồ (Bắc Ninh) cho biết.

Thanh Xuân

Bình luận(0)