Gần đây, dư luận xôn xao vì một cuốn sách nhỏ mang cái tên hơi quái dị “Sát thủ đầu mưng mủ”. Cái tên “dị” đến nỗi...
Mấy ngày đầu, khi lên phố sách Đinh Lễ hỏi, người bán hàng điềm nhiên trả lời: “Nhà em không có cuốn truyện trinh thám đó!”. Bây giờ thì hẳn là chị ta đã biết rồi: Cuốn sách sau đó đã nóng bỏng như khoai nướng và đã bị đình chỉ phát hành để kiểm định nội dung. Nói trắng ra là: Thu hồi! Ai cũng biết, lý do hành chính chỉ là bề ngoài. Cả làng đều vượt đèn đỏ, đèn vàng… thì nhà đương cục muốn tuýt còi ai mà chẳng được. Còn một trong những lý do sâu xa, ta đều hiểu là trong cuốn sách có một số câu tục ngữ mới mà giới trẻ nay hay dùng nhưng không được nhiều người ủng hộ, coi là tục ngữ “chế”, và bị coi như đi ngược lại với truyền thống. Đó là những câu đại loại: “Một con ngựa đau cả tàu… được ăn thêm cỏ!” hay “Không mày đố thầy dạy ai” và “Một điều nhịn là chín điều nhục!”. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn nói đến vấn đề nhịn nhục, tức là câu tục ngữ cuối, được lưu hành để phản biện “Một điều nhịn là chín điều lành” - câu tục ngữ cũ, gin, xịn, hàng thật giá thật – sự tốt đẹp toàn diện – cái cớ để nhiều phụ huynh và một số người quá nghiêm nghị xuống tay với “Một điều nhịn là chín điều nhục”.
Hai câu tục ngữ, hai thái độ sống. Một khuyên ta nên nhịn, tức ca ngợi chữ “nhẫn”, để nhận điều lành. Một cho rằng một nhịn thì chín nhục. Nhịn lắm thì nhục nhiều. Tốt nhịn thì sinh hèn… Nói cách khác, nó ca ngợi chữ “dũng”.
Ở một xã hội mà chữ “nhẫn” vẫn được treo trang trọng trong phòng khách thì có nhiều người khó chịu và phản ứng với “một điều nhịn là chín điều nhục” cũng là điều dễ hiểu. Vì nó không… lành.
Bây giờ vì xã hội hiện đại có nhiều bất an, không lành, nên người ta thích… lành. Mua xe cũng muốn một chiếc vừa phải, không dễ hỏng, không trội để bị chú ý, thường là xe Nhật, tùy túi tiền để là Altis hay Camry hay Lexus, để đi “cho nó lành”. Cưới cô vợ cũng xem kỹ ngày giờ, có khi rước dâu lúc hai giờ sáng, rồi cưới đi cưới lại, cũng là để… cho nó lành. Đến cả trong nghị trường cũng thấy nói bao nhiêu cũng là bạc, im lặng kia mới là vàng, cho nên ngài nghị sĩ kia cũng thấy im lặng là tốt, nên ngài ngồi im, cốt để cho nó lành.
Cho nên, chỉ có bọn trẻ, hay những kẻ hữu dũng mà mưu không cao, những kẻ máu nóng như Trương Phi tái thế, mới không muốn nhịn nhục, không muốn điều lành mà thôi!
Nhưng rốt cuộc tốt nhịn có lành hay không?
Qua một vài trường hợp rộn ràng trên báo chí gần đây, ta thấy rõ là nhịn cũng không hẳn là lành.
Dương Vũ ở Thâm Quyến chỉ là một thảo dân, anh ta cũng như mọi người, chỉ muốn điều lành. Cho nên trước việc gã dân phòng Dương Hỷ Lợi cùng với đồng bọn tay dao tay thước xông vào nhà chửi rủa và giở trò cưỡng hiếp chính vợ mình, Dương Vũ là chồng, nhưng đã quyết định mặc kệ. Anh ta chấp nhận nhịn nhục, vì “nghĩ lại trong nhà còn có mẹ già với bốn con nhỏ, mình giết người đi tù thì ai nuôi họ? Tôi không thể làm nhà tan cửa nát được!”.
Không ai có thể phủ nhận trong trường hợp này Dương Vũ thật là tốt nhịn. Nhưng không ai có thể khẳng định thứ anh ta nhận được bây giờ là điều lành. Vợ anh ta chửi anh ta “không phải là đàn ông”, mẹ anh ta mắng anh ta là “đứa con bất hiếu”, bản thân anh ta đã phải đổi cả chỗ ở vì láng giềng phỉ nhổ nhục nhã… Mặc dù vậy, cả nước Trung Hoa vẫn không bớt phẫn nộ, còn dùng chính cái tên “Dương Vũ” của anh ta để chỉ những kẻ đớn hèn.
Vì Dương Vũ tốt nhịn nhất song cũng chính là người đàn ông đớn hèn nhất thế gian.
“Nhịn” còn đồng nghĩa với “hèn” là như vậy.
Gần đây ở Hà Nội dư luận lại rộ lên vụ đám đông người đi xe buýt mặc kệ kẻ móc túi hành hung người lành mà không lên tiếng can thiệp; rồi vụ một thanh niên khổ sở van xin kẻ móc túi trả lại ví cho mình. Anh thanh niên mặt mày thất thần, cuống quýt lên tiếng: “Anh ơi, túi em không có tiền đâu... Anh ơi, cho em xin lại cái bằng lái xe thôi”... nhưng đám đông xung quanh điềm nhiên im lặng.
|
Người thanh niên khổ sở van xin kẻ móc túi trả lại ví cho mình. Ảnh chụp từ clip |
Điều gì đang xảy ra vậy?
Khi lựa chọn im lặng làm ngơ trước điều bất thiện, đám đông trong trường hợp này đã hành động giống như Dương Vũ ở nước Trung Hoa kia, cam tâm nín nhịn, để nhận điều… lành, và dĩ nhiên là ở một mức độ nhẹ nhàng hơn nhiều, cam tâm chịu “hèn”.
Hèn nhẹ nhàng. Hèn không để lại hậu quả.
Chuyện xảy ra, có thể đa dạng, song cốt truyện thực chất vẫn cũ. Hình thức có thể khác nhau, song nguyên lý vẫn là một.
Nó chính là cái triết lý “một điều nhịn là chín điều lành” đã được tăng “volume” lên đến hết cỡ! Đến mức cái câu tục ngữ ngàn đời đẹp đẽ, khuyến dụ con người nhường nhịn, bất tranh, bao dung, từ ái, biến thành một triết lý ích kỷ khuyến khích người ta an phận thủ thường, làm ngơ trước cái ác và sống hèn hạ.
“Vật cực tắc phản” là nghĩa như vậy!
Điều gì sẽ xảy ra khi xã hội có quá nhiều người chọn chữ “nhẫn” theo kiểu đó?
Vì một cộng đồng có quá nhiều người cam lòng nhẫn nhịn phải chăng cũng là một cộng đồng điếc đặc trước cái ác?
Để chúng ta, trước mỗi việc xảy ra cũng thấy giật mình thảng thốt vì không thể tin nổi đó là sự thật. Đâu chỉ là chuyện cô bé con ở Phật Sơn, Quảng Đông bị xe cán đi cán lại trong sự thờ ơ của đám đông xung quanh làm không chỉ người Trung Hoa mà cả chúng ta nữa sôi ruột! Vì đâu phải là chuyện Trung Hoa, chính chúng ta vẫn nghe nói tới một cái luật bất thành văn nào đó của lái xe tải là đã cán người thì cứ cán luôn cho chết! Cái luật bạo tàn kia hẳn chỉ áp dụng được ở một xã hội đã không còn sức đề kháng với cái ác, và một gã tài xế bất nhân hẳn chỉ thực hiện được hành vi của gã với sự im lặng trợ giúp của cả một đám đông nhẫn nhục.
Đâu rồi cái triết lý của chàng Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” dũng mãnh và giản dị?
Và chúng ta đã chôn giấu ở đâu cái dũng tức thời, không thất phu, như một phản ứng bản năng của cái thiện?
Chỉ nhắm mắt ca ngợi chữ “nhẫn”, chỉ thấy “một điều nhịn là chín điều lành” mà không nhìn thấy cái cảm quan khỏe khoắn của triết lý “một điều nhịn là chín điều nhục” cũng tức là không thấy được sự cần thiết của cái dũng lành mạnh, cái dũng thiện lương đó.
Xã hội đã có những người như Dương Vũ, xã hội cũng cần phải có những Lục Vân Tiên, những Quan Vân Trường.
Những kẻ không muốn nhận điều lành theo lối nhắm mắt nhịn nhục.
(Theo Đẹp)