Hành trạng của Bồ Tát Quan Thế Âm qua các kinh điển

Google News

Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo Từ bi cứu khổ mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất là đức Bồ-tát Quan Thế Âm.

Vì vị Bồ - tát này có đầy đủ phẩm chất của một người mẹ trong tất cả những người mẹ. Hình như trong mọi trái tim của những người con Phật thuần thành - nhất là giới phật tử bình dân - không ai là không không có hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ-tát giàu lòng bi mẫn nầy. Mỗi khi nói về Ngài, tựa hồ chúng ta ai cũng biết, nhưng có lẽ không ai dám cho là mình đã hiểu biết đầy đủ tất cả. Thế nên, trong bài này người viết xin giới thiệu cụ thể đôi nét chân dung của Bồ-tát một lần nữa, để giúp đại chúng quan chiêm.
  Quan Thế Âm Bồ Tát.
Trước hết hãy nói về danh hiệu của Bồ-tát. Thông thường các kinh điển kể về 8 danh hiệu của Ngài như sau:
1/. Quan Thế Âm Bồ-tát;
2/. Quán Tự Tại Bồ-tát;
3/. Quan Thế Tự Tại Bồ-tát;
4/. Quan Thế Âm Tự Tại Bồ-tát;
5/. Hiện Âm Thanh Bồ-tát;
6/. Quan Âm(*) Bồ-tát;
7/. Cứu Thế Bồ-tát;
8/. Quan Âm Đại Sĩ.
Trên đây là những danh hiệu phổ biến mà nhiều người thường biết đối với vị Bồ-tát nầy. Thế thì có những kinh điển chủ yếu nào đề cập đến xuất xứ, vị trí và những hoạt dụng của Ngài?
1. Theo kinh Đại A-di-đà thì Ngài là Thị vệ bên trái, còn Bồ-tát Đại Thế Chí là Thị vệ bên phải của đức Phật A-di-đà lo việc cứu độ chúng sinh trong thế giới Ta-bà. Cả 3 vị được gọi chung là Tây phương Tam Thánh (3 vị Thánh ở phương Tây). Và trú xứ chính thức của các Ngài là cõi Tây phương Tịnh độ. Phàm khi chúng sinh gặp tai nạn mà chí thành niệm danh hiệu Quan Âm Bồ-tát, thì lập tức Ngài đến nơi cứu giúp. Do thế mà Ngài được đức hiệu là Quan Thế Âm Bồ-tát (Vị Bồ-tát chuyên lắng nghe âm thanh - cầu cứu - của thế gian).
2. Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn thì Ngài có 33 hóa thân, từ thân Phật, Độc giác… đến thân đồng nam, đồng nữ. Ngài thường vận dụng 14 năng lực vô úy để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi ách nạn, hoặc đáp ứng những yêu cầu chính đáng khi nào chúng sinh thành tâm niệm đến danh hiệu của Ngài.
3. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm thì pháp môn tu của vị Bồ-tát nầy là Nhĩ Căn Viên Thông, nghĩa là tai Ngài có thể được sử dụng như năm căn khác. Ngài phát tâm tu hành nơi pháp hội của đức Phật Quan Thế Âm, và đức Phật nầy đã thọ ký cho Ngài khi thành Phật sẽ có Phật hiệu giống như mình. Do đó mà Ngài có hiệu là Quan Thế Âm. Đồng thời vị Bồ-tát nầy cũng có 32 ứng thân giống như kinh Pháp Hoa đã mô tả.
Chỗ khác nhau là kinh Pháp Hoa kể đến 33 ứng thân, còn kinh Lăng Nghiêm thì liệt kê 32 ứng thân. Ngoài ra, hai kinh nầy còn giống nhau một điểm nữa là cùng mô tả về 14 đức vô úy của vị Bồ-tát nầy. Số lượng và nội dung của các đức vô úy nầy gần y hệt như sau.
4. Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà-la-ni thì Ngài đã thành Phật từ đời quá khứ cách nay vô lượng kiếp, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực Đại bi, muốn làm lợi ích cho chúng sinh nên Ngài hiện thân Bồ-tát để dễ dàng hoàn thành đại nguyện. Thế nên, ngoài danh hiệu Bồ-tát Quan Âm như chúng ta thường nghe, có đôi chỗ còn gọi là Phật Quan Âm là vì vậy.
5. Theo kinh Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm Vương thì Ngài là Thị vệ của đức Phật Thích-ca.
6. Theo Mật giáo thì Ngài là hóa thân của đức Phật A-di-đà.
7. Theo kinh Hoa Nghiêm thì đạo tràng của Ngài ở núi Bồ Đà Lạc trên biển Nam Hải. Đó là đôi nét sơ lược về hành trạng của Bồ-tát Quan Âm mà các kinh đã đề cập đến. Bây giờ chúng ta sẽ bàn rõ thêm một số vấn đề cụ thể khác.
Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)